Đại học dân lập lác đác thí sinh xét tuyển nguyện vọng 2
Vài ngày nữa là hết đợt tuyển sinh nguyện vọng 2, các trường đại học công lập tiếp tục nhận được nhiều hồ sơ, thậm chí vượt so với chỉ tiêu:
Đại học Sư phạm Hà Nội
Các ngành đào tạo của trường đã cơ bản tuyển đủ chỉ tiêu. Đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, trường chỉ còn 119 suất cho các ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Công tác xã hội, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất.
Đại học Điện lực
Đại học Điện lực tuyển 900 chỉ tiêu cho cả hệ đại học và cao đẳng nhưng sau một nửa thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ.
Đại học Văn hóa Hà Nội
Đại học Văn hóa Hà Nội tính đến 1/9 còn 6 ngày nữa mới kết thúc đợt đăng ký nguyện vọng 2 đã nhận được 234 hồ sơ trên tổng số 290 chỉ tiêu bổ sung cho hệ đại học và cao đẳng.
Do đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh cùng lúc được nộp vào 3 trường nên không tránh khỏi tình trạng hồ sơ ảo tăng cao. Ảnh minh họa. |
Đối lập với tình hình nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 của các đại học công lập, nhiều đại học dân lập vẫn chỉ có lác đác thí sinh đến đăng ký.
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển đến hơn 4.600 chỉ tiêu cho hệ đại học và cao đẳng trong đợt bổ sung nhưng đến 1/9 mới nhận được hơn 1.000 hồ sơ.
Đại học dân lập Phương Đông
Đại học dân lập Phương Đông tuyển trên 1.400 chỉ tiêu trong đợt bổ sung nhưng sau nửa thời gian xét tuyển mới có hơn 200 hồ sơ nộp vào.
Nhiều trường dân lập mới thành lập, hoặc nằm ở tỉnh thành xa cũng trong tình trạng không tuyển được thí sinh.
Hồ sơ ảo tăng cao, nhiều trường lo lắng không tuyển đủ chỉ tiêu
Do đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh cùng lúc được nộp vào 3 trường nên không tránh khỏi tình trạng hồ sơ ảo tăng cao.
Trong số hơn 1.000 hồ sơ nộp vào Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong đợt xét tuyển bổ sung, Hiệu phó nhà trường Vũ Văn Hóa cho biết, con số này chắc chắn có không ít hồ sơ ảo nên nhà trường vẫn lo lắng khó tuyển đủ số người học.
Cùng nỗi lo hồ sơ ảo, ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, ĐH Công nghệ TP.HCM đưa ra giải pháp: "Sẽ có tình trạng ảo không chỉ là học bạ mà mỗi thí sinh còn được 3 phiếu để xét tuyển. Chính vì lý do đó mà nhà trường phải lấy chỉ tiêu dự kiến cao hơn so với chỉ tiêu thực tế của nhà trường. Cụ thể, so với 1.100 chỉ tiêu thực tế, nhà trường phải gọi 1,5 lần là 3.150 chỉ tiêu".
Bà Trương Thị Ngọc Bích, PGĐ Tuyển sinh và Truyền thông, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM chia sẻ: "Chúng tôi có một phương thức là phương thức online, tức là các bạn đăng ký tất cả những thông tin trên đó và có thông tin chúng tôi sẽ phản hồi lại cho các bạn bằng số điện thoại các bạn đăng ký trên đó và hướng dẫn các bạn đến trực tiếp tại trường để làm hồ sơ xét tuyển. Bước cuối cùng là đến trường làm hồ sơ, đó là căn cứ để chúng tôi xét tuyển".
Có một thực tế là chỉ có các trường đại học ngoài công lập lớn mới tuyển được thí sinh và có cơ may xét tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt này. Lý do là vì tâm lý thí sinh đến sát ngày mới đến nộp hồ sơ để gia tăng khả năng trúng tuyển hoặc chờ đợi cho kỳ xét tuyển đợt sau.
Đợt 1 của xét tuyển nguyện vọng 2 kết thúc vào ngày 7/9.
Xem thêm:
- Hướng dẫn sử dụng số mã vạch để đăng ký xét tuyển NV2
- Làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung thế nào?
- Hồ sơ nhập học tân sinh viên cần chuẩn bị gì?
Tuấn Minh (t/h)