Báo cáo về công tác chuyên môn, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, bà Lê Thị Thu Hiền cho biết: “Về hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, hiện nay trên cả nước hiện có hơn 4 vạn di tích được đưa vào danh mục kiểm kê; 112 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 3.528 di tích quốc gia; hơn 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố; 8 di sản văn hoá và thiên nhiên được UNESCO ghi danh...
Về di sản văn hoá phi vật thể, có 63.141 di sản trên cả nước được kiểm kê, 340 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, 13 di sản được UNESCO ghi danh. Có 66 nghệ nhân được phân tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 1.121 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Liên quan đến các vấn đề về di tích, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá khẳng định, nhờ hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, việc kiểm kê, xếp hạng và đầu tư cho công tác tu tổ, tôn tạo di tích cũng như lập quy hoạch, dự án… ngày càng được thực hiện bài bản, tuân thủ nghiêm túc trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt.
Theo đó, chất lượng các hoạt động tu bổ di tích được nâng cao. Vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích ngày càng giảm và hầu như không còn để xảy ra những vi phạm lớn trong hoạt động. Việc làm việc với các cơ quan báo chí để thông tin chính xác các vấn đề di sản cũng đặc biệt được Cục quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Ngoài những công tác nêu trên, hoạt động về bảo tàng và di sản văn hoá phi vật thể cũng đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên song hành với các kết quả đã đạt được, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá đang phải đối mặt với nhiều bất cập. Cụ thể, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hoá giai đoạn 2016 – 2020 với 7 nội dung và nhiệm vụ chủ yếu.
Tuy nhiên đến nay, chương trình mới chỉ triển khai được một nội dung nhiệm vụ số 3 hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp di tích. Còn 6 nội dung nhiệm vụ như hỗ trợ đầu tư bảo tồn các di tích văn hoá mang tính chất tôn vinh, có ý nghĩa chính trị, các khu lưu niệm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xây dựng danh mục kiểm kê quốc gia và tổng kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể… vẫn chưa thực hiện được.
Các thành viên tham gia buổi làm việc cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguồn nhân lực quản lý di sản văn hoá chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực còn thiếu, nhất là các lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm chuyên sâu về bảo tồn, tu bổ di tích, nghiên cứu chuyên sâu về di sản văn hoá phi vật thể.
Các kiến trúc sư, lực lượng chủ chốt thực hiện tu bổ di tích chưa được tham gia sâu các khoá đào tạo chuyên môn hoá. Công tác đào tạo về bảo tồn, tu bổ di tích chỉ mới bắt đầu ở một số trường đại học.
Trước những khó khăn đó, Cục Di sản Văn hoá đề xuất tiếp tục được cho phép thực hiện nhiệm vụ tại Chương trình mục tiêu văn hoá giai đoạn 2016 – 2020 để giải quyết vấn đề nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều di sản văn hoá phi vật thể có nguy cơ mai một.
Ngoài ra, nhiều bảo tàng chưa có cở sở vật chất trưng bày, các bảo vật quốc gia quý chưa được bảo vệ và phát huy giá trị, giới thiệu đến công chúng… Hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường xã hội hoá trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Cục Di sản Văn hóa trong thời gian qua đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, đặc biệt có tầm nhìn chiến lược trong việc quản lý di sản, di tích. Từ đó, giúp di sản nói riêng và văn hóa nói chung trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bên cạnh đó, Cục cũng được xác định là một trong những đơn vị “xương sống” của Bộ VHTTDL nên cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các đơn vị, địa phương về quản lý di sản và các lĩnh vực liên quan được giao.
Một vấn đề khác được Thứ trưởng đặc biệt lưu ý là việc không để các địa phương chạy theo để được công nhận di tích. “Hoặc một khi đã được công nhận, xếp hạng, các địa phương lại để buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng di tích xuống cấp nghiêm trọng. Đáng buồn hơn cả, có địa phương tìm cách để được công nhận nhưng khi được công nhận, công tác quảng bá không được chú trọng để rồi ngay người dân bản địa cũng không hiểu gì về di tích. Trong thời gian tới, chúng ta cần có cơ chế, chính sách để giải quyết bài toán này. Yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý về di sản”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Để hệ thống pháp luật về di sản phù hợp với thực tế, tạo hành lang pháp lý vững chắc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di sản, bảo tàng… Thứ trưởng đề nghị Cục Di sản Văn hóa rà soát toàn bộ các văn bản. Những vấn đề còn vướng mắc, cần sớm báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội, các đơn vị liên quan để xem xét, bổ sung, giải quyết.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi ý thêm nếu điều kiện cho phép, Cục Di sản Văn hóa cần có đề xuất với các bên liên quan để thực hiện hồi hương cổ vật bởi đây đang là xu thế chung của các quốc gia phát triển.