Vụ hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt: Yêu cầu không cung cấp thông tin cho báo chí
(Ngày Nay) - Đại diện truyền thông Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng hóa đơn tiền điện tăng là do nắng nóng. “Vậy tại sao vào năm ngoái, EVN lại tăng giá điện theo lũy kế 6 bậc vào đầu mua nóng?”. “Cái này không phải EVN tăng, mà là câu chuyện điều hành giá điện…” - đại diện truyền thông EVN nói.
|
Hóa đơn tiền điện thời gian qua gây nhiều bức xúc cho người dân. Ảnh: Xuân Thọ |
Lập biên bản, nhưng không đưa cho khách hàng
Sau khi Ngày Nay đăng tải bài viết “Hóa đơn tiền điện lại tăng chóng mặt”, ngành điện các tỉnh đã có động thái kiểm tra. Tuy nhiên, theo phản ánh lại của người dân, chưa biết việc kiểm tra sẽ hiệu quả như thế nào, nhưng cách làm thì không thể chấp nhận được.
“Có hai nhân viên điện lực đến nhà tôi kiểm tra, sau đó lập biên bản rồi ra về mà không để lại bản nào. Tôi có gọi điện hỏi thì họ nói sẽ chụp hình cho tôi. Sau đó họ quay lại và nói phải không được cung cấp thông tin cho báo chí thì họ mới cho chụp hình biên bản” - chị Bích Ngọc (Quảng Ngãi) kể lại.
Sau khi truyền tải thông tin này, phóng viên hỏi ông Trần Viết Trung - Ban truyền thông EVN: “Nhân viên điện lực lập biên bản nhưng không giao cho khách một bản, rồi yêu cầu người dân không được cung cấp thông tin cho báo chí là đúng hay sai?”. Ông Trung đáp: “Sẽ cho kiểm tra lại vì không có chức năng phát ngôn nên không dám trả lời về vấn đề này”.
Hóa đơn tiền điện của một hộ dân. |
Tiền điện tăng có tính… quy luật Liên quan đến thông tin hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt, ông Trần Viết Trung cho rằng tiền điện tăng cao vào các tháng 5, 6 là sự việc có tính quy luật trong các năm qua, thực chất là đối với các hộ gia đình, việc tiêu thụ điện phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát đặc biệt là điều hoà là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng.
“Xác định rõ việc này nên ngày 27/4 chúng tôi đã có văn bản số 2963/EVN-KD chỉ đạo các đơn vị về việc công tác dịch vụ khách hàng (DVKH) và hoá đơn tiền điện trong bối cảnh nắng nóng, dịch Covid-19 trong đó nhấn mạnh vào các công tác công khai, minh bạch về hoá đơn tiền điện và tuyền thông, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả” - ông Trung cho biết thêm.
Thời gian qua, tiền điện đang là vấn đề gây bức xúc cho người dân. Ảnh: Xuân Thọ |
Cũng theo ông Trung, sau khi hết giãn cách là một đợt nắng nóng kéo dài, kỷ lục trong 27 năm qua, dài nhất từ năm 1993. Một điều rất dễ nhận ra là chỉ với các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/ máy điều hòa nhiệt độ mới thấy rõ việc sử dụng điện tăng lên nhiều và kèm theo đó là chi phí sử dụng điện cũng tăng theo. Còn với các hộ không sử dụng máy lạnh và chỉ sử dụng quạt làm mát thì chi phí này thay đổi không đáng kể.
“Khi sử dụng máy lạnh/ máy điều hòa nhiệt độ, điện năng sử dụng của thiết bị này phụ thuộc rất nhiều vào chênh lệch nhiệt độ giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong phòng. Nhiệt độ ngoài trời càng cao, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời so với trong nhà càng lớn thì điện năng sử dụng để làm mát càng nhiều thiết bị điều hòa sẽ phải hoạt động nhiều hơn, tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như việc mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt làm tăng điện năng làm mát phòng và lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%” - ông Trung giải thích.
Ông Trung cũng viện dẫn theo chuyên gia, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 5 độ, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Do đó, mặc dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi, nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.
PV: Tại sao có nhiều nơi hóa đơn tiền điện không có đầy đủ chữ số điện cũ và mới để người dân tiện tra cứu?
Ông Trần Viết Trung: Tôi khẳng định, trên tất cả các hoá đơn của EVN phát hành đều có đầy đủ thông tin về hoá đơn bao gồm cả chỉ số đầu kỳ và chỉ số cuối kỳ để làm cơ sở xác định lượng điện năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, từ tháng 3/2020, EVN áp dụng mẫu hóa đơn tiền điện mới được thiết kế để bổ sung thêm biểu đồ mức tiêu thụ khách hàng theo từng tháng của năm trước và năm hiện tại.
Cần phân biệt hóa đơn tiện điền và tin nhắn thông báo tiền điện. Trên hóa đơn tiền điện sẽ có đầy đủ chỉ số điện cũ và mới, thậm chí cả cùng kỳ năm trước để tiện so sánh. Còn tin nhắn thông báo tiền điện chỉ có số chữ điện và số tiền điện phải đóng trong tháng.
“Không ít người dân cho rằng điện kế và cách đo chữ điện có vấn đề, EVN trả lời sao về vấn đề này?”. “Các công tơ/ điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt để bán điện cho khách hàng đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN ngày 26/7/2019, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.
Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của chúng tôi thực hiện thay thế định kỳ công tơ đã hết hạn kiểm định bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng sử dụng điện.
Hiện tại, đối với công tơ điện tử sẽ được chúng tôi thu thập chỉ số công tơ hoàn toàn tự động, từ xa. Đối với công tơ cơ khí được chúng tôi áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.
Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của điện lực” - ông Trung trình bày.
Xuân Thọ