Chiến đấu cơ Su-35
Sukhoi Su-35 Flanker-E (Su-35) là máy bay tiêm kích đa năng hạng nặng, được Nga phát triển từ dòng Su-30 MKI.
Máy bay Sukhoi Su-35 Flanker-E hiện đang là chiến đấu cơ hiện đại nhất đang được biên chế trong quân đội Nga.
Su-35 có chiều dài 21,9m, sải cánh rộng 15,3m và cao 5,9m. Trọng lượng rỗng của nó là 17.500 kg, trong khi trọng lượng tối đa (tức nó có thể mang theo các loại vũ khí) khi cất cánh là 34.500 kg.
Su-35 được trang bị 2 động cơ AL-35F, có lực đẩy 7.600 kg trên mỗi động cơ, có thể đạt vận tốc cực đại 2.500 km/h, tầm bay 3.600km, trần bay 18.000m, vận tốc lên cao là 280 m/s.
Ngoài ra khả năng mang vũ khí của chiến đấu cơ này cũng rất đa dạng bao gồm: 1 pháo GSh 30mm với 150 viên đạn, tên lửa không đối không R-73 và thân được trang bị các tên lửa không đối không AA-10, AA-11, AA-12, hay các tên lửa chống hạm AS-13, AS-14, AS-15, AS-17, hoặc các loại bom như KAB-500L, KAB-1500 và FAB-100.
Máy bay cường kích Su-34
Sukhoi Su-34 là loại máy bay chiến đấu, ném bom và tấn công tiên tiến của Nga. Máy bay có 2 chỗ ngồi và đây là lần đầu tiên được Nga đưa vào thực chiến tại Syria.
Ngoài những đặc tính nổi trội kế thừa từ chiếc Su-24, Su-34 còn có khả năng tự vệ cao bằng tên lửa không đối không – tức hiện đại hơn, cũng như được trang bị nhiều loại vũ khí đa dạng, như súng cối GSh-30-1 30mm, tên lửa chống hạm và bom các loại.
Ngoài ra, Su-34 còn được trang bị một hệ thống radar đối mặt phía sau, cung cấp cảnh báo sớm khi bị đe dọa tiếp cận.
Nhìn chung, Su-34 được thiết kế theo yêu cầu của một máy bay ném bom tiền tuyến. Nó có tải trọng vũ khí lớn, buồng lái được bọc giáp vững chắc, có thể tiến hành tiếp dầu trên không và có tầm bay rất xa.
Khi cận chiến, Su-34 sử dụng tên lửa R-73, nhưng khi tấn công các mục tiêu tầm xa, nó sẽ dùng tên lửa R-77.
Tên lửa hành trình Kalibr
Tên lửa hành trình Kalibr 3M-14T (được NATO định danh là SS-N-30A) là vũ khí tấn công mặt đất dẫn đường chính xác được sử dụng trên các tàu chiến mặt nước của hải quân Nga. Tên lửa dài 8,9 mét, có đầu đạn nặng 450 kg, có thể bay với tốc độ cận âm Mach 0,8 (980 km/h) và tầm bắn 1.500-2.500 km.
Tên lửa hành trình Kalibr sử dụng các hệ thống dẫn đường bằng định vị vệ tinh Glonass, dẫn đường quán tính và radar chủ động ARGS-14E, giúp nó bay sát mặt đất ở độ cao 50 mét, tự điều chỉnh đường đi dựa theo địa hình để tránh sự phát hiện của radar đối phương và có thể đánh trúng mục tiêu với độ sai lệch dưới ba mét.
Tên lửa Kalibr vốn được phát triển từ tên lửa hành trình chiến lược KS-122 thời Liên Xô cũ, nhưng đã hoàn thiện nhiều tính năng, có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền cũng như tàu chiến trên mặt nước.
Tên lửa này dùng 2 hệ thống phóng Kalibr-PL và Kalibr-NK, lần lượt được trang bị trên tàu ngầm và tàu nổi, với 2 phiên bản là 3M-54/3M54T và 3M-14/3M-14T, dùng để chống hạm và tấn công mặt đất.
“Thiên nga trắng” Tu-160
Tupolev Tu-160 là một máy bay ném bom hạng nặng, siêu thanh với cánh có thể thay đổi hình dạng, được thiết kế bởi Liên bang Xô viết. Nó là bản thiết kế máy bay ném bom chiến lược cuối cùng của Liên Xô và là máy bay chiến đấu lớn nhất từng được chế tạo. Nó có khả năng bay xa 14.000km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Cho tới năm 2015, Tu-160 vẫn giữ kỷ lục là máy bay lớn nhất trong lịch sử máy bay quân sự có thể bay siêu thanh, cũng là chiến đấu cơ to lớn nhất thế giới, với trọng lượng cất cánh tối đa đạt tới 275 tấn. Tu-160 còn là máy bay ném bom có tốc độ cao nhất (đạt 2.000 km/h)
Các máy bay Tu-160 đã tiêu diệt nhiều mục tiêu của IS bằng các vũ khí thông thường, như bom dẫn đường KAB-500, tên lửa dẫn đường bằng laser Kh-29L và tên lửa hành trình phóng từ máy bay Kh-101.
Xe tăng T-90
Xe tăng chiến tranh chủ lực T-90 là một trong những loại xe tăng hiện đại nhất của quân đội Nga, được sản xuất với số lượng ít vào năm 1993 và chính thức phục vụ trong quân đội Nga năm 1995.
Mặc dù chỉ là giải pháp tình thế, T-90 đã nhanh chóng trở thành mẫu tăng chủ lực của quân đội Nga và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
T-90 đã được trang bị 10 chiếc cho quân đội Syria. Xe tăng này được gắn hệ thống phòng thủ chủ động quang điện gây nhiễu Shtora-1 để chống lại các tên lửa dẫn đường bằng laser, hồng ngoại cũng như gây rối các hệ thống hiển thị mục tiêu.
Ngoài ra T-90 còn được trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-5, giúp cho xe tăng này gần như sẽ vô hiệu hóa mọi loại đạn APFSDS mới nhất và tên lửa chống tăng.
Ngay cả tên lửa TOW hiện đại của Mỹ khi bắn trúng T-90 vài ngày trước ở miền tây Aleppo cũng không khiến cho "pháo đài" này gặp nhiều tổn hại.
Hệ thống pháo phản lực bắn theo loạt TOS-1A Solntsepyok
TOS-1A Solntsepyok là hệ thống pháo phản lực có biệt danh “Mặt trời chói sáng”, là hệ thống có khả năng phóng nhiều tên lửa cùng một lúc. Nó được thiết kế đặc biệt để đánh bại đối thủ ẩn trong những công sự kiên cố, khu vực hiểm trở mà các phương tiện như xe tăng, xe bọc thép không thể tiếp cận.
Hệ thống pháo phản lực hạng nặng TOS-1A gồm hai phần chính là xe chiến đấu BM-1 trang bị giá phóng có thể xoay đổi hướng và hai xe tiếp đạn TZM-T. Xe tiếp đạn TZM-T cũng được thiết kế trên xe tăng loại T-72A, trang bị cần cẩu nhỏ, mỗi xe mang được hai cụm đạn tên lửa và 400 lít nhiên liệu cho xe BM1.
TOS-1A Solntsepyok hoạt động hiệu quả nhất trong phạm vi 3-4 km, sử dụng các tên lửa có sức công phá lớn và các đầu đạn pháo cỡ nhỏ nhưng tạo ra những đợt sóng âm “rung lắc” mạnh, làm sụp đổ các boongke.
J.K