Báo Công lý đưa tin, ngày 9/11, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Tạ Bá Long (SN 1955), trú tại Ba Đình, Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với đó, còn có 5 bị cáo khác cũng hầu toà do bị truy tố về tội danh trên, trong đó có: Đoàn Văn An (SN 1958), trú tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT và Phạm Quyết Thắng (SN 1973), trú phường Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Tổng giám đốc GPBank.
Cáo trạng vụ án thể hiện, trong thời gian từ năm 2009 - 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ tại GPBank theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ và sử dụng vào những việc khác, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã sử dụng 3 công ty để phát hành 3.380 trái phiếu bán cho Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance) và thu về 3.380 tỷ đồng.
Số tiền này sau đó được nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT GPBank sử dụng hơn 2.611 tỷ đồng để nhóm cổ đông của Long và An mua cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ của ngân hàng này. Ngoài ra, Long và đồng phạm còn sử dụng 512,6 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu. Số tiền còn lại hơn 255,7 tỷ đồng, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đưa vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của 3 doanh nghiệp liên quan.
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho ngân hàng này tăng vốn điều lệ lên 3.018 tỷ đồng, các cựu lãnh đạo, cán bộ GPBank do không có tiền để trả gốc và lãi cho Công ty Tài chính CP Điện lực nên Tạ Bá Long cùng Đoàn Văn An đã bàn cách rút tiền từ GPBank để có tiền thanh toán với chủ nợ.
Theo tin trên báo Kiến Thức, năm 2011, Tạ Bá Long ký với con rể là Hoàng Công Hợp nhằm thỏa thuận GPBank mua 58% diện tích tại tòa nhà Capital Tower từ Công ty Thành Trung với giá 2.200 tỷ đồng; việc làm này đã trái quy định. Năm 2016, Hoàng Công Hợp được VKSND Tối cao ra quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc do có xác nhận mắc bệnh từ Viện Pháp y Tâm thần Trung ương.
Tạ Bá Long sau đó tiếp tục ký với Nguyễn Ngọc Nam (SN 1976), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Sao Bắc 1 bản hợp đồng xây dựng kinh doanh “Trung tâm Thương mại, văn phòng và Nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank”. Lần này, Phạm Quyết Thắng đã ký ủy nhiệm chi, chuyển 1.700 tỷ đồng cho Sao Bắc.
GPBank đã chuyển 3.900 tỷ đồng cho phía Tạ Bá Long và Đoàn Văn An với 2 bản hợp đồng nêu trên. Tuy nhiên, các bị cáo đã dùng 3.793 tỷ đồng để mua lại 3.380 trái phiếu trước hạn và trả lãi số trái phiếu này; Công ty Thành Trung sử dụng gần 3 tỷ đồng; Đoàn Văn An chi dùng cá nhân hơn 103 tỷ đồng. Nguồn tin cho hay, Các Công ty Thành Trung và Sao Bắc nợ GPBank gần 3.900 tỷ đồng tiền gốc và 858 tỷ đồng tiền lãi, không có khả năng hoàn trả. Riêng Tạ Bá Long được gia đình trả lại GPBank số tiền hơn 864 tỷ đồng trong số 1.389 tỷ đồng bị cáo phải chịu trách nhiệm.
Gia đình Đoàn Văn An khắc phục được gần 84 tỷ đồng trong số 2.510 tỷ đồng bị cáo An gây thất thoát. Cả 2 bị cáo phải liên đới trả cho GPBank 858 tỷ đồng tiền lãi. Tại phiên xét xử này, một số luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Anh Dung (SN 1978), cựu Kế toán trưởng GPBank đã đề nghị hoãn phiên tòa để có thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ. Ngoài ra, phía Công ty Chí Linh và bị cáo Đoàn Văn An cũng xin hoãn tòa nhằm có thời gian thu xếp khắc phục hậu quả cho GPBank. Xét những điều nêu trên, nhằm đảm bảo việc xét xử diễn ra công bằng, khách quan; đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên liên quan, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.
Theo An Ninh Tiền Tệ