Trên thế giới chẳng bao giờ có kiểu phạt cho... tồn tại
Sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực (Q. Ba Đình, Hà Nội) đã rõ, cũng như đã có yêu cầu xử lý từ các cơ quan chức năng. Không những thế, trong quá trình phá dỡ phần sai phạm, chủ toà nhà lại còn “chần chừ” khiến cơ quan chức năng Hà Nội phải đưa ra quyết định cưỡng chế phá dỡ.
Các chuyên gia cho rằng phải kiên quyết xử lý sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực, không chấp nhận phạt cho tồn tại.
Tưởng rằng biết sai mà sửa, ai có thể ngờ được, mới đây, chủ đầu tư lại có văn bản cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội xin không bị phá dỡ phần sai phạm, khẩn thiết “xin đừng đánh người chạy lại”, với những lý do nghe qua có vẻ rất “bùi tai” như việc phá dỡ sẽ ảnh hưởng đến xung quanh, cũng như chính chất lượng tòa nhà.
Phương án xử lý mà chủ tòa nhà đưa ra cũng khiến người nghe rất dễ “động lòng”, như việc họ sẽ dành phần sai phạm này vào mục đích từ thiện, công ích cho cộng đồng hoặc phục vụ công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng. Rõ ràng, chủ ý mà chủ đầu tư đang mong muốn là chấp nhận chịu phạt để được tồn tại chứ không phải bị phá dỡ.
Liên quan đến vấn đề này, trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24/3 vừa qua tại Quốc hội, đề cập đến vụ vi phạm trật tự xây dựng ở cao ốc 8B Lê Trực và Vườn Quốc gia Ba Vì, đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ (Bình Thuận) thắc mắc, ông không hiểu vì sao những công trình “khủng” sai phạm lớn như vậy khi bị xử phạt lại rất chậm trễ. Ông cũng thẳng thắn cho rằng, trên thế giới chẳng bao giờ có kiểu phạt cho... tồn tại, chỉ ở Việt Nam mới có kiểu nghịch lý như vậy. Ông Huệ đề nghị cần khắc phục những yếu điểm này.
“Xử lý rồi thì phải kiên quyết hoàn tất”
Trước việc chủ tòa nhà 8B Lê Trực vừa có văn bản cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội xin không bị phá dỡ phần sai phạm, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội - nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố, tỏ ra bức xúc: “Công trình này đã nhiều lần vi phạm và được nhắc nhở. Thủ tướng Chính phủ và thành phố Hà Nội đã kết luận, cũng như đã xử lý những cán bộ liên quan. Chủ tòa nhà đặt lại vấn đề xin không bị phá dỡ là không nên, vì đã xem xét và đã có yêu cầu xử lý rồi”.
TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, phải kiên quyết xử lý, phá dỡ phần sai phạm để đảm bảo theo đúng giấy phép xây dựng, đấy là điều khẳng định chứ không phải chỉ phạt cho tồn tại. Càng không có chuyện thiếu an toàn trong khi phá dỡ nên cần phải suy tính lại, càng không có chuyện dùng phần sai phạm để phục vụ cho lợi ích cộng đồng.
TS Đào Trọng Nghiêm: “Tòa nhà 8B Lê Trực nằm giáp ranh với khu trung tâm chính trị Ba Đình, vì vậy không thể nào có sự chấp nhận vi phạm pháp luật ở đây được”.
“Hành vi vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực đã vi phạm về hoạt động xây dựng trầm trọng. Họ cũng thể hiện sự không tôn trọng thể chế, cơ chế, chính sách trong quản lý hoạt động xây dựng. Hơn thế nữa, Hà Nội lại là thủ đô, là khu vực đặc thù, việc xây dựng phải tuân thủ theo quy hoạch. Dự án này lại nằm giáp ranh với khu trung tâm chính trị Ba Đình, vì vậy không thể nào có sự chấp nhận vi phạm pháp luật ở đây được.
Tôi xin nhắc lại là Thủ tướng Chính phủ và thành phố Hà Nội đã có kết luận rồi. Vì vậy, đã xử lý sai phạm này thì phải kiên quyết hoàn tất, đúng pháp luật”, TS Nghiêm nhấn mạnh.
“Cho nhà nước trưng dụng phần sai phạm... không có luật nào như vậy”
Về việc chủ tòa nhà 8B Lê Trực lo lắng nếu phá dỡ phần sai phạm sẽ ảnh hưởng đến tòa nhà cũng như xung quanh, TS Đào Trọng Nghiêm khẳng định, những tòa nhà nghiêng, lún, như tháp nghiêng, nhờ khoa học kỹ thuật hiện đại, con người vẫn giữ vững được. Hoặc các công trình hư hỏng cục bộ đều làm được. Vậy thì chúng ta có đủ khả năng để đảm bảo an toàn cho công trình 8B Lê Trực cũng như xung quanh. Sau khi phá dỡ xong, chúng ta sẽ có kiểm tra để có những giải pháp khắc phục đảm bảo cho người dân yên tâm sống trong khu vực.
“Không có chuyện dùng phần sai phạm để làm tốt cho cộng đồng, công ích xã hội bởi lợi ích của nhà nước phải đúng pháp luật”, TS Nghiêm trao đổi thêm.
Cùng quan điểm, ông Trần Viết Ngôn – nguyên Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị, cần phải xử lý công trình sai phạm 8B Lê Trực đúng luật, đến nơi đến chốn. “Việc chủ đầu tư đưa ra phương án cho nhà nước trưng dụng phần sai phạm, thì ở mình không có luật nào như vậy. Trừ khi có vi phạm về hình sự, như buôn gian bán lận, tham nhũng, thì phải tịch thu tài sản bất chính. Còn đây là vi phạm hành chính nên không thể tịch thu được, càng không thể trưng dụng được. Phải làm đúng luật, đến nơi đến chốn”, nguyên Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội nói thẳng.
Nhất Bắc