Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang Quốc hội sáng 18/11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói cho hay Luật về hội, Luật biểu tình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 đã được tuyệt đại đa số các đại biểu đồng ý lùi lại.
Đối với Luật về hội, ông Phúc nói: “Chúng tôi đã xin ý kiến đại biểu rồi. Hiện nay còn nhiều vấn đề Quốc hội thấy cần bàn tiếp”.
- Thưa ông, vậy những vấn đề gì Quốc hội thấy cần bàn tiếp?
- Nhiều vấn đề lắm. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, chúng ta thấy chưa có sự đồng thuận về dự luật này. Ví dụ những vấn đề liên quan đến các tổ chức phi Chính phủ, rồi vấn đề tài chính của hội, thủ tục thành lập hội… Quốc hội thấy cần phải bàn tiếp cho kỹ hơn.
- Nếu không thông qua được Luật về hội thì định hướng từ năm 2017 các hội hoạt động theo phương thức tự trang trải, tự quyết định… sẽ thế nào? Các hội đang được cấp phát kinh phí sẽ tiếp tục được cấp phát?
- Các quy định hiện nay về cấp phát kinh phí sẽ vẫn giữa nguyên. Đang tồn tại như thế nào thì vẫn như thế. Khi có luật mới thì tất cả quy định về Hội sẽ theo luật mới.
Bây giờ Quốc hội đang bàn đến các luật trên tinh thần phải đảm bảo chất lượng. Những luật nào thấy chưa đảm bảo chất lượng được, cần phải bàn tiếp thì tiếp tục bàn, đến khi nào đảm bảo chất lượng, Quốc hội đồng ý cao thì mới thông qua.
- Vậy Quốc hội đã dừng lại những luật nào, thưa ông?
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 và Luật về hội. Hai luật này được giao lại cho Chính phủ tiến hành bổ sung, hoàn thiện, sau đó trình lại tại kỳ họp sau.
- Cụ thể Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu ra sao?
- Đối với những luật mà đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau, ví dụ như mới hôm qua là Luật sửa đổi, bổ sung danh mục về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật này chắc sẽ xin ý kiến các đại biểu. Còn Luật về hội và Luật biểu tình thì xin ý kiến rồi, trên 90% đại biểu đề nghị dừng lại.
Cụ thể thì có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 có 97% đại biểu đề nghị dừng, Luật về hội 96%. Các đại biểu đều đề nghị lui lại kỳ sau để bàn thật kỹ, chuẩn bị cả đánh giá tác động của những của các dự luật này.
“Chưa nhất thiết thông qua”
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định như trên về dự luật sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được Quốc hội thảo luận chiều 17/11.
“Quốc hội vừa thảo luận luật này ngày hôm qua nên chưa kịp xin ý kiến đại biểu” - ông Phúc cho hay.
Ông Phúc khẳng định dự luật này chắc chắn phải xin ý kiến đại biểu xem có thông qua hay không. Hơn nữa, theo ông Phúc, đây cũng chưa phải là vấn đề bức xúc và nếu luật này chưa thông qua thì cũng chưa ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh.
Mặc dù không khẳng định dự luật này có được thông qua hay không vì đó là quyền của đại biểu nhưng ông Phúc cho rằng: “Nên để lại để làm cho kỹ”.
Theo Pháp Luật TP.HCM