Trưa ngày 20/3, người dân Biên Hòa bàng hoàng nhận ra, cầu Ghềnh trăm tuổi – biểu tượng của thành phố bị sập 2 nhịp và một đoạn đườn ray xe lửa nằm phía phường Bửu Hòa đứt 3m bởi một chiếc sà lan tông thẳng vào mố cầu.
Sau khi gây ra tai nạn này, hai tài công trên sà lan liền nhảy xuống sông bỏ trốn. Trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quân, truy bắt hai đối tượng Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, ngụ Sóc Trăng) và đến ngày 21/3, chúng đã sa lưới khi đang lẩn trốn ở Sóc Trăng.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy" theo điều 212 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) để điều tra, xử lý.
Hai nhịp cầu Ghềnh sập xuống sông Đồng Nai do sà lan húc vào.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng – Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật cho biết, với hậu quả nghiêm trọng trong vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh thì việc khởi tố vụ án là hoàn toàn phù hợp.
Hành vi của hai đối tượng này gây nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản. Tuyến đường sắt qua cầu Ghềnh là huyết mạch của tuyến đường sắt Bắc Nam, vụ việc làm tê liệt tuyến đường sắt, ảnh hưởng lớn đến đi lại của rất nhiều người dân và ngành đường sắt.
Do đó, khung hình phạt áp dụng với hai đối tượng, tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Hơn nữa, trong vụ án này, hai đối tượng còn bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm nên có thể sẽ bị truy tố tại khoản 2 của Điều 212 với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
Ngoài ra, các tài công và chủ phương tiện còn phải bồi thường thiệt hại theo Luật Dân sự...
A.M