Điều đó có nghĩa là: không ai có quyền tước đi quyền Hiến định của công dân, nếu bản thân người học không có vi phạm trong học tập cũng như trong cuộc sống.”
Vụ việc VAS gửi công văn không tiếp nhận hơn 40 học sinh trong năm học 2020-2021 vì bất đồng tiền bạc khiến phụ huynh bức xúc, dư luận quan tâm những ngày qua vẫn chưa ngã ngũ. Theo nhiều phụ huynh, thời điểm hiện tại họ vừa tìm trường mới cho con vừa gấp rút liên lạc VAS rút bảng điểm, học bạ nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do phía trường chưa tạo điều kiện khi năm học mới gần kề. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng đã uỷ quyền cho luật sư khởi kiện phía VAS.
Phóng viên Ngày Nay đã có trao đổi với một số luật sư về vụ việc. Theo đó, luật sư Phan Văn Vĩnh - Đoàn luật sư Tây Ninh, nhận định:
VAS không những đi ngược lại các giá trị giáo dục đang hướng đến, mà còn đi ngược đường lối, chính sách của Đảng về giáo dục. Thể hiện tại Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013: “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT…”. Đặc biệt, tại điểm thứ 6 là chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN trong phát triển GD&ĐT. Chính vì vậy, không thể xem xét vấn đề chỉ ở khía cạnh cung - cầu, hay bán - mua theo cơ chế thị trường.
Việc làm của VAS cũng vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể: tại Điều 39 Hiến pháp: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Điều đó có nghĩa là, không ai có quyền tước đi quyền Hiến định của công dân, nếu bản thân người học không có vi phạm trong học tập cũng như trong cuộc sống. Còn nếu đinh ninh rằng, quan hệ giữa VAS với phụ huynh và học sinh là hợp đồng dân sự thì chỉ một phần đúng nhưng chưa đầy đủ.
Thư thông báo "không tiếp nhận" học sinh vào năm sau (2020-2021) của trường Việt Úc (VAS) khiến nhiều em học sinh bị "sốc". |
Cụ thể, đây là một dạng hợp đồng đặc biệt, dạng này được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 ở các điều 415 “Thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba” và Điều 417 quy định “Không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba”.
Như vậy, rõ ràng hợp đồng giữa VAS với phụ huynh là nhắm đến lợi ích của bên thứ ba là học sinh. Hay nói khác đi, ở đây tồn tại hai mối quan hệ: quan hệ tài chính giữa nhà trường và phụ huynh; quan hệ giáo dục giữa thầy cô giáo với học sinh. Nếu như phía gia đình học sinh không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì nhà trường có quyền khởi kiện dân sự. Chứng minh thiệt hại của mình để yêu cầu phụ huynh thanh toán nợ, nếu có và nếu nhà trường chứng minh được lợi ích của mình bị xâm hại.
Và cũng xin lưu ý rằng, học sinh chỉ có thể bị từ chối tiếp nhận hoặc bị đuổi học nếu có vi phạm phải bị xử lý kỷ luật bằng hình thức đuổi học.
Luật sư Luật sư Mai Thị Kim Sa - Đoàn luật sư TP.HCM
Quyết định khởi kiện phía nhà trường là một hành động hết sức văn minh. Theo tôi, mọi tranh chấp đều phải chờ đợi quyết định cuối cùng từ phía tòa án. Chỉ có tòa án mới có đủ quyền phân định ai sai, ai đúng, ai chịu trách nhiệm đến đâu về hành vi của mình. Nhưng dưới góc độ người làm luật, tôi có vài quan điểm sau:
Theo quy định ở Điều 16, Luật Trẻ em nêu rõ: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân và bình đẳng về cơ hội học tập, giáo dục…”. Cho thấy, việc học tập và giáo dục trẻ em được pháp luật bảo vệ. Việc trường “không tiếp nhận” học sinh, tức là tước đi cơ hội học tập của trẻ em, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý trẻ, nhất là tuổi vị thành niên. Phụ huynh có thể xem xét để khởi kiện chiếu theo những ảnh hưởng của trẻ. Đặc biệt, trường hợp có em học sinh đã có dấu hiệu trầm cảm, suy nhược và nhập viện điều trị.
Sở GD&ĐT TP.HCM 'vô trách nhiệm'
Trước đó, trả lời chung báo chí, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nói: “Sở không liên quan, không can thiệp vào việc này, phụ huynh cũng hoàn toàn có quyền sử dụng dịch vụ hay từ chối sử dụng dịch vụ do nhà trường cung cấp”.
Theo luật sư Phan Văn Vĩnh thì ông Lê Hoài Nam đã nói quá sai, thiếu kiến thức pháp luật, kể cả Luật Giáo dục. Vì giáo dục không đơn thuần là dịch vụ và đối tượng của giáo dục là con người, chứ không phải món hàng. Ngoài ra, theo phân cấp, VAS thuộc quản lý của UBND TP. HCM và Sở GD&ĐT, là cơ quan tham mưu cho UBND TP.HCM. Nói không liên quan là vô trách nhiệm.
Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm cả ở Việt Nam và trên thế giới. Theo tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố, cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.
Đặc biệt, hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng. Các nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm.
Do đó, xét tính nghiêm trọng của vụ việc VAS gián tiếp gây ra nguyên nhân lo âu, suy nhược, có dấu hiệu trầm cảm cho nam sinh, có đơn thuốc thăm khám của bác sĩ phụ huynh đã có thể khởi kiện. Cũng tại Điều 21, khoản 2 “Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm…”. Việc các em không có lỗi lại bị đuổi học là tổn thương lòng tự trọng, danh dự của các em cũng như uy tín của gia đình đang nuôi dạy các em. Xét trên những điều đó, phụ huynh có quyền nhờ sự can thiệp của pháp luật, yêu cầu VAS bồi thường.
Kiều Trang ghi