Khu vực cầu Nhật Tân thời điểm xảy ra sự việc khá lộn xộn. Ảnh: M.C
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Cty TNHH Luật Trường Lộc cho rằng: Thời gian qua, báo chí đã góp phần phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực, trong đó có cả những vụ trọng án. Chính vì thế, hình ảnh, tư liệu, video clip của nhà báo thu thập được là bằng chứng rất quan trọng và khách quan để đối chứng với tài liệu của cơ quan điều tra. Ngoài ra, cũng có không ít vụ việc cơ quan công an sử dụng tài liệu từ báo chí do các nhà báo điều tra thu thập được.
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, để xảy ra sự cố xô xát trên là việc đáng buồn, và đây là lỗi nghiệp vụ của cả nhà báo và công an. Nhà báo có quyền tác nghiệp, điều tra độc lập, và được phép chụp ảnh, ghi hình hiện trường theo Luật Báo chí. Thực tế, vụ việc xảy ra tại cầu Nhật Tân, cơ quan điều tra chưa có biển, căng dây cảnh báo dẫn đến tình trạng rất lộn xộn, khó phân định hiện trường.
Theo luật sư Tuấn: Khu vực cấm, địa điểm cấm được quy định tại Điều 2, Điều 3 của Quyết định 160/2004/QĐ-TTg, ngày 6/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ:
Tại Điều 2 quy định khu vực cấm, địa điểm cấm, gồm:
1. Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển.
2. Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân.
3. Các kho dự trữ chiến lược quốc gia. 4. Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.
5. Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).
6. Khi có tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, con người, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn, đe dọa nghiêm trọng, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, Nhà nước, mà Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp thì Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) được quyền xác định khu vực cấm, địa điểm cấm tạm thời đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Tại Điều 3 quy định: Các khu vực, địa điểm được xác định là khu vực cấm, địa điểm cấm phải cắm biển "khu vực cấm", "địa điểm cấm". Mẫu biển "khu vực cấm", "địa điểm cấm" theo quy định thống nhất do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Theo luật sư Tuấn, lúc các phóng viên tác nghiệp thì hiện trường cầu Nhật Tân chưa thấy cắm biển khu vực cấm, địa điểm cấm. Như vậy, có thể nói không đủ cơ sở để xác định khu vực hiện trường là khu vực cấm, địa điểm cẩm, để từ đó xác định các phóng viên có hành vi xâm phạm, chụp ảnh khu vực cấm.
Ngày 29/9, Công an quận Tây Hồ đã thông báo, nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với phóng viên Trần Quang Thế. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu: Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi “bí mật nhà nước” mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng. Tổng mức tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng.