Vụ trường quốc tế Việt Úc (VAS) đuổi học sinh: Tương lai nào cho những học sinh bị VAS bỏ rơi?

(Ngày Nay) - Đã 10 ngày, từ khi nhận được thông báo không tiếp nhận học sinh vào năm học sau (2020-2021) của trường quốc tế Việt Úc (VAS) vì bất đồng tiền bạc, nhiều phụ huynh học sinh vẫn còn bức xúc. Việc tìm trường, lo thủ tục chuyển trường, những thay đổi về môi trường và tâm lý con em khiến không khí gia đình xáo trộn. Họ lo lắng, với những ảnh hưởng ấy, tương lai nào cho những học sinh bị VAS bỏ rơi?
Vừa đuổi hơn 40 học sinh năm học cũ, VAS treo bảng tuyển sinh năm học mới 2020-2021. Ảnh: Kiều Trang
Vừa đuổi hơn 40 học sinh năm học cũ, VAS treo bảng tuyển sinh năm học mới 2020-2021. Ảnh: Kiều Trang

Dạy con cách nhìn sự việc tích cực hơn

Con gái tôi học lớp 10 tại VAS, cháu đã gắn bó với trường từ mẫu giáo. Khi biết tin cháu sẽ rời khỏi VAS kể từ năm học sau, tâm trạng của cháu đã thay đổi rất nhiều. Cháu nói, trường con có đến mấy ngàn học sinh, nhưng con lại nằm trong số hơn 40 người bị sa thải, nghĩa là con xui xẻo phải không? Tôi có nói với cháu hãy nhìn ở góc độ tích cực hơn. Con nghĩ mình bị đuổi học là xui xẻo, nhưng nếu nhìn ở góc tích cực thì con sẽ cảm thấy may mắn khi rời đi sớm. Bởi những gì diễn ra, chính con cũng cảm thấy VAS không đủ tư cách dạy dỗ con. Và con gái tôi cũng đã chấp nhận điều này, chuẩn bị cho một hành trình khác, tại một mái trường khác, dù cũng buồn phải rời xa bạn bè.

Con tôi chia sẻ thêm, rời khỏi trường không phải là lý do khiến cháu buồn, điều cháu buồn nhất chính là sự thay đổi thái độ của giáo viên chủ nhiệm. Khác hẳn với thái độ thường ngày năm học qua, từ ngày cháu nhận thông báo đến giờ, cô đã giữ thái độ hời hợt, mặc kệ cháu, chào không đáp lại, hỏi không trả lời, … trong khi cháu vẫn đến lớp đều đặn cho đến ngày 15/7 kết thúc năm học.

(Phụ huynh N.T. có con học tại cơ sở 3/2 của trường VAS, chia sẻ)

Vừa giúp con vượt qua cú sốc bị đuổi học thì bị gây khó dễ việc xin bảng điểm

Hai con tôi ban đầu bị sốc nặng, nhất là con trai lớn, cháu bị ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý, sức khoẻ  phải nhập viện để khám và theo dõi. Điều đáng buồn nhất là rất nhiều người lại cho rằng cháu yếu đuối, không có bản lĩnh. Nhưng mọi người đã không hiểu rằng đây là lòng tự trọng, danh dự của một nam sinh cuối cấp vừa bị đạp đổ, niềm tin bị lung lay, nhất là ở giai đoạn chấp chới trưởng thành, VAS đã rất vô cảm. Tôi có hỏi con tôi, giả như có chuyện VAS thay đổi quyết định, nhận lại con vào học cho hết năm nay thì con ở lại không? Cháu trả lời, không bao giờ, vì những người con kính trọng như cha mẹ ở trường đã quá nhẫn tâm chà đạp lên niềm tin, tự trọng của con, ở lại cũng đâu còn ý nghĩa gì nữa, nên dù biết sẽ không có chuyện nhà trường thay đổi quyết định mà nếu có, thì con vẫn sẽ trả lời "không!".

Từ ngày nhận thông báo của VAS, vợ chồng tôi bỏ công việc, bỏ các mối quan hệ để ở nhà dành thời gian chia sẻ, nói chuyện với con. Không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề. Cũng may, 2 cháu đã bắt đầu chấp nhận việc này, tâm trạng cháu T.Đ. tốt hơn trước vài phần. Hiện tại cháu đang đợi kết quả làm bài kiểm tra ở một trường mới, trước khi được trường nhận.

Nhưng như công văn thông báo một chiều của VAS, trường hứa sẽ tạo điều kiện cho các em học sinh hoàn tất các thủ tục trước ngày 31/7 để các em xin vào trường khác, mà không hề nói rõ ngày cụ thể nào. Tôi và nhiều phụ huynh khi liên hệ nhà trường xin bảng điểm cho con đều bị VAS gây khó dễ, làm ngơ, trả lời quanh co. Trong khi đó, chương trình học và bảng điểm đã chốt xong. Một số giáo viên nhắn tin với phụ huynh cũng nói đã có bảng điểm của học sinh. Vậy mà khi tôi liên lạc với hiệu trưởng, quanh co một hồi, họ không có ý định sẽ trả bảng điểm học tập cho con tôi, đến khi tôi phải làm quyết liệt hơn yêu cầu phải có, thì nhà trường mới chịu đưa. 

Không chỉ riêng gia đình tôi, nhiều phụ huynh cũng gặp phải trường hợp này. Nghĩa là, thông qua giáo viên, giáo vụ của trường, biết bảng điểm đã xong, nhưng liên hệ lấy thì vướng khó dễ. Như vậy, chưa nói đúng sai trong việc đuổi học học sinh, ngay cả lời hứa trên công văn thông báo, nhà trường đã nuốt lời rồi…

(Chị V.H. – phụ huynh 2 em học sinh bị VAS đuổi học chia sẻ)

Vụ trường quốc tế Việt Úc (VAS) đuổi học sinh: Tương lai nào cho những học sinh bị VAS bỏ rơi? ảnh 1

Công văn thông báo của VAS hứa trả hồ sơ trước ngày 31/7, nhưng lại không nói rõ là ngày nào khiến phụ huynh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

1 trường hợp, 2 cách giải quyết

Tôi và chị B.C. đều có con học cùng một lớp, cùng một chương trình, cùng một cơ sở tại trường VAS. Điều đáng nói là, khi nhận được thông báo đóng học phí, tôi nhận thấy điều chưa hợp lý nên đã có động thái phản ánh lại với trường, sau đó, tôi được giảm bớt số tiền học phí thực thu. Trong khi đó, chị B.C. cũng nhận được một tờ biểu phí khác, số tiền khác, vô tình chị biết được sự khác nhau này nên mượn tờ biểu phí của tôi để đề cập với nhà trường thì trường mới thay đổi, cho chị tờ biểu phí khác.

Ở trường VAS không có hội đại diện phụ huynh học sinh, các cuộc họp phụ huynh thường được ấn định giờ, ngày riêng. Mỗi cuộc trao đổi chỉ tầm 10-15 phút để nghe phía nhà trường nói, xong thì về. Phụ huynh trước đó chưa bao giờ được biết mặt hay liên hệ của nhau, nên có sự khác nhau gì thì cũng không ai biết cả.

Tôi tự hỏi, đây là trường hợp chúng tôi có biết và làm việc lại thì có sự thay đổi, còn rất nhiều phụ huynh khác không biết, thì sao? Theo tôi, ở một trường học nên minh bạch, rõ ràng. Một cơ sở giáo dục mà tiền bạc nhập nhằng, trước sau bất nhất thậm chí lạm thu, không cho đối thoại. Tôi không thể nào hiểu được.

(Phụ huynh V.H.L và phụ huynh B.C cùng ý kiến.)

Không hề luyến tiếc!

Vợ chồng tôi khi biết con mình bị trường sa thải đều không mấy bất ngờ và cũng không có gì luyến tiếc. Tôi sẽ cố gắng xin cho cháu vào một ngôi trường tốt hơn, không quan trọng là dân lập hay công lập, quốc tế hay tư thục nữa. Mà chỉ mong nơi đó có tình người, có trách nhiệm với con em của chúng tôi. Giáo dục một em học sinh như chăm bón một cái cây còn non, mình uốn nắn thế nào thì cái cây sẽ ra hình dạng thế ấy, đáng tiếc, VAS không hiểu được điều này, trong mắt họ chỉ có tiền. 

Đối với phụ huynh chúng tôi, chấp nhận cho con đi học ở một ngôi trường quốc tế là chấp nhận mức học phí cao hơn gấp hàng chục lần các cơ sở giáo dục khác. Nhưng, tiền không phải là vấn đề chính để bàn, vấn đề chính là, sau khi tận thu tiền của phụ huynh, nhà trường vẫn chưa mang đến cho học sinh một giá trị giáo dục cân xứng, nói như dân gian là không hề “đáng đồng tiền, bát gạo”. Vậy thì luyến tiếc nơi đó để làm gì? Các vấn đề khác có luật pháp phân xử, riêng VAS đang nợ các em học sinh hơn cả một lời xin lỗi. 

(Anh Tâm, phụ huynh có con học VAS cơ sở Gò Vấp, chia sẻ đầy bức xúc)

Còn rất nhiều chia sẻ của phụ huynh học sinh sau vụ việc với trường VAS. Trong đó, vấn đề thủ tục, hồ sơ chuyển trường đang bị làm khó dễ. Cụ thể là, công văn nhà trường thông báo có đề cập sẽ chuẩn bị hoàn trả các hồ sơ, học bạ trước ngày 31/7. Nhưng ở hệ thống các trường học khác, đó cũng là giai đoạn chốt suất nhận học sinh mới, thời gian đã cận kề. Liên hệ nhà trường để hỏi xin trước bảng điểm, các hồ sơ khác có thể nhận sau nhưng phụ huynh chỉ nhận được sự một thái độ không hợp tác của trường. “Chưa nói đến chuyện đúng sai đang chờ pháp luật phân xử, thì với cách hành xử rất “thù vặt” này, VAS không đủ tư cách làm giáo dục”, một phụ huynh chia sẻ.

Cả Sở GD&ĐT TP.HCM và VAS chỉ tiếp nhận và trả lời qua email

Chiều 8/7, phóng viên Ngày Nay mang những tâm tư, bức xúc cũng như nguyện vọng của các phụ huynh học sinh đến Sở GD&ĐT TP.HCM để trao đổi. Tại đây, được nhân viên cho biết, tất cả các lãnh đạo Sở đều đi vắng, đại diện tiếp báo chí là Chánh văn phòng cũng đang bận họp, không thể trả lời. Trao đổi qua điện thoại với Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên (Phó chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM), ông Nguyên cho biết: “Hiện tại Ông Nguyễn Thành Trung (Chánh văn phòng) và ông Nguyên đều bận công tác. Phóng viên có thể gửi câu hỏi qua email của Sở, sẽ có phản hồi sau”.

Tuy vậy, Ngày Nay có tìm hiểu lịch công tác được đăng công khai trên Cổng Thông tin Điện tử ngành GD&ĐT TP.HCM, thì lịch công tác vào thứ 5, ngày 8/7/2020 chỉ bắt đầu lúc 8 giờ và kết thúc lúc 9h30 sáng, trong thành phần công tác cũng không có tên hay nhiệm vụ công tác của lãnh đạo Chánh văn phòng.

Cũng chiều cùng ngày, phóng viên đến Văn phòng Trung tâm của trường quốc tế Việt Úc (VAS) tại đường 3/2, (Phường 14, Quận 10) được VAS đề nghị để lại số điện thoại. Sau đó, bộ phần truyền thông gọi điện thoại cho biết "VAS từ trước đến nay chỉ làm việc và trả lời báo chí qua email".

Phóng viên Ngày Nay đang gửi câu hỏi đến email của Sở GD&ĐT và trường Việt Úc như được cung cấp. Khi có thông tin phản hồi, chúng tôi sẽ cập nhật đến độc giả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.