Bệnh tả là bệnh lây lan do ăn phải thức ăn hoặc nước uống có mầm bệnh, có thể gây tiêu chảy cấp. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 30/9, Trưởng nhóm phụ trách dịch tả của WHO, ông Philippe Barboza cho biết thông thường, mỗi năm chỉ có chưa đến 20 nước phát hiện các ổ bùng phát dịch tả. Tuy nhiên, sau nhiều năm ghi nhận chiều hướng giảm, từ đầu năm 2022 đến nay, số ổ dịch tả đã bùng phát nhiều một cách đáng lo ngại trên toàn thế giới. Tỷ lệ tử vong trung bình do bệnh này gây ra tính từ đầu năm đến nay cũng đã tăng gấp 3 lần so với tỷ lệ trung bình được ghi lại trong 5 năm gần nhất. Hiện tỷ lệ này ở châu Phi là 3%.
Hầu hết người nhiễm bệnh đều có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng nếu không phát hiện và được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ. Một ổ bùng phát dịch tả tại Syria đã khiến ít nhất 33 người tử vong, gây nguy cơ ở hầu hết các địa phương vốn đã bị tàn phá trong 11 năm xung đột ở nước này, đặc biệt là những trại tị nạn vốn chật cứng người mất nhà cửa đến tạm trú. Ông Barboza cũng lo ngại các ổ dịch ở vùng Sừng châu Phi, một số khu vực ở châu Á, trong đó có Pakistan với nhiều địa phương hiện vẫn đang ngập trong nước lũ hoặc vẫn chưa khắc phục hết hậu quả của trận lũ lụt lịch sử vừa qua.
Theo quan chức WHO, hiện trên thế giới chỉ còn vài triệu liều vaccine phòng bệnh tả đủ dùng đến cuối năm nay. Một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung khan hiếm là không có nhiều nhà sản xuất loại vaccine này. WHO vẫn duy trì dự trữ vaccine phòng bệnh tả cho tình huống khẩn cấp. Ông Barboza lo ngại rõ ràng thế giới không đủ vaccine để sử dụng nếu xảy ra các đợt bùng phát cấp và việc triển khai các chiến dịch tiêm phòng nhằm ngăn ngừa dịch bùng phát, đặc biệt giúp giảm nguy cơ tại các nước dễ chịu tác động, lại càng khó khăn hơn. Theo WHO, hiện chưa có dữ liệu tổng hợp về số ca mắc bệnh tả trên toàn cầu vì hệ thống giám sát bệnh ở các nước không giống nhau.