Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2023), nhà báo Hà Đăng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản đã chia sẻ với Ngày Nay về những kỷ niệm khó quên khi ông còn là một thành viên thuộc phái đoàn Việt Nam tới Paris đàm phán.
____________________
Viết diễn văn là “làm dâu trăm họ”
Thưa nhà báo Hà Đăng, ông được biết đến là một trong những thành viên quan trọng của phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Paris năm 1973. Nhiệm vụ mà ông được giao khi đó là gì?
Nhà báo Hà Đăng: Tôi là thành viên thuộc Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời (CPCMLT) Cộng hòa miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn. Là một chuyên viên của đoàn, nhiệm vụ của tôi là soạn thảo và tham gia soạn thảo những bài diễn văn cho trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình.
Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc “nhận nhiệm vụ” là vào buổi chiều ngày 9/11/1968. Khi đó, tôi đang thả bộ bên gốc sấu lớn trong sân vườn Tòa soạn báo Nhân Dân (số 71 Hàng Trống) thì đồng chí Hoàng Tùng, Tổng Biên tập ngoắc tôi lại và bảo: “Anh phải chuẩn bị gấp để đi Paris”. “Để làm gì hả anh?”, tôi hỏi. “Làm phụ tá cho bà Bình”, anh Hoàng Tùng trả lời.
Thế có nghĩa là đến Paris đàm phán, tôi nghĩ trong đầu. Thấy tự hào và phấn khích vô cùng, nhưng vẫn có chút bất ngờ và lo âu. Lúc ấy, đang là Phó trưởng Ban miền Nam báo Nhân Dân, có thể nói tôi khá thuộc tình hình chiến sự tại miền Nam, nhưng thuộc để viết báo chứ đâu phải để đi đàm phán? Nhưng cấp trên đã tin tưởng giao cho mình trọng trách lớn như vậy, phải cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhất có thể nhiệm vụ
Nhà báo Hà Đăng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản. (Ảnh: Việt Khôi) |
Dường như không chỉ khi viết báo mà cả khi viết diễn văn cũng khó tránh khỏi tình cảnh “làm dâu trăm họ”, có đúng vậy không thưa ông?
Nhà báo Hà Đăng: Đúng thế. Mỗi bài diễn văn là một tác phẩm tập thể của cả đoàn. Ý kiến tập thể bao giờ cũng tốt, nhưng văn chương và cách thể hiện thì chín người mười ý. Nhiều chỗ người này khen, người kia lại chê và ngược lại. Bởi vậy nói tôi phải “làm dâu trăm họ” cũng không sai, vì được khen ít, chê nhiều.
Chẳng hạn như lần chị Đỗ Duy Liên, Ủy viên của Đoàn CPCMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam (sau này là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) góp ý rằng tôi viết hiền quá, phải viết sao cho thằng ngụy nó đau. Chị cắt từ báo Nhân Dân ra hai bài báo rồi đưa tôi tham khảo cách viết. Một bài là “Mười tội chết của bọn Thiệu - Kỳ”, bài còn lại là “Thằng Kỳ”. Nhưng chị không biết rằng, tôi chính là tác giả của hai bài báo đó! Tôi nói vui với chị: “Viết kiểu này là viết báo, tay nghề của tôi, không khó. Nhưng chúng ta đang viết văn bản đàm phán mà.”
Hay có lần một số thành viên trong đoàn miền Nam phê phán câu văn sau đây trong bài diễn văn tôi chuẩn bị: “Tội ác của giặc Mỹ dù có tát cạn nước sông Cửu Long cũng không rửa sạch” (lấy cảm hứng từ hai câu thơ trong bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa hết mùi”). Các đồng chí ấy bảo đây là văn phong báo chí, không dùng trong diễn văn đàm phán được. Tôi điềm tĩnh trả lời, câu đó do đồng chí Lê Đức Thọ thêm vào chứ không phải tôi, rồi đưa bản thảo cho mọi người xem. Mấy đồng chí nhìn nhau một lúc rồi gật gù bảo, ừ, câu này cũng hay đấy chứ!
Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong cuộc họp báo tại Paris. (Nguồn: Getty Images) |
Chủ động trong mọi tình huống
Ngày 18/12/1972, Mỹ đã “lật lọng” trắng trợn bằng việc triển khai chiến dịch Linebacker II, đưa máy bay B-52 ném bom toàn miền Bắc với mục tiêu chính là “đưa Hà Nội trở về với thời kỳ đồ đá”. Phái đoàn Việt Nam tại Paris khi đó có bất ngờ trước hành động này không? Và chúng ta đã phản ứng như thế nào, thưa ông?
Nhà báo Hà Đăng: Chuyện Mỹ ném bom toàn miền Bắc bằng B-52 có gây ra một chút bất ngờ, nhưng không nằm ngoài dự liệu của chúng ta. Vì trước đó, Mỹ đã bất chợt đòi chỉnh sửa 69 điều trong nội dung hiệp định theo yêu cầu của ngụy quyền Sài Gòn, dù dự thảo hiệp định đã được hai bên hoàn chỉnh và nhất trí ngày 20/10/1972. Tất nhiên, chúng ta không thể dự đoán chính xác thời điểm Mỹ ném bom là ngày nào, giờ nào… Nhưng quan điểm của chúng ta là một khi chưa ký hiệp định thì luôn phải cảnh giác và có phương án dự phòng, để không rơi vào thế bị động.
Không chỉ vậy, phái đoàn Mỹ sở hữu những nhà ngoại giao nhiều mánh khóe, mà điển hình là Henry Kissinger. Ông ta là một người rất thông minh, lanh lợi, khéo léo nhưng cũng đầy mưu mô, xảo quyệt. Nếu không tỉnh táo, có thể sập bẫy của Kissinger bất cứ lúc nào.
Tôi nhớ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng từng dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Do đã chuẩn bị trước trên cả mặt trận quân sự lẫn ngoại giao, nên chúng ta đã giành được chiến thắng rực rỡ “Điện Biên Phủ trên không” và buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Paris.
Theo nhà báo Hà Đăng, quan điểm của chúng ta là một khi chưa ký hiệp định thì luôn phải cảnh giác và có phương án dự phòng, để không rơi vào thế bị động. (Ảnh: Việt Khôi) |
Trong thời gian khoảng 5 năm (từ 1968-1973), Hiệp định Paris đã trải qua khoảng 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn. Theo ông, đâu là những câu hỏi hóc búa nhất mà phái đoàn Việt Nam nhận được từ báo chí quốc tế? Và chúng ta đã xử lý như thế nào?
Nhà báo Hà Đăng: Bên ngoài bàn đàm phán, mặt trận báo chí cũng thể hiện sự chủ động của phái đoàn Việt Nam trong mọi tình huống. Những người phụ trách công việc trả lời báo chí khi đó như Nguyễn Thành Lê, Xuân Thủy, Dương Đình Thảo, Lý Văn Sáu đều giỏi cả làm báo lẫn ngoại giao, nên không câu hỏi nào có thể làm khó được họ.
Khi chính quyền Sài Gòn triển khai chiến dịch Lam Sơn 719, cuộc đàm phán rơi vào bế tắc. Đồng chí Xuân Thủy, Trưởng Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở một bữa tiệc chiêu đãi, mời các nhân sĩ, trí thức Pháp và các nước khác tới dự, trong đó có nhiều nhà báo. Trong bữa tiệc, một nhà báo nổi tiếng của Pháp đã hỏi đồng chí Xuân Thủy: “Chúng tôi biết đây không phải là một cuộc họp báo, nhưng chúng tôi không thể trở về mà không có thông tin. Ông có thể cho biết tình hình chiến sự tại miền Nam Việt Nam đang diễn ra thế nào không?”. Đồng chí Xuân Thủy liền trích lại câu ví von của đồng chí Nguyễn Thành Lê: “Con kiến mà leo cành đa. Leo phải cành cụt leo ra leo vào. Con kiến mà leo cành đào. Leo phải cành cụt leo vào leo ra”. Nhà báo kia hỏi, vậy các ông là con kiến hay cái cành cụt? Đồng chí Xuân Thủy cười: “Chúng tôi không phải cái cành cụt, cũng chẳng phải con kiến”.
Hay có lần trong một cuộc họp báo, một nhà báo đã đưa ra tấm ảnh chụp bản đồ Việt Nam và hỏi đồng chí Lý Văn Sáu - người phát ngôn của Đoàn CPCMLT: “Các ông nói rằng mình đã giải phóng hai phần ba lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Ông có thể chỉ ra những khu vực đó trên tấm bản đồ này không?” Anh Sáu trả lời: “Đây cũng là vấn đề mà Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ rất quan tâm. Ông hãy về nghiên cứu xem họ đang ném bom ở đâu, thì đó chính là những vùng giải phóng của chúng tôi”. Có người còn táo bạo hỏi rằng: “Vậy trụ sở của Trung ương Cục miền Nam hiện đang nằm ở đâu?” Anh Sáu bình tĩnh “hóa giải”: “Trung ương Cục miền Nam nằm trong trái tim của người dân miền Nam nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung. Biết đâu giờ này Trung ương Cục miền Nam đang nằm ở ngay giữa Sài Gòn cũng nên!”.
Đó đều là những câu trả lời rất đúng, trúng và hay, thể hiện trí thông minh và tài ứng biến của các thành viên phái đoàn ta.
Ông Xuân Thủy tại Paris, Pháp vào ngày 10-5-1968. (Nguồn: Getty Images) |
Không thể thiếu sự ủng hộ của quần chúng
Khi hiệp định Paris diễn ra, đã có hàng ngàn cuộc biểu tình chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam trên toàn thế giới, góp phần rất quan trọng vào chiến thắng của chúng ta trên bàn đàm phán. Xin ông cho biết, phái đoàn Việt Nam tại Paris đã làm những gì để giúp chúng ta chiếm được sự ủng hộ của kiều bào tại Pháp và cộng đồng quốc tế?
Nhà báo Hà Đăng: Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương, phong trào phản chiến của người dân Pháp, mà cụ thể là Đảng Cộng sản Pháp (PCF) đã diễn ra rất mạnh mẽ. Sau này, khi Mỹ xâm lược Việt Nam, phong trào phản chiến ấy thậm chí còn dữ dội hơn trước bởi có thêm sự đóng góp của cộng đồng Việt kiều tại Pháp. Ngay cả ông Charles de Gaulle khi còn là Tổng thống Pháp cũng từng nói rằng, Pháp đã từng thua Việt Nam thì Mỹ cũng không thể thắng nổi Việt Nam đâu.
Tại Paris, phái đoàn ta đã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, ngoại giao nhân dân để ngày càng chiếm được nhiều sự ủng hộ từ người dân Pháp và kiều bào tại Pháp. Họ cũng đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần. Về vật chất, họ giúp đỡ về nơi ở, chi phí, nhân lực (cung cấp người phiên dịch, bác sĩ, lái xe…). Về tinh thần, họ nhiệt thành ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam và tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quan điểm của phái đoàn ta như những “cánh tay nối dài” đắc lực.
Việt kiều cùng bạn bè Pháp vẫy cờ trên đường phố chung quanh Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber vào ngày ký kết Hiệp định Paris. (Ảnh: Lê Tấn Xuân) |
Việt kiều ở Paris hoan nghênh Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết năm 1973. (Ảnh tư liệu) |
Phía bên kia, phái đoàn của chính quyền Sài Gòn cũng tranh thủ vận động quần chúng, nhưng sức ảnh hưởng và lan tỏa thua xa phái đoàn ta. Thậm chí sau này, những lập trường, quan điểm của chúng ta còn cảm hóa được nhiều người ủng hộ chính quyền Sài Gòn hoặc thuộc “lực lượng thứ ba” (một lực lượng chính trị độc lập ở miền Nam Việt Nam, không đi theo chính quyền Sài Gòn hay CPCMLT).
Nói vậy để thấy bên cạnh những chiến thắng trên chiến trường và trên bàn đàm phán, thì các thành tựu trong công tác vận động quần chúng cũng đóng góp rất nhiều vào thành công của Hiệp định Paris. Nếu không có sự ủng hộ lớn lao từ nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, chưa chắc Hiệp định Paris đã có một kết cục tốt đẹp như vậy.
Xin chân thành cảm ơn nhà báo Hà Đăng!