Vụ nổ lớn xảy ra vào khoảng 15h10, ngày 19/3, tại vỉa hè TT9 khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, thành phố Hà Nội, nguyên nhân được xác định là do anh Phạm Văn Cường (41 tuổi, quê ở huyện Nam Trực, Nam Định - chủ cơ sở mua bán phế liệu) dùng đèn khò cắt một khối kim loại hình trụ nghi giống bom nên đã gây ra vụ nổ khiến nhiều người thương vong và thiệt hại nặng về tài sản, nhà cửa.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, vụ nổ này khiến 4 người tử vong, nhiều người bị thương, hơn 140 căn hộ bị ảnh hưởng. Có đến 95 căn hộ bị vỡ kính, rung chấn làm bung cửa, nứt tường. Đó là chưa kể nhiều gia đình bị hỏng hóc toàn bộ hệ thống đèn điện, tivi, điều hòa…Một số cơ sở kinh doanh gần khu vực xảy ra vụ nổ bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng hàng hóa có giá trị.
Trước vụ việc nghiêm trọng trên, nhiều người đặt ra câu hỏi người gây ra vụ nổ trên (anh Cường đã mất) có bị truy tố? Và những nạn nhân trong vụ tai nạn trên có được đền bù?
Vụ nổ để lại những hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Trí thức trẻ
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ trên báo Trí thức trẻ, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định vật gây nổ là vật có chất liệu nổ thường được dùng để chế tạo bom, mìn. Theo Điều 232 Bộ luật hình sự, người sử dụng vật liệu nổ có dấu hiệu của tội "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Tuy nhiên do người gây ra vụ nổ đã chết nên theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án.
Về vấn đề các nạn nhân trong vụ tai nạn có được đền bù hay không, báo Vnexpress dẫn lời luật sư Vũ Tiến Vinh, giám đốc Công ty Luật Bảo An, người gây thiệt hại trong vụ việc đã chết nên pháp luật quy định những người được hưởng thừa kế của người gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi thường trong phạm vi giá trị tài sản của người đã chết để lại.
Đồng quan điểm với luật sư Vinh, luật sư Thanh cũng cho hay: “Căn cứ vào Điều 637 Bộ luật Dân sự quy định về ‘Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại’ thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Theo luật sư Thanh, trước mắt nạn nhân và gia đình các nạn nhân có thể đề nghị cơ quan chức năng xác định di sản của ông Phạm Văn Cường để lại sau đó làm việc với những người thừa kế của ông Cường để giải quyết những vấn đề liên quan bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Về nhiệm trách nhiệm bồi thường của cơ quan quản lý có liên quan, luật sư Thanh cũng cho biết, hiện tại chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm trong việc quản lý khối vật liệu nổ mà ông Cường đã sử dụng để gây nên vụ nổ. Do đó, tạm thời, chưa thể xác định trách nhiệm bồi thường của cơ quan quản lý có liên quan.
Nói về việc nạn nhân trong vụ nổ sẽ được bồi thương bao nhiêu, luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết , theo quy định tại Điều 605 Bộ luật Dân sự, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền mặt, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc.
Việc bồi thường có thể thực hiện một lần hoặc nhiều lần. Người gây thiệt hại cũng có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
Nếu hai bên không thể thỏa thuận thì bên thiệt hại sẽ có quyền khởi kiện vụ án dân sự đối với những người thừa kế để yêu cầu tòa án xét xử theo luật định.
Quỳnh Mai (t/h)