Mâu thuẫn lời khai, chứng cứ?
Sáng 21/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đồng phạm.
Tại tòa, nhân chứng Lê Hải Ninh - chuyên viên giúp việc PVN cho biết bị cáo Phan Đình Đức - nguyên Thành viên HĐTV đã không ghi “đồng ý” vào văn bản số 124 của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN về việc góp thêm 100 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Theo án sơ thẩm, năm 2011, OceanBank đề nghị cổ đông là PVN hỗ trợ và tăng vốn điều lệ, góp thêm 100 tỷ đồng vào ngân hàng trước ngày 15/5/2011. Vì vậy, ngày 12/5/2011, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN ký văn bản số 124 gửi HĐTV xin ý kiến về việc góp tiền vào OceanBank.
Ngày 13/5/2011, các bị cáo là thành viên HĐTV PVN gồm Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức đồng ý. Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên - Tổ trưởng tổ thư ký HĐTV ký báo cáo tuần thể hiện có 4/7 Thành viên HĐTV biểu quyết đồng ý tăng vốn điều lệ.
Tại các ngày làm việc trước, bị cáo Phan Đình Đức khẳng định ngày 17/5/2011 mới nhận được văn bản 124 nói trên và ông ký vào chỉ để khẳng định đã xem, không có ý kiến chấp thuận hay không.
“Văn bản thể hiện thời hạn cho ý kiến cuối cùng là ngày 15/5 nhưng ngày 17/5 tôi mới nhận được… Tôi khẳng định không ký vào ngày 13 và tôi có chứng cứ ngoại phạm..” - ông Đức khai.
Hôm nay (21/6), bà Hà Thanh Nga - Giám định viên Viện KHHS Bộ Công an nói tại tòa đã ra kết luận giám định khẳng định các chữ trên văn bản 124 là của Phan Đình Đức, không bị sửa chữa thêm nét nhưng không phải là số 3 và cũng không đủ căn cứ xác định là số 7 hay không.
Các luật sư đặt câu hỏi, vậy bị cáo Đức ký vào văn bản số 124 nói trên vào ngày 13 hay 17? Bà Nga đáp: “CQĐT không yêu cầu làm rõ ngày 13 hay 17 mà chỉ yêu cầu giám định số đó là 3 hay 7 hay số khác. Tôi đã có kết luận khẳng định rồi”.
Chiếm đoạt tiền “chăm sóc khách hàng”
Tiếp đến, bị cáo Ninh Văn Quỳnh - nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN khai đã tham gia vào lần góp vốn thứ 3 năm 2011 của PVN vào OceanBank trị giá 100 tỷ đồng để nâng vốn của PVN tại đây lên 800 tỷ đồng.
Ninh Văn Quỳnh khẳng định không tham gia vào lần góp vốn thứ nhất và chỉ ủy quyền cho cấp phó tham gia lần góp vốn thứ hai. Từ đó, bị cáo này xin tòa giảm án 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái…” vì mình có chức vụ thấp nhất trong số 7 bị cáo và chỉ làm theo chỉ đạo.
Về hành vi chiếm đoạt tài sản, tòa sơ thẩm xác định Ninh Văn Quỳnh nhận 20 tỷ đồng nhận của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn từ nguồn “chăm sóc khách hàng" của OceanBank nên bị tuyên 16 năm tù. Cụ thể, khi giữ chức TGĐ OceanBank, ông Sơn đề nghị và được Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch OceanBank (án chung thân) giao việc chi lãi ngoài tiền gửi cho khách gửi tiền vào ngân hàng.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh khai, số tiền 20 tỷ nói trên trên ông nhận chủ yếu từ Nguyễn Xuân Sơn, ngoài ra có 2 lần nhận từ Nguyễn Xuân Thắng - em bị cáo Sơn, mỗi lần 2 tỷ đồng.
Ngược lại, Nguyễn Xuân Sơn khẳng định đã đưa cho bị cáo Quỳnh 180 tỷ đồng. Riêng 2 lần Nguyễn Xuân Thắng đưa là 10 tỷ đồng tức 5 tỷ đồng/lần.
Lý giải việc phải “chăm sóc khách hàng”, ông Sơn cho biết đây là kinh phí để nâng cao quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng. Ngoài ra, do Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi suất nên các ngân hàng phải đua nhau đi huy động tiết kiệm nên phải chi khoản tiền này.
Chủ tọa đặt câu hỏi về lời khai của ông Sơn về việc từng mua nhà cho con trai ông Quỳnh. Nguyễn Xuân Sơn đáp: “Nhà là do anh Hà Văn Thắm là chủ đầu tư. Anh Thắm trừ tiền chăm sóc khách hàng của anh Quỳnh để trả cho căn nhà. Sau anh Thắm làm hợp đồng đứng tên con trai anh Quỳnh và đưa cho bị cáo”.
Ông Sơn đã rút kháng cáo trong tư cách bị cáo (án 30 tháng tù về tội “Cố ý làm trái…”) nhưng giữ kháng cáo về việc yêu cầu Ninh Văn Quỳnh phải chịu trách nhiệm về 180 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo Sơn được lấy 20 tỷ đồng ông Quỳnh nộp cho CQĐT này để khắc phục hành vi tham ô tài sản (án tử hình vụ OceanBank).