Đủ kiểu chiếm đoạt
Trong buổi sáng xét xử, HĐXX TAND TPHCM đã hỏi Huỳnh Thị Huyền Như về khoản tiền 1.500 tỷ đồng mà Navibank gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Trả lời HĐXX, Huyền Như xác nhận khoản tiền trên mình đã dùng để trả nợ cho các khoản vay trước đó của bị án.
Bị án khai rõ trước tòa là dùng hai phương thức, một là dùng lệnh chi do chính mình lập, giả hồ sơ tài khoản các cá nhân và thứ hai là dùng thẻ tiết kiệm để vay rồi rút tiền. Nghe Huyền Như khai đến đây, chủ tọa hỏi: “Vậy toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng bị án điều đi đâu?”. Trả lời chủ tọa, Huyền Như cho biết đã dùng trả nợ cho các cá nhân, đơn vị mà bị án đã vay trước đó. “Tức toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng của Navibank gửi đã bị điều chuyển đi trước rồi và không phải chuyển về VietinBank Chi nhánh TPHCM?” - chủ tọa hỏi. “Dạ đúng”- Huyền Như trả lời.
Cũng trong phần xét hỏi, bị án Huyền Như nhiều lần nói “lâu không nhớ” nên chủ tọa nói về các lời khai trước đây với cơ quan điều tra, nếu nội dung các lời khai mà Tòa công bố đúng thì Huyền Như xác nhận. Theo đó, xác nhận với Tòa, một lần nữa Huyền Như thừa nhận liên quan tới tiền gửi của Navibank, chỉ còn số tiền 200 tỷ đồng. “Khi vụ án bị phanh phui chưa tới hạn tất toán nhưng tôi chiếm đoạt từ khi Navibank gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè”- bị án Huyền Như khai.
“Không phải là hành vi cố ý”(?)
Trong phần xét hỏi, các bị cáo nguyên là lãnh đạo Navibank đồng loạt kêu oan. Bị cáo Lê Quang Trí (nguyên tổng giám đốc Navibank) thừa nhận có thiếu sót trong quá trình điều hành ngân hàng nhưng biện minh rằng “đây không phải là hành vi cố ý như cáo trạng quy buộc đối với bị cáo”. Lý giải “nỗi oan” của mình, ông Trí nói bản chất vụ việc là hợp đồng vay thế chấp hợp đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác mà Luật các tổ chức tín dụng không cấm.
Cụ thể là Navibank đã cấp tín dụng cho 14 nhân viên vay tiền với mục đích tiêu dùng và sau đó gửi vào VietinBank lấy lãi suất chênh lệch. Bị cáo Nguyễn Giang Nam (nguyên phó tổng Navibank) kêu oan: “Tôi vẫn chưa thấy hành vi sai phạm gì của mình trong cáo trạng, mong quý tòa chỉ sai giúp tôi”. Một phó tổng khác là bị cáo Cao Kim Sơn Cương thì cho rằng mình không sai và không phải là nguyên nhân làm mất số tiền 200 tỷ đồng của Navibank.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Hồng Sơn - nguyên phó tổng Navibank, lập luận rằng từ nhận thức về việc cho cá nhân vay bằng hợp đồng tiền gửi thì pháp luật không cấm và hoàn toàn hợp pháp nên việc Navibank cho vay cầm cố bằng hợp đồng tiền gửi tại VietinBank là không sai.
Trả lời HĐXX về nội dung Navibank mang tiền sang gửi ngân hàng khác pháp luật có cấm không - ông Sơn đáp “không cấm”. Chủ tọa tiếp: “Vậy Navibank dùng hợp đồng cho vay rồi nhận lãi ngoài thì đúng hay sai so với luật Tổ chức tín dụng?”. Trả lời HĐXX ông Sơn nói pháp luật cũng không cấm ngân hàng nhận lãi ngoài và cho rằng: “không chỉ Navibank mà các ngân hàng khác cũng vậy, có những trường hợp xét cho vay tín chấp”. Hôm nay (2/3), phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi của đại diện VKS.
“Việc cho vay và kiếm lãi suất bên ngoài là việc thông thường, bị cáo được biết là số tiền của Navibank đã bị Huyền Như chiếm đoạt, nhưng mong HĐXX xem xét hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Huyền Như vì bị cáo cho rằng Huyền Như chiếm đoạt của đồng nghiệp tại VietinBank chứ không phải của khách hàng”.
Theo Tiền Phong