Dạy trẻ như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Một ngày nào đó cách đây nhiều năm, gia đình tôi phát hiện ra rằng, cậu con trai của tôi đã lấy tiền của mẹ. Số lượng không nhỏ với đứa trẻ. Câu chuyện được phát giác vào Tết khiến những ngày đầu năm đó trở nên u ám. Không ai nói chuyện với ai.
Dạy trẻ như thế nào?

Mọi người trong nhà đều sốc vì chuyện đó. Con trai tôi vốn hiền lành và cũng không hẳn là đứa trẻ thích tiêu tiền.

Tôi cố giữ trong mình một cơn giận dữ suốt những ngày Tết đó. Vì rằng chúng tôi đã lo cho con TẤT CẢ: Tiền học, tiền ăn sáng, mua quần áo, giày dép. Tại sao như vậy là chưa đủ. Tại sao con trai lại lấy tiền của mẹ. Tại sao và tại sao.

Sau Tết là một cuộc nói chuyện. Tất nhiên con nhận lỗi. Đứa bé khóc nức nở vì quá lo lắng. Tôi chỉ hỏi con còn nợ tiền bạn nào không. Có ạ. Hình như còn khoảng 200.000 đồng. Tôi cho con tiền trả bạn. Tiền vay bạn để ăn quà, để bao bạn bè vì chả lẽ cứ ăn không của bạn?

Thú thực lúc đó tôi suýt khóc. Tôi thi thoảng cho con tiền ăn vặt nhưng không nghĩ rằng lũ trẻ cần nhiều hơn thế. Ăn quà, sinh nhật bạn hay mua một món đồ chơi nào đó…

Tôi biết là nhiều phụ huynh sẽ phản ứng. Nhiều người cấm con ăn quà vặt ở cổng trường vì lý do an toàn thực phẩm, vì những lo ngại an ninh. Nhiều người sẽ đi mua quà sinh nhật cùng con. Nhiều người chọn cách làm “mẹ hổ” rằng là ngoài tiền học, bố mẹ chỉ cho con x ngàn đồng để ăn sáng. Trẻ con cầm tiền sớm sẽ hư. Bố mẹ sẽ mua cho con nếu cần…

Thực ra thì lý do nào cũng đúng đắn cả.

Nhưng tôi nhớ, cả tuổi thơ tôi phần lớn đứng ngoài những cuộc vui của bạn bè chỉ vì… bố mẹ tôi rất nghiêm khắc trong việc cho con cái tiêu tiền. Mà thú vui ngày đó chỉ là quà vặt giờ nghỉ hay đi chơi xa một chút. (Chơi xa vào những năm 8X là những buổi đi bộ hay đèo nhau từ Trung Tự lên đến hồ Hale hay xa nữa là Bờ Hồ mà thôi). Lũ trẻ chúng tôi có 1.001 thú vui mà cha mẹ chỉ kết luận nhanh rằng phù phiếm và vớ vẩn.

Sau vụ học sinh không được ăn liên hoan vì mẹ chưa đóng quỹ lớp cũng có nhà giáo mà tôi quý mến viết rằng không nên tổ chức liên hoan cuối năm. Nhưng tôi nghĩ những buổi đi chơi, những cuộc liên hoan sẽ là dấu gạch nối cho tình bạn tuổi học trò. Khi trưởng thành, ít ai trong chúng ta nhớ được những lần giải toán, viết văn, làm thí nghiệm hóa học cùng nhau… Ánh mặt cậu trai với crush trong buổi liên hoan cuối năm, cái cầm tay vội vã khi đạp vịt hồ Tây sẽ được nhớ nhiều hơn phát biểu của thầy Hiệu trưởng tại lễ bế giảng.

Và trong cả cái - gọi - là - scandal “không đóng quỹ lớp phải nhìn bạn liên hoan”, tôi chỉ thấy toàn người lớn lăn xả vào nhau tranh đấu. Ai cũng biện những lý lẽ “sấm sét” riêng của mình. Thậm chí nhiều người lớn chỉ biết sự việc qua báo chí hay vài group mạng xã hội cũng đăng đàn quy kết về nền giáo dục, về tập thể những nhà giáo mà mới đây thôi chúng ta còn “trăm sự nhờ thầy”.

Hay trong những câu chuyện về giáo dục khác, hầu như cha mẹ hay những bậc mũ cao áo dài ít lắng nghe tiếng nói của chính học sinh. Các cháu có muốn ăn liên hoan cuối năm? Muốn đi picnic cùng nhau trước khi nghỉ hè? Hay lắp điều hòa trong phòng học hoặc chọn môn học nào phù hợp?

Tất thảy đều là phụ huynh nghĩ hộ. Điều hòa thì tốn tiền. Máy chiếu thì hỏng mắt. Liên hoan thì lãng phí. Chúng ta mang “con mắt” của những người lớn để phán xét chuyện trẻ con hay chia phe thể hiện quan điểm trên… mạng xã hội mỗi khi có “sự cố” liên quan đến ngành giáo dục.

Việc dạy con có lẽ khó có chuẩn mực chung cho phụ huynh của 23 triệu học sinh, sinh viên. Đúng với cháu này nhưng có thể không đúng với cháu khác. Bài học của một GS chưa hẳn đúng với chị bán nước. Những cuốn sách dạy con dịch từ nước ngoài hay chuyện nhà thần đồng nào đó cũng không phải là những “cẩm nang” hoàn hảo.

Mỗi phụ huynh hãy tạo ra cách dạy con riêng của mình. Đi bên con, suy nghĩ cùng con chưa chắc giải quyết được vấn đề nhưng chắc chắn chúng ta sẽ hiểu con hơn.