Các nhà khoa học Australia cho biết mặc dù không tìm thấy dấu vết chiếc máy bay MH370 trong quá trình tìm kiếm ở phía Nam Ấn Độ Dương, nhưng lượng dữ liệu lớn về đáy đại dương đã được thu thập để làm cơ sở chỉ dẫn điều tra.
Bản đồ trên gồm các dữ liệu của một dải đất rộng 6km, dài 15km và nhô cao 1,5km ở đáy đại dương, và một thung lũng sâu 1,2km, rộng 5km.
Dữ liệu trên được các nhà khoa học đánh giá là có một không hai, vì đây là khu vực hẻo lánh của Ấn Độ Dương và địa hình rất hiểm trở, nằm ở vùng biển sâu nhất trên trái đất.
Theo Giám đốc Khoa nghiên cứu về môi trường đất Australia Stuart Minchin, ước tính chỉ có khoảng 10-15% diện tích đại dương của thế giới được khảo sát bằng công nghệ được sử dụng để tìm kiếm chiếc MH370. Vì vậy, đây là một trong những vùng biển sâu được lập bản đồ kỹ nhất.
Các nhà khoa học hy vọng bản đồ mới sẽ giúp cho giới nghiên cứ hiểu biết sâu hơn về đáy đại dương và tiến hành các nghiên cứu trong tương lai.
Dự kiến, bộ dữ liệu thứ hai sẽ được các nhà khoa học Australia công bố vào giữa năm 2018.
Phát hiện một thế giới dưới đáy đại dương chưa từng được biết đến trước đây. (Nguồn: Reuters) |
Trong hơn 2 năm qua, Australia đã điều phối một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn và tốn kém nhất trong lịch sử tại vùng biển rộng khoảng 120.000 km2 ở phía Nam Ấn Độ Dương, được cho là nơi máy bay rơi.
Nhiều mảnh vỡ được cho là thuộc MH370 đã được tìm thấy trên các đảo Reunion, đảo quốc Mauritius cũng như ngoài khơi Nam Phi và Mozambique, nhưng vẫn chưa xác định được vị trí cuối cùng của chiếc máy bay.
Tháng Một năm nay, Australia, Malaysia và Trung Quốc đã ngừng tìm kiếm sau gần 3 năm chiếc máy bay chở 239 người mất tích và hoạt động tìm kiếm tại vùng biển trên nhưng không đạt kết quả.
Tuy nhiên, Chính phủ Australia khẳng định sẽ nối lại hoạt động tìm kiếm nếu có chứng cứ mới về vị trí cụ thể máy bay rơi.