Bất Chính!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trường Đại học Thủ Dầu Một ở Bình Dương thu học phí cao hơn quy định tới 37 tỷ đồng nhưng thay vì trả lại cho sinh viên và người học, họ bèn… sung công quỹ!
Nhà báo Trần Tây Côn
Nhà báo Trần Tây Côn

1/ Sách “Cổ học tinh hoa” kể mẩu chuyện nhỏ về một kẻ hiếu lợi bên Trung Quốc thời xa xưa. Một hôm nọ anh ta ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng: "Cái này tôi ăn được, cái này tôi mặc được, cái này tôi tiêu được, cái này tôi dùng được”. Thế là lấy tất thảy đem đi.

Người ta chạy theo đòi tiền, chàng hiếu lợi nói: “Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau này tôi giàu có, tôi sẽ đem tiền trả lại".

Ai ai cũng thấy hắn là càn rỡ, người trông coi chợ đánh mấy roi rồi bắt của ai phải trả lại cho người ấy. Cả chợ cười ồ!

Xấu hổ trước bàn dân thiên hạ, anh ta mắng: “Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm lấy của của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các người chưa nghĩ kỹ!".

2/ Số là, vào năm 2022, Kiểm toán Nhà nước thân chinh vào tỉnh Bình Dương kiểm toán, báo cáo quyết toán tình hình quản lý, sử dụng các khoản thu chi ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước….

Sau mấy mươi ngày làm việc nghiêm túc cùng sự phối hợp nhiệt tình của Trường Đại học Thủ Dầu Một, Kiểm toán Nhà nước phát hiện trong hai năm học 2020-2021 và 2021-2022, ngôi trường này thu học phí hệ đại học chính quy, hệ đại học theo phương pháp giáo dục thường xuyên, hệ đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ cao hơn quy định.

Theo Nghị định của Chính phủ và Quyết định do tỉnh Bình Dương ban hành, một tín chỉ nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế là 327.000 đồng; nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật là 390.000 đồng.

Trường Đại học Thủ Dầu Một hiểu rằng: “Đơn giá này là đơn giá chung cho tín chỉ lý thuyết có quy mô 40 sinh viên/nhóm lớp, hoặc các môn lý luận chính trị cho quy mô lớp lớn hơn”.

Thế nên với tư cách là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển theo định hướng ứng dụng và các chuẩn mực quốc tế…, Trường Đại học Thủ Dầu Một xây dựng chương trình đào theo hướng thực hành để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập.

Theo đó, cơ cấu học phần của trường được áp dụng có lý thuyết là 40% và 60% thực hành. Trong đó: “Một tín chỉ thực hành tối thiểu 3 giờ và thậm chí đến 90 giờ, còn một tín chỉ lý thuyết được dạy trong 15 giờ. Quy mô lớp từ nhóm 10-15 sinh viên đến 20-25 sinh viên khi học thực hành…”.

Ngoài ra, họ còn than rằng, thực hành còn có tiêu hao vật tư, hóa chất, thiết bị thực hành, hoặc đi thực hành tại cơ quan, doanh nghiệp thì Nhà trường phải chi trả kinh phí đào tạo cho đơn vị đó….

Vì những thực tế éo le, Ban Giám hiệu báo cáo đề xuất và thống nhất cao với Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một để đi đến một quyết định táo bạo, tăng học phí! Mức thu một tín chỉ thực hành gấp 1,5 lần tín chỉ lý thuyết.

Cụ thể, nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế và các môn lý luận chính trị theo quy định là 327.000 đồng thì tăng lên 490.500 đồng/tín chỉ; còn khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật theo quy định là 390.000 đồng thì tăng thành 585.000 đồng.

Vậy là, kết quả kiểm toán xác định Trường Đại học Thủ Dầu Một thu sai, nhưng không phải sai vài đồng mà lên tới hơn 37 tỷ đồng.

Đến nước này thì không còn gì chối cãi, “mọi lời giải thích sẽ là bằng chứng chống lại đương sự trước toà”. Lãnh đạo trường đã nhận ra nguyên nhân là do chưa hiểu và vận dụng đúng các quy định của Nhà nước vào tính đơn giá thu học phí. Trường xin khắc phục theo kết luận, tổ chức kiểm điểm và rút sợi dây kinh nghiệm.

Nhưng trớ trêu, thay vì hoàn trả cho sinh viên và người học chịu thiệt hại do năng lực đọc, hiểu, áp dụng của Lãnh đạo trường thì Trường Đại học Thủ Dầu Một lại nộp hơn 37 tỷ đồng này vào ngân sách nhà nước.

Vậy chẳng hoá ra, khoản tiền bất chính ấy đã được hợp thức hoá trở thành tiền sạch hay sao?

3/ Ngẫm lại lời kẻ hám lợi trong sách mắng bàn dân thiên hạ quả đúng là không sai chút nào!

Phàm những kẻ tham lam dù ít dù nhiều đều đáng khinh. Nhưng những tai to mặt lớn đắm chìm trong màn sương danh lợi ngấm ngầm móc túi đồng bào so với kẻ ăn cắp vặt thì đáng khinh hơn gấp vạn lần.

TIN LIÊN QUAN
Tiết mục xiếc thú vui nhộn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các bạn nhỏ (Ảnh: Vân Hương).
Xiếc Việt nỗ lực chuyển mình trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Những năm gần đây, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã mạnh dạn sáng tạo và tìm tòi những cách thức độc đáo để “làm mới”. Loại hình nghệ thuật này đang dần khẳng định sức hút riêng và trở thành điểm sáng trong bức tranh nghệ thuật nước nhà.
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.