Liệu có ai chống lưng cho Vạn Thịnh Phát?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Lưới trời” sập xuống, Vạn Thịnh Phát vào tròng!
Nhà báo Trần Tây Côn
Nhà báo Trần Tây Côn

1/ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khởi nghiệp ở Q.5 rồi đặt đại bản doanh tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM. Bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị có quyền lực tuyệt đối, một mệnh lệnh được ban xuống, tất cả thân tín răm rắp phục tùng.

Bà Trương Mỹ Lan sinh năm 1956, tên khai sinh là Trương Muội, lớn lên ở Sài Gòn xưa, xuất thân là tiểu thương bán vải ở chợ An Đông - nơi tập trung đông đảo người Hoa sinh sống. Năm 16 tuổi, Trương Muội gặp, kết thân với ông Chu Lập Cơ khi đó đang là doanh nhân Hồng Kông (Trung Quốc) và tiến tới hôn nhân sau này.

Không rõ nguyên nhân như thế nào, cớ sự ra làm sao mà Trương Muội lại quyết định đổi tên thành Trương Mỹ Lan. Văn hoá phương Đông thường quan niệm rằng thay tên đổi vận, nhưng từ đây những đồn đoán cũng bắt đầu được thêu dệt về mối quan hệ kết nghĩa tỷ muội với một vị phu nhân cùng họ đầy quyền lực ở TP.HCM khi đó.

Giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan và 9 thành viên khác trong gia đình đồng loạt nộp đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam làm dư luận cả nước chấn động. Tuy nhiên, đúng một năm sau, tất cả xin rút lại hồ sơ.

Trước khi “lưới trời” sập xuống, Vạn Thịnh Phát của gia tộc họ Trương khiến cả nước sửng sốt khi bỏ ra 45 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng tài trợ và dễ dàng đưa 5 triệu liều vắc xin Vero Cell được sản xuất bởi BeijingInstitute of Biological Products Co., Ltd - Trung Quốc về TP.HCM. Tiếp đó, thêm 3 triệu liều nữa cũng nối gót theo về từ đất nước tỷ dân.

Thế lực của bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát bằng cách nào mà có thể hô phong hoán vũ suốt hàng chục năm qua và mỗi lần xuất hiện đều khiến trời nghiêng đất lệch như vậy?!

2/ Năm 1992, bà Trương Mỹ Lan thành lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nhà hàng, khách sạn với tên gọi Siêu thị Vạn Thịnh Phát nhưng quy mô rất nhỏ, không đáng quan tâm, chủ yếu buôn bán hàng tiêu dùng.

Những năm đầu thập niên 90, quá trình mở cửa diễn ra mạnh mẽ, dòng vốn FDI nước ngoài bắt đầu đổ vào Việt Nam, các dự án lớn như: Thiên đường Vũng Tàu Paradise (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza (Q.5) xuất hiện, đánh dấu bước chuyển mình của nền kinh tế sang thời kỳ mới.

Vốn chảy trong huyết quản dòng máu kinh doanh nhưng cũng không loại trừ khả năng có cao nhân chỉ điểm, bà Trương Mỹ Lan lấn sân vào thị trường bất động sản. Năm 2007, Siêu thị Vạn Thịnh Phát chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, cái tên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lần đầu xuất hiện. Thời điểm này, những thông tin về Vạn Thịnh Phát còn khá mơ hồ nếu không muốn nói là bí ẩn.

Đến năm 2011, “con cờ” chiến lược được người phụ nữ này tung ra. Bà Trương Mỹ Lan âm thầm cho người thân và thân tín mua, sở hữu số lượng lớn cổ phần tại ba Ngân hàng tư nhân là TMCP Sài Gòn (cũ), TMCP Đệ Nhất và TMCP Việt Nam Tín Nghĩa, thu nạp lãnh đạo các nhà băng này về dưới trướng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ra đời năm 2012.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng SCB để hút dòng tiền từ người dân, nuôi lớn các công ty con, như: Công ty CPTập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát vốn điều lệ lên đến 12.800 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông 9.000 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula 18.000 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam 2.100 tỷ đồng….

Các doanh nghiệp này do chồng, em trai, em dâu và cháu gái bà Trương Mỹ Lan quản lý, điều hành với sự hỗ trợ đắc lực của hàng chục thân tín. Vạn Thịnh Phát nhanh chóng trỗi dậy, lớn mạnh như vũ bão, hình thành “đế chế” giàu có và quyền lực.

Liệu có ai chống lưng cho Vạn Thịnh Phát? ảnh 1
Vạn Thịnh Phát đặt đại bản doanh tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM

3/ Dòng họ Trương vươn “vòi bạch tuộc” thâu tóm hàng loạt dự án khủng trên “đất vàng” thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập. Mở màn bằng việc mua lại Trung tâm thương mại Vincom A (nay là Union Square, Q.1) hồi tháng 6/2013 với số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng. Toà nhà 4 mặt tiền nằm ngay trước mặt trụ sở UBND TP.HCM, vị trí đắt xắt ra miếng.

Cuối năm 2014, Vạn Thịnh Phát bành trướng thế lực khi cho Tập đoàn Đầu tư An Đông thâu tóm dự án “chết” Thuận Kiều Plaza (Q.5). Tòa cao ốc gồm 3 tháp, cao 33 tầng từng được xem là biểu tượng hoa lệ và là trung tâm thương mại đầu tiên của TP.HCM về tay Vạn Thịnh Phát với giá trị thương vụ khoảng 605 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, giữa năm 2016, gia tộc này tiếp tục làm chao đảo thị trường bất động sản khi khởi công xây dựng dự án Khu Công viên Mũi Đèn Đỏ (Q.7) rộng 118ha với vốn đầu tư 6 tỷ USD (khoảng 132.000 tỷ đồng), do Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm liên danh chủ đầu tư cùng hai đối tác nước ngoài. Dự án này được TP.HCM chấp thuận vào năm 2007, thời điểm cái tên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xuất hiện lần đầu.

Mà như thế đã hết đâu, có thời điểm người dân truyền miệng nhau rằng, đất xung quanh đường Nguyễn Huệ là của Vạn Thịnh Phát. Điều này hoàn toàn có lý bởi chỉ trong bán kính khoảng một cây số vuông trước UBND TP.HCM, vị trí đắt đỏ bậc nhất cả nước, thậm chí là trên thế giới, được mệnh danh là những con đường tỷ đô mà Vạn Thịnh Phát nắm trong tay hàng loạt bất động sản “khủng” như: Toà nhà Times Square, Khách sạn Saigon Prince Hotel (tên cũ Duxton Hotel), Toà VTP Office Building, Toà nhà Ngân hàng SCB và mấy khu tứ giác “vàng” nữa.

Mở rộng phạm vi ra toàn thành phố, “đế chế” họ Trương còn sở hữu hàng loạt tài sản khác như: Cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood (Q.3), Toà nhà Windsor với Trung tâm thương mại An Đông (Q.5); Dự án Khu dân cư cao cấp Sterling Residence 26,4ha (khu 6A), Khu thể dục thể thao (khu 5) 18ha, Khu dân cư Bonville Land 5,6ha (cùng Khu đô thị mới Nam Thành phố, huyện Bình Chánh)…. Bà Trương Mỹ Lan còn bỏ ra 1.000 tỷ đồng, tương đương 45 triệu USD đấu giá thành công lô đất 100 Hùng Vương (Q.5), “đốt tiền” mua lại căn biệt thự cổ ở Q.3 với giá 700 tỷ đồng, tương đương 35 triệu USD.

Như diều gặp gió, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp tục cho các công ty liên quan vung tiền thâu tóm dự án “trùm mền” Tòa nhà Saigon One Tower ở góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (đổi tên thành IPC One Saigon, Q.1) với giá 256 triệu USD, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng; “biến” Dự án toà nhà One Central Saigon thành khối bê tông 500 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng án ngữ trước chợ Bến Thành (Q.1)

Vạn Thịnh Phát cát cứ một phương nhưng không dừng lại ở việc tác oai tác quái trong “lãnh địa” này mà còn vươn “vòi” ra khu vực lân cận. Từ 2014-2016, tỉnh Long An từng chấp thuận chủ trương cho Vạn Thịnh Phát đầu tư 35 dự án với diện tích hơn 2.000ha ở huyện Cần Giuộc (giáp ranh TP.HCM), sau đó đồng loạt thu hồi hơn 1.800ha. Hiện nay, trụ sở cũ của Huyện uỷ Cần Giuộc và UBND Thị trần Cần Giuộc còn gắn logo ngân hàng SCB và treo bảng tên các công ty “ma” thuộc Vạn Thịnh Phát.

Không chỉ vậy, sau khi thống lĩnh đầu tàu kinh tế miền Nam, Vạn Thịnh Phát tiến hành kế hoạch Bắc tiến. Một trong những công ty liên kết sau này là Vivaland nhanh chân mua lại toà nhà Capital Place tại Hà Nội với giá khoảng 550 triệu USD, tương đương 12.500 tỷ đồng; giữ quyền phát triển siêu dự án Đảo Tuần Châu, Quảng Ninh, thay thế FLC thực hiện dự án toà nhà cao 72 tầng ở Hải Phòng…. Và chi hàng trăm triệu USD mua lại nhiều bất động sản “khủng” ở Singapore và mới đây đã bắt đầu bán tháo.

Số lượng bất động sản đồ sộ thuộc sở hữu của Vạn Thạnh Phát lên đến 1.237 toà nhà, dự án..., ước tính giá trị lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ USD.

Liệu có ai chống lưng cho Vạn Thịnh Phát? ảnh 2

Bà Trương Mỹ Lan sử dụng ngân hàng SCB như "con cờ" chiến lược để hút dòng tiền phục vụ lợi ích của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát

4/ Thế lực và khối gia sản kếch xù của gia tộc giàu có và bí ẩn bậc nhất cả nước đã râm ran từ lâu nhưng chỉ là những bán tín bán nghi, nửa thực nửa hư, mờ mờ ảo ảo cho đến khi Bộ Công an phanh phui. Tin tức bà Trương Mỹ Lan cùng một loạt người thân, thân tín bị bắt gây chấn động cả trong và ngoài nước, nhưng dư luận chỉ thật sự choáng váng khi kết luận điều tra về tập đoàn kín tiếng này được công bố vào giữa tháng 11/2023.

Bà Trương Mỹ Lan sử dụng “con cờ” chiến lược ngân hàng SCB như công cụ hút tiền gửi tiết kiệm từ trong dân, mở hơn 1.000 công ty con, công ty “chân rết” dùng các bất động sản được nâng khống giá trị làm tài sản thế chấp, tạo lập hồ sơ vay vốn khống nhà băng phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Đến hạn trả nợ, Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục lệnh cho thuộc cấp lập hồ sơ mới, vay vốn khống SCB để dùng chính khoản tiền này trả nợ cho SCB.

Bà Trương Mỹ Lan và người thân, thân tín đã tạo ra các khoản vay khống lên đến 1 triệu tỷ đồng, qua đó chiếm đoạt số tiền 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 129.000 tỷ đồng và lừa đảo trái phiếu 30.000 tỷ đồng với 42.000 nạn nhân… Ngoài ra, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát còn chỉ đạo thân tín chi hàng triệu đô la hối lộ quan chức trong đoàn thanh tra để đổi trắng thay đen kết quả hòng thoát những tội trạng tày đình đã gây ra.

Số tiền 304.000 tỷ đồng, tương đương 12,53 tỷ USD mà bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt bằng 6% GDP Việt Nam tính đến hết quý 3/2023. Con số này nhiều hơn vốn hóa của 9/10 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán hiện nay, chỉ đứng sau Vietcombank; lớn hơn tổng tài sản của cả 5 tỷ phú Việt Nam cộng lại, hiện ở mức 11,8 tỷ USD.

Đây là những con số vô tiền khoáng hậu của một doanh nghiệp Việt Nam, làm lũng đoạn cả nền kinh tế của đất nước 100 triệu dân khiến ai nghe thấy cũng lạnh sống lưng.

5/ Vạn Thịnh Phát tồn tại 30 năm nhưng chỉ bùng nổ bành trướng thế lực, thoả sức “hô mưa gọi gió” trong giai đoạn từ sau 2007 đến trước 2021. Đây là thời kỳ một loạt quan chức tại TP.HCM dính các sai phạm nghiêm trọng về đất đai, trong đó, ông Lê Thanh Hải bị Bộ Chính trị cách chức Bí thư Thành uỷ, cảnh cáo Chủ tịch UBND Lê Hoàng Quân nhiệm kỳ 2010-2015, do sai phạm liên quan tới dự án Khu đô thị Thủ Thiêm. Những ông Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín… sa lưới pháp luật tại nhiều dự án khác.

Nếu không có ai chống lưng, liệu Vạn Thịnh Phát có dễ dàng tác oai tác quái như vậy không?

TIN LIÊN QUAN
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) -Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
(Ngày Nay) - Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto kêu gọi Tổ chức Hợp tác Kinh tế 8 nước đang phát triển, hay còn gọi là D8, vượt ra ngoài hợp tác kinh tế, trở thành một phong trào “Phương Nam toàn cầu” nhằm ủng hộ một trật tự toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn dựa trên luật pháp quốc tế, tính bao trùm, công lý và thịnh vượng chung.
Đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), sáng 20/12, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024 quy tụ 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia.
Nhìn lại năm 2024: Ngành Văn hóa về đích thành công với nhiều dấu ấn quan trọng
(Ngày Nay) - Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường; những ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ ảnh hưởng không nhỏ đến các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, về đích thành công với nhiều dấu ấn quan trọng, đóng góp vào bức tranh thành tựu chung của đất nước, góp phần tạo nên sức bật vươn xa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuần lễ Văn hóa - Ẩm thực – Du lịch Bình Dương đã chính thức khai mạc thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Bình Dương rộn ràng tuần lễ văn hóa - ẩm thực – du lịch 2024
(Ngày Nay) - Ngày 19/12, tại Công viên Thủ Dầu Một (Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một), Tuần lễ Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch Bình Dương đã chính thức khai mạc, mở ra không gian hội tụ văn hóa và ẩm thực đặc sắc, thu hút hàng trăm công nhân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.