Chống dịch xuyên Tết
Cách đây hơn 1 tháng (ngày 14-1) khi Việt Nam phát hiện 2 trường hợp là người Trung Quốc có biểu hiện sốt qua hệ thống giám sát của máy đo thân nhiệt từ xa tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, ngay lập tức 2 hành khách này đã được cách ly, theo dõi sức khỏe. Ngay ngày hôm sau, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona-Bộ Y tế đã tổ chức họp để cùng bàn những biện pháp chặt chẽ hơn nữa nhằm có sự chủ động trong kiểm soát dịch bệnh.
Tại cuộc họp này, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống của dịch bệnh, kèm theo đó là các mức độ của hệ thống y tế để đáp ứng công tác phòng chống dịch. Các đoàn công tác Bộ Y tế đã kiểm tra tại các cơ sở y tế, các cửa khẩu. Đồng thời, đưa ra phác đồ điều trị bệnh để các cơ sở y tế tại 63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.
Còn nhớ, thời điểm đó đã là giáp Tết Nguyên đán Canh Tý, trong khi người người hối hả chuẩn bị mua sắm, trang trí nhà cửa thì những cán bộ y tế ở tất cả các cấp vẫn miệt mài triển khai những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn virus Corona xâm nhập, gây bệnh tại Việt Nam.
30 tháng Chạp, khi mọi gia đình tất bật chuẩn bị cho bữa cơm tất niên thì những chuyên gia y tế, bác sỹ trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của Bộ Y tế khẩn trương tổ chức họp khẩn để ứng phó với dịch bệnh. Ở tuyến cơ sở, hàng triệu nhân viên y tế vẫn căng mình thực hiện nhiệm vụ, các ca trực được phân công - mọi người đều trong tâm thế “trực chiến”, sẵn sàng vào nhiệm vụ khi có ca bệnh được ghi nhận.
Đặc biệt hơn, khi Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp là cha con người Trung Quốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì Trung tâm khẩn cấp đối phó với virus Corona được chính thức kích hoạt. Với quyết tâm không để dịch lây lan, ngành y tế đã triển khai thực các biện pháp phòng ngừa triệt để như: Thực hiện ngay khai báo y tế ở tất cả các cửa khẩu, nhất là với người đến từ Vũ Hán – Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, kiểm soát những người có triệu chứng sốt. Khuyến cáo mọi người hạn chế đến vùng có dịch, và cả các nước có người nhiễm bệnh…
Tận dụng lợi thế của công nghệ 4.0
Tình hình căng thẳng hơn khi 3 người Việt Nam là công nhân đi về từ Vũ Hán, Trung Quốc được ghi nhận dương tính với virus Corona, những kịch bản ứng phó của Việt Nam được triển khai nhanh nhất có thể. Cùng với việc duy trì giám sát tại các cửa khẩu, sân bay quốc tế thì Trung tâm Y tế các quận, huyện triển khai phun khử trùng, vệ sinh trường lớp học để phòng ngừa lây nhiễm trong học sinh; khử khuẩn tại các tòa nhà, chung cư, văn phòng, cơ quan; yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống Corona; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng đủ khẩu trang y tế đáp ứng nhu cầu phòng bệnh…
Song song đó, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt các biện pháp truyền thông về cách phòng chống, dấu hiệu nhận biết; những kiến thức về bệnh, khuyến cáo phòng bệnh của Tổ chức Y tế thế giới… thông qua hệ thống tin nhắn của các nhà mạng, Zalo; ra mắt App Sức khỏe Việt Nam cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về dịch bệnh đến người dân. Đồng thời, Bộ Y tế cũng liên tục theo dõi, bác bỏ những tin đồn vô căn cứ, sai sự thật khiến dư luận hoang mang trong cơn “bão” dịch.
Trong thời kỳ phát triển của công nghệ số, có thể đánh giá việc Bộ Y tế nhanh chóng tận dụng lợi thế của thời kỳ 4.0 để tuyên truyền, thông tin về dịch bệnh là phản ứng nhanh nhạy đáng ghi nhận. Mỗi người dân khi dùng bất kỳ mạng di động nào, mỗi sớm mai thức dậy đều nhận được lời “nhắn nhủ” đầy đủ thông tin từ Bộ Y tế về việc thực hiện rửa tay với xà phòng và các biện pháp phòng bệnh khác; dấu hiệu của bệnh; hướng dẫn thực hiện cách ly tại nhà; hướng dẫn đeo khẩu trang phòng bệnh…
Nhiều người dân đã thấy an tâm hơn khi được thông tin thường xuyên và đều đặn từ Zalo, diễn biến của dịch bệnh tại Việt Nam cũng như trên thế giới; những biện pháp mà toàn ngành y tế đang nỗ lực triển khai… được chuyển tải đầy đủ đến công dân.
Để có được những số liệu đầy đủ, kịp thời, bộ phận cập nhật số liệu của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã phải làm việc ngày đêm. Số ca nhiễm và tử vong vì corona tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới được cập nhật từng giờ cho thấy sự làm việc miệt mài của những nhân viên ở bộ phận này bởi trong số các quốc gia này có những nước lệch múi giờ với Việt Nam.
Không để tâm dịch đơn độc
Thời điểm sau khi ghi nhận chùm ca bệnh lây nhiễm thông qua tiếp xúc với người tiếp xúc (lây nhiễm chéo) với công nhân N.T.D. ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 12-2, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng ra quyết định cách ly xã Sơn Lôi với những vùng xung quanh. Kèm theo đó là chế độ hỗ trợ cho người dân để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất.
Các đoàn công tác của Bộ Y tế thường xuyên, liên tục kiểm tra công tác cách ly, giám sát y tế tại cửa khẩu cũng như cung ứng vật tư y tế phòng dịch Corona. |
Bộ Y tế cũng thực hiện cam kết đồng hành cùng Vĩnh Phúc trong phòng, chống dịch Corona bằng việc hỗ trợ vật tư, hóa chất phòng chống dịch. Đồng thời, cử Tổ công tác thường trực 24/7 phòng chống dịch hỗ trợ địa phương; thành lập Tổ Công tác đặc biệt của Ban chỉ đạo Quốc gia, xuống cùng Ban chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc để chỉ đạo các biện pháp rất cụ thể về công tác khoanh vùng, dập dịch và công tác thu dung, điều trị ở tại Vĩnh Phúc. Cùng với việc thành lập Tổ công tác đặc biệt đó là việc thành lập 2 đội công tác: Đội thứ nhất giúp Vĩnh Phúc hướng dẫn công tác dự phòng, khoanh vùng dập dịch đảm bảo yếu tố môi trường; Đội thứ hai giúp công tác điều trị.
Kể từ đó, liên tục các ngày 13-2 và 15-2 các đoàn công tác của Bộ Y tế với những chuyên gia đầu ngành về dịch tễ đã về Vĩnh Phúc để phối hợp với Sở Y tế Vĩnh Phúc tổ chức cho cán bộ y tế tỉnh Vĩnh Phúc về chẩn đoán điều trị, dự phòng,kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viêm đường hô hấp cấp tính Covid-2019. Ngành y tế Vĩnh Phúc cũng tăng cường 96 cán bộ y tế cho 12 chốt, 65 bác sĩ hỗ trợ 13 trạm y tế của huyện Bình Xuyên và 10 y, bác sĩ tăng cường cho Trung tâm điều trị Covid-19 của huyện đặt tại Phòng khám đa khoa Quang Hà…
Đoàn công tác của Bộ Y tế đã thực hiện nhiều biện pháp khẩn, ngay lập tức, quán triệt từng cán bộ tỉnh, xã, thôn nắm nguyên tắc chuyên môn; “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ y tế các cấp; tuyên truyền để người dân không quá hoang mang nhưng không chủ quan, yên tâm. Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe cho người dân tại khu vực cách ly, tổ công tác của Bộ Y tế đã thiết lập khu khám bệnh riêng với những trường hợp mắc bệnh khác như cao huyết áp, nguy cơ tai biến... Tại đây luôn có hai xe cấp cứu trực, vận chuyển những trường hợp này khi cần chuyển viện, một xe chuyên vận chuyển ca nghi ngờ mắc Covid-19.
Những nỗ lực không mệt mỏi của các “chiến sĩ” khoác áo blues trắng đã thu được kết quả đáng nể, tính tới 8h ngày 20/2, qua nhiều ngày liên tiếp, Hà Nội không ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm Covid-19. Tới chiều 21/2, bệnh nhân cuối cùng ở TP HCM cũng được xuất viện. Suốt nhiều ngày liên tiếp, Việt Nam không xuất hiện các ca nhiễm Covid-19.
Tất nhiên, nước ta vẫn chưa hết bệnh nhân nghi nhiễm cần cách ly, đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là khi Hàn Quốc chợt bùng phát trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất ngoài “ổ dịch” Vũ Hán… Nhưng người dân hoàn toàn có thể yên tâm với khả năng đối phó dịch của các y bác sĩ giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết tại Việt Nam, giống như lịch sử chống SARS hiệu quả cách đây 17 năm (2003).
Những nỗ lực của ngành y tế Việt Nam trong phòng, chống bệnh Covid-19 không chỉ giúp khống chế sự lây lan virus Corona trong cộng đồng. Và những kết quả này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO)-1 tổ chức chuyên về sức khỏe toàn cầu đánh giá cao. WHO đánh giá, năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi-bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ…- theo như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (IHR) (2005).