5 góc nhìn về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

(Ngày Nay) - Cuộc cách mạng công nghệp lần thứ 4 (Fourth Industrial Revolution) hay CMCN 4.0  là một chủ đề lớn hiện nay.
5 góc nhìn về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Với kinh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Viễn thông và CNTT trên 20 năm; từng tham gia tư vấn chiến lược phát triển kinh doanh, công nghệ cho các tập đoàn và tổng công ty lớn của nhà nước, tác giả hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng nhằm nâng cao nhận thức về CMCN 4.0, xin phép trình bày 5 cách tiếp cận để hiểu CMCN 4.0 của Nicholas Davis trưởng bộ phận Xã hội và Đổi mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

1. Cuộc CMCN 4.0 là “làn sóng lớn tiếp theo" (the next big wave) của những hoạt động kinh tế và đổi mới. Liệu nó có thể chấm dứt việc chúng ta quá dựa dẫm vào nhiên liệu hóa thạch?

Nhờ sự gia tăng đáng kể các kết nối di động toàn cầu và việc tích hợp các cảm biến, robot và phân tích dữ liệu mạnh mẽ trong cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, chúng ta đang chứng kiến sự đột biến (emergence) của các công nghệ có khả năng thúc đẩy một chu kỳ kinh tế toàn cầu mới.

Sự phát triển này có thể rất sâu rộng. Chúng ta cũng phải đối mặt với những lo lắng mới hoặc dữ dội hơn so với các cuộc CMCN trước đây - đặc biệt là cách thức phân phối lợi ích, cách quản lý và cách đảm bảo rằng năng suất và hiệu quả ngày càng tăng dưới áp lực giảm phát và thất nghiệp trên diện rộng.

Nếu chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn phù hợp ở mức độ tập thể, lợi ích của làn sóng này có thể không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đối với con người, mà còn đối với môi trường. James Chin Moody và Bianca Nogrady mô tả trong tác phẩm (làn sóng thứ sáu ("The Sixth Wave"), “lần đầu tiên nhân loại có cơ hội sử dụng khả năng nâng cao của mình để theo dõi tài nguyên và thiết kế lại hệ thống sản xuất và tiêu dùng nhằm tạo ra những nền kinh tế dựa trên việc sử dụng hiệu quả nguồn lực thay vì là tiêu thụ tài nguyên”. Và do đó, dịch chuyển nhân loại ra khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch.

5 góc nhìn về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh 1

2. CMCN 4.0 là sự hội tụ của lĩnh vực kỹ thuật số, con người và vật chất

Một cách khác để dựng lên Cuộc CMCN 4.0 là đánh giá mức độ mà các công nghệ mới đang gây ra ở ba lĩnh vực trước đây tách biệt, nay hội tụ nhanh chóng trong tiến trình đầy thử thách cách mà chúng ta nhìn nhận thế giới.

Lĩnh vực đầu tiên là cuộc CMCN lần thứ ba - thế giới kỹ thuật số, hoặc có thể rộng hơn là "Vùng kỹ thuật" (Technosphere). Phần mềm đã phát triển từ một công cụ hữu ích dưới dạng bảng tính và các gói phân tích dữ liệu, như Marc Andreesen nói, đến việc "ăn cả thế giới" (eating the world). Nghĩa là có mặt len lỏi, sục sạo vào tất cả các mặt của đời sống nhân loại.

Lĩnh vực thứ hai là môi trường tự nhiên và vật chất xung quanh. Chúng ta nhận thức và kiểm soát nhiều hơn nhờ việc sử dụng cảm biến và sự mở rộng của "Internet of Things" (IoT) đã nhanh chóng số hóa thế giới vật lý. Nguồn dữ liệu liên tục từ hàng tỷ những đồ vật (things) liên quan cho chúng ta những cách thức mới để nhận thức và hiểu được các mô hình trong thế giới vật lý.

Lĩnh vực thứ ba là chúng ta với tư cách là con người - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu quá trình mà các công nghệ tương tác cá nhân trở nên phổ biến, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội thực sự cho sự hợp nhất và thích nghi của cơ thể chúng ta với công nghệ.

Sự hội tụ này trên khắp thế giới vật lý, kỹ thuật số và con người đang được định hướng không chỉ bởi các công nghệ mới mà còn bởi sự xuất hiện của các nền tảng và hệ thống tạo ra cơ hội cho người thử nghiệm với chúng ngày càng nhiều.

3. CMCN 4.0 là một sự đột phá cấu trúc quyền lực hiện có. Câu hỏi về việc ai giành được gì và ai là người mất còn lâu mới được xác lập.

"Quyền lực ở khắp mọi nơi: không phải là nó bao trùm tất cả mọi thứ, mà nó đến từ mọi nơi"-  Michel Foucault, Lịch sử Tình dục.

Tất cả các cuộc CMCN đều mang lại sự "đứt gãy" (disruption) về kinh tế, chính trị và xã hội. Cuộc CMCN 4.0 báo hiệu những thay đổi đáng kể ở doanh nghiệp, chính phủ, những phương tiện truyền thông và các tổ chức xã hội dân sự, những thiết chế đã thống trị thế giới trong những thập kỷ vừa qua.

Một trong những điểm nổi bật của thị trường hoá toàn cầu hóa, thị trường phi vật chất là khuynh hướng tưởng thưởng cho các "ngôi sao" - sản phẩm, cá nhân hoặc doanh nghiệp- nhờ may mắn hoặc tài năng đặc biệt thu hút sự chú ý sớm và rộng rãi của công chúng. Đồng thời, sự tồn tại của các nền tảng toàn cầu cho phép phân phối lợi ích như vậy bằng cách hạ thấp chi phí giao dịch và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những người sở hữu nền tảng và cơ sở hạ tầng liên quan, tạo ra mối quan tâm mới về sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa các quốc gia.

"Những khoảng cách kỹ thuật số" (“digital divides”) ngày càng gia tăng, càng trầm trọng thêm bởi các chính sách công đã vô tình hạn chế các luồng dữ liệu mở hoặc hạn chế nhập cư, tạo ra ngõ cụt (cul-de-sacs) trong sự đổi mới làm cho các quốc gia có thể nhanh chóng tụt lại phía sau. Và không rõ là việc bắt kịp sự đổi mới sẽ dễ dàng hơn trong cuộc CMCN 4.0 hay không? Nhiều quốc gia vẫn đang trong quá trình chuyển đổi của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây - sự chuyển đổi đáng kể trong sản xuất toàn cầu nhờ việc tự động hóa, rô bốt hóa và in ấn 3D có ý nghĩa gì đối với Ấn Độ, nơi 47% dân số vẫn làm việc trong ngành nông nghiệp hay ở Việt Nam, trên 60% vẫn đang sống ở nông thôn?

5 góc nhìn về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh 2 

Một lĩnh vực khác đang bị đứt gãy là quyền lực tương đối giữa các chính phủ và công dân. Việc sử dụng rộng rãi kỹ thuật số, phương tiện truyền thông, mật mã và các mạng cảm biến công cộng (GPS và hình ảnh vệ tinh) cho phép các công dân giám sát các tổ chức các chính phủ trong khi các phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu cho phép các phong trào mới đoàn kết, tổ chức và đổi mới nhằm gây ảnh hưởng và thậm chí tham dự vào chính sách công. Tuy nhiên, những công nghệ tương tự này cũng đang được nhiều chính phủ sử dụng để đàn áp người dân và thu hẹp “không gian dân sự” của công dân ở nhiều quốc gia, thường dưới chiêu bài an ninh quốc gia.

Một câu hỏi quan trọng trong cuộc CMCN 4.0 không phải là liệu quyền lực sẽ thay đổi, dịch chuyển hay không mà là đảm bảo rằng các thay đổi không thể tránh khỏi sẽ không vô tình tạo ra sự bất bình đẳng không thể quản lý hoặc các rủi ro về an ninh trọng yếu.

4. Cuộc CMCN 4.0 là một thay đổi cơ bản trong tương lai về công việc, giáo dục và kỹ năng. Nó không phải cuộc đối đầu giữa con người với máy ...

Một trong những tác động sâu sắc nhất của cuộc CMCN 4.0 là công việc gì mọi người sẽ làm và những kỹ năng gì cần có để thành công. Tất nhiên tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp đã làm chuyển dịch công việc một cách đáng kể - vào giữa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, vào năm 1900, 41% lực lượng lao động Mỹ  được sử dụng trong nông nghiệp. Tỷ lệ này đã giảm xuống còn 4% vào năm 1970 khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba cất cánh, và ít hơn 2% hiện nay.

Không nên quá gây sốc khi hai nhà nghiên cứu Oxford, Carl Benedikt Frey và Michael A Osborne ước tính 47% công việc của Hoa Kỳ có nguy cơ biến mất cao do những thay đổi đang diễn ra trong quá trình số hóa và tự động hóa. Những gì chưa từng có trong lịch sử là sự thay đổi này được dự đoán trong 20 năm tới trong một thế hệ chứ không phải ba hay bốn thế hệ công nhân, và tác động đến một phạm vi rộng hơn của các ngành công nghiệp.

Hai chiến lược hợp lý để chuẩn bị cho bản thân và con cái của chúng ta cho những thay đổi này.

Chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển các kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ và thiết kế để  trang bị cho con người khả năng làm việc cùng với những máy móc thông minh hơn, do đó được tăng cường hiệu quả hơn là bị thay thế bằng công nghệ.

Chiến lược thứ hai là tập trung nhiều hơn vào những phẩm chất làm cho chúng ta trở nên con người hơn so với máy móc, vô cảm ở thời điểm hiện nay, tương lai chưa rõ - đặc điểm của người như sự đồng cảm, cảm hứng, cảm giác thuộc về, sự sáng tạo và sự nhạy cảm.

5. CMCN 4.0 là động lực cho một bộ tiêu chuẩn mới về công nghệ và tính nhân văn. Chúng ta thay đổi công nghệ, công nghệ thay đổi chúng ta.

Một khung tham chiếu toàn diện có thể hữu ích trong việc hiểu được cuộc CMCN 4.0 bắt đầu từ quan điểm rằng công nghệ góp phần kiến tạo xã hội.

Bản thân từ "cách mạng", hoặc các ẩn dụ khác như "sóng", gợi lên hình ảnh về một lực lượng bên ngoài không thể cưỡng lại, ngoài tầm kiểm soát và đơn giản chúng ta phải chịu đựng. Điều này thật đáng xấu hổ nếu nó là một "tự sự chi phối" (dominant narrative) của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Sự thật là mỗi ngày chúng ta, với tư cách cá nhân, công dân, thành viên của gia đình và cộng đồng, lựa chọn áp dụng các công nghệ theo những cách mà CMCN 4.0 đang ảnh hưởng đến. Và những lựa chọn này đôi khi cần sử dụng sức mạnh của công nghệ hội tụ để làm nổi bật sự cần thiết phải phản tư,  dừng lại và thậm chí cần từ bỏ những công nghệ này.

Quyền ra quyết định này đặc biệt tập trung ở một số cá nhân và nhóm, bao gồm các công ty quản lý nền tảng kỹ thuật số toàn cầu và các chính phủ có khả năng kích hoạt hoặc ngăn chặn việc phát triển, thương mại hóa hoặc áp dụng các công nghệ mới này. Tuy nhiên, thực tế còn một quá trình đổi mới và sự khuếch tán của công nghệ là do sự dẫn dắt của một xã hội, và do đạo đức và các chuẩn mực luôn liên tục chảy và tất cả chúng ta đều dự phần.

Bằng cách tham gia sớm vào cuộc CMCN 4.0  trong đó công nghệ đang lan tỏa  khắp cơ thể, trí óc của chúng ta và thậm chí là các bộ gen theo những cách rõ ràng nhất, CMCN 4.0 đang đối mặt với chúng ta bằng việc nhận ra rằng chúng ta thay đổi công nghệ và công nghệ thay đổi chúng ta. Những thay đổi như vậy à cơ bản và không thể đảo ngược.

Thật may mắn, chúng ta vẫn đang ở thời điểm bắt đầu cuộc cách mạng này và do đó có cơ hội thảo luận, tranh luận và xác định các chuẩn mực mới và các nguyên tắc đạo đức để giúp chúng ta hướng tới những gì Giáo sư Schwab gọi là "một tinh thần tập thể và đạo đức tập thể mới dựa trên cảm thức cùng chia sẻ vận mệnh".

Để đạt được điều này, chúng ta cần phải làm việc cùng nhau trong các lĩnh vực, kỷ luật và tổ chức trong các mô hình hợp tác mới. Là tổ chức Hợp tác Công-Tư quốc tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang đầu tư để khám phá các quá trình điều khiển, tác động và cơ hội của CMCN 4.0 nhằm định hình quỹ đạo cho cuộc CMCN 4.0 để thực sự "cải thiện tình trạng của thế giới".

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.