Trong năm 2022, Bảo tàng Seattle NFT (SNFTM) sẽ chính thức đi vào hoạt động. Địa điểm này được xem như không gian vật lý đầu tiên dùng để trưng bày các tác phẩm thuộc nghệ thuật kỹ thuật số và NFT. Bảo tàng được thành lập bởi các doanh nhân địa phương là Jennifer Wong và Peter Hamilton. Điều đặc biệt là cả hai vị mạnh thường quân này, đều đến từ các công ty công nghệ chứ không phải giới nghệ thuật.
Nhờ mối liên kết với tập đoàn Samsung, không gian triển lãm - tọa lạc tại quận Belltown thời thượng của Seattle - được trang bị 30 màn hình kỹ thuật số với độ trung thực cao, nhằm hiển thị các tác phẩm kỹ thuật số được chủ sở hữu cho mượn hoặc từ các nghệ sĩ chủ yếu sinh sống tại Seattle.
Một câu hỏi đang được công chúng đặt ngay trước giờ bảo tàng mở cửa là tại sao phải xây dựng một không gian thuần vật lý cho nghệ thuật kỹ thuật số? Những tác phẩm được tạo ra và tồn tại trên mạng internet có nên được trưng bày trong các bảo tàng theo hình thức truyền thống hay không? Trong khi trước đó, từng có nhiều bảo tàng ảo đã được tổ chức trên không gian mạng, dù hình thức giống với sàn giao dịch hơn là nơi trưng bày.
Và câu trả lời cho những vấn đề trên, thực ra lại liên quan nhiều đến thế giới nghệ thuật truyền thống hơn là kỹ thuật số như đám đông thường mặc định. Bởi cả hai loại hình này đều có những đòi hòi về sự thẩm định giá trị.
Cụ thể, trong thế giới nghệ thuật từ xưa đến nay, đã có cả một cấu trúc hậu thuẫn việc thẩm định, bảo tồn và giới thiệu tác phẩm thông qua các học giả, giám tuyển, nhà phê bình, nhà sưu tầm, viện bảo tàng cùng các phòng trưng bày nghệ thuật. Họ chính là “những người gác cổng” và ý kiến của họ quan trọng trong việc định giá tác phẩm hay nghệ sĩ. Đồng thời, cấu trúc trên cũng thiết lập nên hệ thống quy điển cho lĩnh vực nghệ thuật trong hàng trăm năm qua.
Nhưng với sự bùng nổ đột ngột của NFT, loại hình nghệ thuật này đã lan tỏa nhanh đến mức không có bất cứ cấu trúc nào đủ thời gian để xây dựng. Dù từng xuất hiện một số nhà sưu tầm NFT, nhưng kinh nghiệm của những người này chỉ gói gọn trong một vài năm trở lại đây. Trong khi đó, rất ít người trong đội ngũ những nhà sử học về nghệ thuật, giám tuyển, nhà trưng bày có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ. Từ đây cho thấy, rất khó tìm được các chuyên gia sở hữu cái nhìn sâu sắc về nghệ thuật số, nhận biết điều gì là quan trọng, xu hướng nào sẽ biến mất trong tương lai.
Không gian bên ngoài của Bảo tàng Seattle NFT. Ảnh: The Seattle Times. |
Sự vắng mặt của những người gác cổng vốn được tôn vinh trong thế giới ảo. Nó cho phép giới nghệ sĩ phá vỡ quy tắc truyền thống trong quá trình sáng tác, trưng bày cũng như trao đổi tác phẩm với các nhà sưu tầm.
Tuy nhiên, câu chuyện minh định các giá trị sớm hay muộn cũng sẽ được đặt ra với nghệ thuật trực tuyến. Bởi dần dà công chúng sẽ nhận ra phần đa tác phẩm của các nghệ sĩ kỹ thuật số đầy rẫy ngoài kia, đều có chất lượng khá khủng khiếp, chỉ một số ít là tốt và đáng giá. Nên nếu mức giá chỉ là vài trăm đô la, khi tác phẩm mất hết giá trị cũng không gây thiệt hại gì đáng kể. Nhưng với mức giá được bơm lên ngất ngưởng như hiện tại, các nhà sưu tầm có thể bị mất một số tiền khổng lồ khi thị trường dần nguội lạnh. Đáng tiếc là điều này chắc chắn sẽ xảy ra.
Đến đây, câu hỏi một lần nữa quay về với việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm thẩm định tác phẩm kỹ thuật số? Trong hiện tại, ngày càng có nhiều phòng trưng bày tham gia vào hoạt động kiến tạo một cấu trúc đảm bảo tính bền vững của lĩnh vực này. Nhưng hành động trên càng chứng tỏ sự phản chiếu rõ rệt tính chất của thế giới nghệ thuật truyền thống, vốn bị coi là đã lạc hậu, lên hình thái nghệ thuật mới của thế giới số.