"Tôi không phải idol"

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - 32 tuổi, không chuyên môn, không bằng cấp, không nghề nghiệp ổn định, chưa lập gia đình và ngại giao tiếp xã hội, Cao Anh Tuấn lẽ ra là một đại diện tiêu biểu của thế hệ thảng bình*. Nhưng điều đó không dễ, bởi vì cậu đã “trót” là một idol (thần tượng) nổi tiếng cõi mạng.
"Tôi không phải idol"

“Hồi trẻ, em chơi với nhiều bạn xấu” - Tuấn Sacola vào chuyện. Cái nick Sacola được lập ra hồi những năm 2000, để chơi chat. Gõ nhầm Sacola thay vì Socola, nhưng Tuấn thấy cái tên đó hay hay, khác biệt, vậy là giữ luôn. Bạn xấu, tức là bạn chỉ rủ rê nhau chơi bời đàn đúm hết ngày dài đêm thâu. Long Biên nhà Tuấn khi ấy chưa thành quận, chỉ cách nội thành một khúc sông Hồng, nhưng còn thưa vắng lắm, rất nông thôn. Tuấn chán học, bỏ ngang khi chưa xong cấp 2. Kể từ đó chỉ chơi dài, tập tành hút thuốc, uống rượu, thường xuyên say ngật ngưỡng.

Trong một cơn say, Tuấn sang tiệm tạp hoá nhà cô bạn hàng xóm và… tỏ tình.

“Anh yêu em, Hương ạ, anh có thể nói với cả thế giới này là anh yêu em. Kể cả hôm nay anh phải móc tim mình ở đây để chứng minh tình yêu của mình. Áo vàng áo xanh làm chứng cho anh nhé. Còn Hương có hờ hững với anh thì nó là điều quá bình thường luôn”. Những lời có cánh cứ thế tuôn ra, và đám bạn Tuấn quay lại hết bằng điện thoại, rồi tung lên mạng.

Không có gì biến mất trên Internet - lúc đó Tuấn chưa thấm được chân lý này. Gần 2 năm sau, khi đã chán chơi và bắt đầu đi xin việc, Tuấn mới bất ngờ khi đoạn video ấy đột nhiên nổi tiếng. Giới trẻ đua nhau chia sẻ, gọi Tuấn là “thánh tán Hương”. Những câu tỏ tình trong cơn say của Tuấn được xếp ngang với những “danh ngôn mạng” như “Không tiền thì cạp đất mà ăn à?”; “Cần cù thì bù siêng năng”; “Ông bà già tao lo hết”… Nhưng Tuấn không được gì từ sự nổi tiếng bất đắc dĩ ấy, ngoài phiền phức.

“Em đi làm, người ta nhận ra em, cứ trêu. Nên em làm đâu cũng chỉ được một đôi tháng là nghỉ” - Tuấn thở dài. Tuấn đi học sửa điện thoại, sửa xe máy, nhưng đều không đến nơi đến chốn. Khi cậu đăng ký học lái ô tô để định làm lái xe taxi, thì dịch COVID-19 ập đến.

Sau dịch, lần lượt mẹ rồi bố Tuấn phát hiện ung thư, sức khoẻ sa sút và chạy chữa tốn kém. Là con trai cả, Tuấn lúc này tự ý thức trách nhiệm chăm nom bố mẹ. Tình cờ mở tài khoản TikTok và livestream, Tuấn phát hiện còn rất nhiều người nhận ra mình, tất nhiên là với tư cách “thánh tán Hương” năm nào.

Cứ lên mạng nói chuyện bông lơn, thế mà tài khoản của Tuấn có tới hơn 10.000 người theo dõi. Tuấn bèn biến sự quan tâm của công chúng thành "cửa" mưu sinh, cậu nhập khô bò, khô gà, khô heo, mắm tép chưng thịt… (những món ăn vặt yêu thích của dân nghiện online đêm) bán online.

Những món này phổ biến, cũng dễ bán, và mặt khác thì vì thế có rất nhiều người bán. Tuấn không có lợi thế cạnh tranh nào, ngoài chính sự nổi tiếng bất đắc dĩ của mình. Vậy là đêm đêm, Tuấn online trực tiếp bán hàng, với tài khoản Tuấn Sacola.

“Em nghĩ nhiều người họ quý em, thương em mà mua thôi” - Tuấn trầm ngâm - “Cơ bản mọi người đều tốt ấy mà, nhưng…”.

"Tôi không phải idol" ảnh 1

Mỗi phiên livestream, Tuấn liên tục phải trả lời những câu hỏi liên quan tới quá khứ.

Nhưng, mỗi cuộc livestream, Tuấn phải trả lời hàng chục, hàng trăm lần những câu hỏi có cùng nội dung: “Anh còn yêu Hương không?”; “Hương thế nào rồi anh?”; “Anh có phải thánh tán Hương không?”; “Anh nói lại đoạn tán Hương hồi xưa đi…”.

“Hương lấy chồng ở Sài Gòn rồi em” - Tuấn đáp, lặp đi lặp lại. Nhiều lúc phát chán, cậu gần như cầu xin: “Hương có cuộc sống riêng rồi, chúng mình đừng nhắc nữa có được không?”. Dĩ nhiên là không. Cao Anh Tuấn - Tuấn Sacola - là Thánh tán Hương, điều đó không thay đổi được, trừ khi Tuấn không sử dụng mạng xã hội nữa.

Một nửa trong Tuấn ý thức được điều đó, cậu in hình ảnh mình mặc chiếc áo phông xanh trong clip tỏ tình năm nào, kèm câu phát ngôn đã trở thành thương hiệu “Quá là điều bình thường luôn”. Những miếng decal đó được dán lên các gói đồ ăn vặt, như một bảo chứng thương hiệu.

"Tôi không phải idol" ảnh 2

Tuấn thậm chí có decal thương hiệu của riêng mình.

Nửa còn lại của Tuấn, muốn thoát ra, muốn khẳng định mình và được thừa nhận. Trong những cơn say, Tuấn không kiểm soát mình. Cậu nói tục, thậm chí chửi nhau với những người trêu chọc chế giễu, cậu tuyên bố rằng mình “không vừa đâu”, “rất là phức tạp”. Cậu bộc bạch về những ước mơ, có gia đình, có công việc ổn định, không cần giàu có nhưng được xã hội ghi nhận. Vậy thôi.

Có một số người cho rằng, nếu Tuấn nổi lên ở thời buổi bây giờ, khi mạng xã hội phổ biến hơn, lượng người truy cập Internet và sở hữu smartphone ở Việt Nam cao gấp đôi, thì có thể cậu đã trở thành một thần tượng thực sự. Tuấn không nghĩ thế.

"Tôi không phải idol" ảnh 3

Nhiều năm nay, Tuấn vẫn "mắc kẹt" trong căn phòng nhỏ của mình.

“Các bạn trẻ bây giờ, nhiều người giỏi, và cũng nhiều người chạy theo hào quang của idol. Có những bạn sẵn sàng làm tất cả để trở thành idol, được nổi tiếng, kiếm tiền dễ dàng. Em không phải một idol, chưa bao giờ em nghĩ mình là một idol cả, mình có làm được gì đâu?” - Tuấn đúc kết.

* Thảng bình: tangpinh - nằm thẳng. Xuất hiện năm 2021, khái niệm này nhanh chóng trở thành một trào lưu được giới trẻ Trung Quốc hưởng ứng rộng rãi, lọt vào tốp 10 từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất đất nước này năm đó. Thảng bình được hiểu là một lựa chọn hạ thấp đến tối thiểu mục tiêu phấn đấu cũng như các ham muốn, nhu cầu cá nhân, thu hẹp diện giao tiếp và giới hạn cái tôi cá nhân trái ngược với định nghĩa thành đạt kiểu truyền thống.

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Đăng Khoa)
Khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
(Ngày Nay) - Chiều 6/5, Báo Nhân Dân tổ chức khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời tại Trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
Công chiếu phim do AI viết kịch bản
Công chiếu phim do AI viết kịch bản
(Ngày Nay) - Liên hoan phim ngắn và châu Á 2024 sẽ tập trung vào các vấn đề đang nổi cộm toàn cầu trong bối cảnh xung đột và thảm họa đang diễn ra trên toàn thế giới, đồng thời trình chiếu bộ phim đầu tiên hoàn toàn do trí tuệ nhân tạo (AI) viết kịch bản.
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
(Ngày Nay) - Bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp chiều ngày 5/5 (giờ Paris), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp “tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược và làm sâu sắc thêm trao đổi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau” giữa 2 nước.