Người dân xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã quá quen với hình ảnh một người đàn bà mặt chằng chịt những vết sẹo, chẳng nói chẳng rằng suốt ngày ngồi ở góc chợ làng từ sáng đến tối, hễ ai nhờ việc gì là làm. Câu chuyện về người đàn bà này khiến nhiều người ái ngại và xót thương cho số phận đọa đầy.
Đổi tình bằng quà
Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến căn nhà của người phụ nữ Nguyễn Thị T. (SN 1981) thôn 9, xã Canh Nậu mà nơi người dân ở đây gọi là T. “vè”.
Suốt đoạn đường hỏi thăm về nhà người đàn bà này, ai cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt khó hiểu và những điệu cười khểnh, chỉ đến khi chúng tôi nói chỉ muốn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình T. thì họ mới tận tình chỉ dẫn.
Theo người dân ở đây cho biết, sở dĩ cái tên T “vè” là do người dân gọi vì trên mặt T. có quá nhiều vè sẹo. T. là người bất hạnh, sinh ra đã thiếu thốn tình thương của cha, lại hơi thiểu năng trí tuệ, hâm hâm dở dở nên đi đâu cũng bị trẻ con chế giễu, trêu đùa.
Mẹ của T. là bà nguyễn Thị P. (SN 1952) lấy chồng hơn mình cả mình mấy chục tuổi. Khi bà P. còn thời con gái thì chồng bà đã là người đàn ông già, nhiều tuổi. Nhiều người ái ngại cho cuộc tình duyên này, nhưng cả hai vẫn muốn đến với nhau.
Chồng bà P. luôn hy vọng bà sinh một đứa con trai để nối dõi tông đường, nhưng khi sinh ra là con gái thì ông ta chán nản và bỏ mẹ con bà đi nơi khác.
Cuộc sống khó khăn, bà P một thân một mình ôm con về ở nhà ngoại ở, lúc này cũng chỉ còn bà ngoại T. ở trong căn nhà lụp xụp chẳng có gì giá trị, ruộng đất cũng ít nên cuộc sống của của bà P cùng đứa con gái mới sinh và bà mẹ già vô cùng vất vả.
Nguyễn Thị T. luôn ngồi ở góc chợ làng từ sáng đến tối.
Rồi bà ngoại T qua đời, mẹ con T vẫn tiếp tục sống trong căn nhà nghèo nàn ấy. Ngày ngày, bà P đi bế con thuê cho nhà người ta để lấy tiền chăm lo cho T. và trang trải cuộc sống.
“Bà P. cũng chẳng khôn ngoan là mấy, hơn cái T. là biết đi làm thuê kiếm tiền chứ cái T. có biết đâu, hễ có tiền là nó lại đi mua kẹo hay bim bim để ăn. Hai mẹ con cứ thế sống qua ngày, nhìn mà thương xót”, bà Phạm Thị C, hàng xóm nhà T. cho hay.
Cái tên T. “vè” đổi tình bằng quà đã khiến người dân nơi đây gọi là chỗ giải quyết “nhu cầu”cho cánh đàn ông.
Một một người dân ở chợ làng nơi T. thường xuyên ngồi đó nới với tôi bằng cái giọng ái ngại: “Nó bị ngố từ bé có biết cái gì đâu,từ sáng đến tối chỉ ngồi ở chợ và hễ ai nhờ gì thì làm. Nó bị những người đàn ông lợi dụng đổi tình rồi cho nó kẹo hay bim bim. Nó bị mấy ông già trong làng cứ tìm đến nó để thỏa mãn nhu cầu, tới khi có bầu rồi lại chẳng ai dám nhận, chẳng biết được bố đứa bé là ai. Nghĩ cũng thương, người bình thường thì đã không phải như vậy”.
Lợi dụng đầu óc không bình thường của T. mà nhiều người dần dần thành quen, mặc nhiên cho T. là nơi “giải quyết” nhu cầu sinh lý của những người đàn ông xấu bụng mà không hề ai biết cũng như can thiệp vào. Bởi T. không chịu nói những người mà đã “đổi tình” với mình chỉ biết… im lặng.
Xót xa cảnh đẻ con ra phải cho đi
Cuộc sống của T. cứ thế trôi đi trong sự im lặng xót xa của người dân bản địa và những lời bàn tán ra vào của người đời. Biết T. thần kinh không bình thường, nên những người đàn ông xấu bụng đã cho T. vài nghìn để mua quà ăn rồi làm hại T.
Ban đầu gia đình T. không biết, thỉnh thoảng thấy T. mang bim bim hay đồ ăn về cứ nghĩ là có người tốt bụng cho, ai ngờ… Đến về sau, khi mà mỗi ngày bụng T. ngày càng một to lên thì gia đình mới ngã ngửa ra là con mình bị hãm hại, họ cố gắng gặng hỏi nhưng T. không chịu nói ra.
Không chỉ một lần mà càng về sau này thì càng nhiều lần khác nữa. Lần lượt đứa thứ nhất rồi đứa thứ 2 ra đời trong hoàn cảnh không biết bố đứa bé là ai, mẹ thì thần kinh không ổn định, gia đình nghèo nên đành phải cho đi.
Theo người dân cho biết thì T. sinh đứa đầu là con gái vào năm 2009 sau đó phải cho đi, đến đứa thứ 2 là con trai vào năm 2011, không nuôi được cũng phải cho đi.
Nhìn cảnh người mẹ hâm hâm sinh con ra không nuôi được phải cho đi khiến bao người xót thương. Họ xót thương cho T. và đồng thời cũng lên án những người đàn ông xấu xa kia khi tìm T. giải quyết nhu cầu xong rồi bỏ mặc T. với hậu quả khôn lường.
Ngôi nhà gia đình bà P. luôn đóng cửa cài then từ sáng đến tối.
Nhiều lần gia đình biết T. mang bầu định đem đi phá cái thai “oan nghiệt” nó đi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại làm thế thì thất đức quá nên mới giữ lại để sinh nở rồi cho người khác nuôi hộ, mong sao những đứa trẻ đó sinh ra sau này sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, không giống như mẹ nó.
“Đứa đầu tiên thì gửi nhà chùa để nương nhờ của phật chăm sóc giờ đã lớn nhưng không biết mẹ, biết bà là ai bởi không ai cho biết. Đứa thứ 2 thì cho một nhà hiếm muộn về làm con nuôi nuôi và họ gửi lại cho mẹ con bà P một ít tiền để mẹ con bà lấy tiền ăn và trang trải cuộc sống”, bà Nguyễn Thị K, người dân gần đó cho biết.
Cuộc sống khó khăn, bà P. đi làm thuê suốt ngày để kiếm đồng tiền trang trải cuộc sống, còn T. thì đi lang thang suốt ngày đến khi bị xảy ra việc như thế thì gia đình mới biết. Cha không có, mẹ lại không được khôn nên khi T. xảy ra chuyện gia đình có muốn bảo vệ con cái cũng không được. Giá như T. là người bình thường thì đâu đến nỗi như vậy.
Nhiều người dân ở đây chỉ biết thở dài khi nhắc tới T., những tiếng thở dài xót thương cho thân phận người phụ nữ có thần kinh không bình thường đáng nhẽ phải được bao bọc, chăm sóc nhiều hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng thôn 9, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết, hoàn cảnh mẹ con chị T rất khó khăn, hiện gia đình chị T thuộc diện hộ nghèo của thôn. Hàng năm, địa phương đều có thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ tết. Khi T. sinh những đứa bé thì ở quê cũng chả ai xác định bố đứa bé là ai mà họ cũng muốn tìm hiểu.
“T. đẻ hai lần rồi, đẻ lần thứ 2 xong là gia đình người ta bảo cắt bỏ dạ con nhưng không biết có cắt hay không. Ngày trước chả ai quan tâm đến cuộc sống của gia đình mẹ con T. nhưng bây giờ thì có quan tâm. Những ngày lễ tết hay ngày Đại đoàn kết thì địa phương vẫn có quà cho mẹ con T. Vừa rồi, ngày Đại đoàn kết thôn có phần quà trị giá 200 ngàn nhưng không dám đưa cho T. sợ nó đi mua đồ ăn hết, phải nhờ hàng xóm lên lấy hộ rồi đưa cho bà P. để sinh sống”, ông Hùng cho biết.
Câu chuyện về những mảnh đời bất hạnh như vậy khiến người ta thấy xót xa, cảm thông. Họ thương người phụ nữ sinh con ra lại phải đem cho vì chẳng thể nuôi, nhiều người cũng cảm thông cho số phận người đàn bà bị lợi dụng mà không ai bảo vệ.
P.V