Nhiều người dân và đại diện cơ quan quản lý Nhà nước đều cho rằng, để buýt nhanh hoạt động đúng theo tiêu chí thì phải trông chờ vào ý thức của người tham gia giao thông đồng thời cũng là bài test về văn hóa giao thông của người dân Hà Nội.
Ít xe máy, ôtô “cướp” làn đường riêng
Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, vào các khung giờ cao điểm (7-8 giờ sáng và 17-19 giờ), đa phần các tài xế ôtô chấp hành khá nghiêm chỉnh khi đi đúng làn đường quy định thông qua việc phân làn giao thông bằng vạch sơn phản quang, hệ thống biển báo.
Thậm chí, khi đến các nút giao có đèn tín hiệu, từng hàng xe nối đuôi nhau xếp hàng dài, rất ít phương tiện “len lỏi” ra khỏi làn đường quy định mà nghiêm chỉnh chấp hành làn đường riêng cho BRT.
Bất cứ khung giờ nào cũng xuất hiện tình trạng xe máy vô tư "dẫn đường" trước mũi xe buýt nhanh |
Tuy nhiên, buýt nhanh BRT phải mất tới 45-50 phút để chạy hết lộ trình Kim Mã-Yên Nghĩa dài 14,7km vào giờ cao điểm mặc dù có đường ưu tiên và được lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông căng sức phân làn. Đôi lúc, xe buýt nhanh vẫn bị "khóa đầu, chặt đuôi," bởi một số chủ phương tiện xe máy. Cá biệt, tại các nút giao, xe buýt nhanh phải dừng lại, ưu tiên, đợi các phương tiện khác đi qua.
Theo quan sát, trong suốt lộ trình đường, buýt nhanh BRT đã bị “cướp đường” bởi các chủ xe máy tại một số nút giao như Giảng Võ-Láng Hạ, nút giao Trung Văn và ngã tư Nguyễn Tuân - Lê Văn Lương. Cá biệt, vào bất cứ khung giờ nào cũng đều xuất hiện tình trạng xe máy vô tư "dẫn đường" trước mũi xe buýt nhanh.
Là một trong những hành khách trải nghiệm trên tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội, bác Nguyễn Văn Ngọc (Trung Hòa, Cầu Giấy) tỏ ra hồ hởi khi bước chân lên xe.
Bác Ngọc bảo, tuyến đường Láng Hạ-Lê Văn Lương thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Hàng ngày, bác phải đi xe máy để đưa đón cháu bé học trường Tiểu học Nam Thành Công. Mỗi buổi sáng và chiều, hai ông cháu nhích từng mét đường để “bò” về nhà. Thế nhưng, trong chiều tối nay, hai ông cháu khi đi xe buýt thì chỉ mất có 30 phút từ trường về tới nhà.
“Xe buýt nhanh mới, sạch sẽ và có làn đường ưu tiên chạy nên thời gian đi nhanh hơn so với ôtô và xe máy. Chưa kể, còn tránh được khói bụi trên đường mỗi khi đi xe cá nhân. Xe chỉ đi chậm khi có phương tiện xe máy hay ôtô cố tình lấn vào làn đường riêng hoặc dừng lại tại nút giao có đèn tín hiệu,” bác Ngọc thành thật nói.
Theo bác Ngọc, với cách vận hành trên làn đường riêng, xe buýt BRT sẽ đảm bảo được thời gian vận chuyển nhanh chóng. Thời gian đầu, ý thức người tham gia giao thông chưa cao, đặc biệt là chủ xe máy, lực lượng chức năng cần quyết liệt xử lý các vi phạm vào làn đường riêng để việc vận hành xe buýt sớm đi vào nề nếp, ổn định.
Các nút giao thông làm chậm giờ xe buýt
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trong 3 ngày đưa vào khai thác, lượng khách đi buýt nhanh BRT dự kiến khoảng hơn 25.000 lượt khách. Theo biểu đồ và phương án vận hành chính thức, bước đầu tuyến BRT vận hành khá trơn tru đặc biệt sau ngày nghỉ lễ, lưu lượng giao thông tăng nhưng tuyến xe này chạy suôn sẻ và đảm bảo cơ bản biểu đồ và thời gian trên tuyến, nguyên nhân là do có một hành lang được bố trí tương đối thuận lợi dọc trục buýt nhanh chạy qua.
Tình trạng lấn chiếm làn đường của xe buýt nhanh vẫn còn diễn ra phổ biến |
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, có thể thấy vẫn còn hiện tượng xe khác xâm phạm làn đường dành riêng này xảy ra dọc tuyến đồng thời quan ngại khả năng mất thời gian nhiều nhất tại những vị trí nút giao thông, nơi mà buýt nhanh BRT chờ đèn đỏ để đi tiếp. Vì thế, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tuyên truyền cho người dân tham gia giao thông không lấn làn và đặc biệt là không chèn trước mũi xe .
Theo ông Hải, với tần suất phục vụ từ 5-7-15 phút/lượt để di chuyển hết lộ trình mất khoảng trên dưới 45 phút/lượt xe. Đặc biệt, vào thời gian cao điểm khó khăn hơn vì đối phó với các tình huống giao thông tại các nút giao thông như Hoàng Minh Giám, Hoàng Đạo Thúy, lượng phương tiện đông và ùn tắc giao thông luôn làm chậm trễ giờ của buýt nhanh.
“Hy vọng tại các nút giao này, khi có nhịp đèn tín hiệu phù hợp, có sự tôn trọng làn đường, sự hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông sẽ cố gắng đảm bảo rút ngắn thời gian lưu thông của xe buýt nhanh BRT,” ông Hải khẳng định.
Liên quan đến việc nhà chờ để giữa đường sẽ gây khó khăn cho người dân tiếp cận xe buýt nhanh BRT, vị Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng vẫn cần phải có một thời gian người dân làm quen với cách sang đường vì nhà chờ buýt nhanh BRT để giữa đường.
“Cách tiếp cận vào nhà chờ đó là thông qua cầu vượt đi bộ và vạch sơn kẻ qua đường tại các nút giao thông, chỉ có vị trí đó người tham gia giao thông mới đảm bảo an toàn. Theo ghi nhận, vẫn còn một số trường hợp người dân ‘cắt ngang’ qua đường để tiếp cận nhà chờ, khá là nguy hiểm, thiếu an toàn nên phải tuyên truyền và bổ sung các hướng dẫn cho nhân dân biết cách tiếp cận chuẩn nhất theo hướng vị trí nhà chờ nào là gần nhất,” ông Hải nhấn mạnh.
Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa có lộ trình đi qua 5 quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, với chiều dài khoảng 14,7 km. Cụ thể, xe buýt sẽ xuất phát từ Bến xe Kim Mã (số 1 Kim Mã)-Giảng Võ nhỏ-Giảng Võ-Láng Hạ-Lê Văn Lương-Tố Hữu-Trục Bắc Hà Đông-Lê Trọng Tấn-Quang Trung-Ba La-Bến xe Yên Nghĩa và ngược lại.
Buýt nhanh BRT phục vụ trên tuyến 17 giờ mỗi ngày, từ 5 giờ sáng đến 22 giờ đêm với tần suất phục vụ ngày thường là 5-10-15 phút/lượt, ngày Chủ nhật là 7-10-15 phút/lượt. Số xe đưa vào vận hành là 24 xe. Vận tốc xe khoảng 19,6km/giờ.