Để biết được những gì đang xảy ra trong lòng biển Quảng Bình, nhóm PV đã theo chân một nhóm thợ lặn có hơn 30 năm làm nghề lặn biển trực tiếp lặn xuống cửa sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới).
Chiếc tàu cá 33CV của ngư dân Đặng Thế Dĩ (48 tuổi) ở xã Quang Phú, TP. Đồng Hới cùng 2 thợ lặn Lê Xuân Hòa (36 tuổi) và Phạm Văn Trị (37 tuổi) thả neo xuôi dòng Nhật Lệ và thẳng tiến ra biển lúc 10 giờ sáng ngày 7/5.
Thuyền đi được khoảng 1 tiếng thì thả neo, theo lý giải của ông Dĩ, đây là khu vực cá và các loại hải sản chết rất nhiều. Ông Dĩ cùng một ngư dân khác chuẩn bị áo lặn và các dụng cụ cần thiết cho hai “kình ngư” Hòa và Trị lặc xuống đáy biển.
Sau 30 phút lặn xuống biển, thứ mà “kình ngư” Hòa và Trị vớt lên được chỉ là những rạn san hô đổi màu hồng thành trắng, từng con hải sâm, vẹm, sò, hàu… chết và đang trong quá trình phân hủy.
San hô màu hồng nay đã chuyển trắng.
Lấy lại sức lực, "kình ngư" Trị mặt buồn rầu cho biết: “Dưới đáy biển, chỉ còn xác hải sản đã chết và đang nằm phân hủy. Còn các rạn san hô cũng nằm lăn lóc, đang chuyển từ màu hồng sang trắng. Còn xác cá, tôm thì không còn nhìn thấy nữa”. “Nước ở dưới tầng đáy cũng đen ngùm và bốc mùi hôi tanh rất khó chịu”, ngư dân Trị chia sẻ thêm.
Còn ở khu vực biển thôn Nhân Nam (xã Nhân Trạch, Bố Trạch), các thợ lặn khẳng định rạn san hô đã bị phá hủy trong các đợt cá chết vừa qua.
Để chứng minh sự thật, ngư dân nơi đây đã đưa PV ra vùng biển cách bờ khoảng 2-3 hải lý, nơi có rạn san hô khổng lồ phía dưới.
Những con hải sâm, vẹm, sò, hàu… chết và đang trong quá trình phân hủy.
“Kình ngư” Phạm Văn Thùy lặn xuống biển chừng ba phút sau đã đưa lên hơn chục xác cá đang phân hủy. Anh Thùy nói, số cá anh vớt lên chỉ là một lượng rất ít xác cá còn nguyên vẹn, số còn lại đã bị phân hủy. Ngoài ra còn có ốc biển và vẹm biển chết la liệt dưới lòng biển.
Còn thợ lặn Phạm Văn Quy thở dài: “Cả vùng san hô rất rộng nhưng chúng tôi không thấy bóng dáng một loài sinh vật biển nào còn hoạt động. Khung cảnh trông như một nghĩa địa khổng lồ dưới đáy biển”.
Các "kình ngư" đau xót khi nhìn sinh vật biển chết vớt lên từ đáy biển.
Thợ lặn nơi đây cho hay, khu vực này trước kia nước trong vắt còn bây giờ có màu rất lạ, mùi nước thối và tanh, bùn cũng khác trước kia. Các nhà khoa học và cơ quan chức năng cần cho lấy mẫu nước ở đó để xét nghiệm nhằm có câu trả lời rõ ràng.
Đáng chú ý, nhiều ngư dân cho hay lưới đánh cá thả ở vùng rạn thường rất bẩn, đen sì. Nhưng vừa rồi, họ thả lưới xuống khu vực này chừng một đêm, khi kéo lên thì lưới trắng tinh như vừa được ngâm trong chất tẩy rửa (!?).
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang lấy mẫu nước nơi đây để kiểm tra, tìm hiểu loại chất khiến cá tôm chết và lớp bột kỳ lạ dưới đáy biển là chất gì, từ đâu ra.
An Mai (tổng hợp)