Gần 80 tuổi, nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm vẫn lặng lẽ dìu dắt nhóm nhạc hợp ca Hy vọng, nhóm hợp ca của những người khiếm thị. Ông muốn, sẽ tiếp tục đào tạo được thêm những người khuyết tật có năng khiếu âm nhạc để các em tự tin, hòa nhập cộng đồng.
______________________________
Gần 30 phút biểu diễn trong sự kiện ra mắt Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng (NICE), được tổ chức vào ngày 15/12 Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, ban nhạc Hi vọng đã chinh phục hoàn toàn những khách mời có mặt tại khán phòng ngày hôm đó.
Theo kịch bản, nhóm chỉ trình diễn 2 bài hát nhưng khán giả vỗ tay không ngớt, Hy vọng đã “phiêu” thêm 3 bài với sự hứng khởi cao độ.
Nhạc sĩ Tôn Thất Triêm, người quản lý, đồng hành cùng Hy vọng khi phát biểu cám ơn khán giả, ông đã nói gần như lạc giọng, đã rất lâu rồi, từ khi dịch bệnh COVID xảy ra, hôm nay ông cùng nhóm nhạc mới có một buổi biểu diễn hoành tráng, giàu cảm xúc và sung sướng thế này. Các thành viên của Hy vọng, dù không có được đôi mắt nhưng vẫn luôn nhớ sân khấu, nhớ tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả, như hôm nay.
Hợp ca, ban nhạc Hy vọng ra đời cách đây gần 20 năm. Đó là một ban nhạc đặc biệt với 7 thành viên khiếm thị đến từ trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Gần 20 năm qua, với sự dìu dắt của nhạc sĩ Tôn Thất Triêm, Hy vọng đã có thêm rất nhiều hy vọng, họ vượt qua khó khăn, thách thức để có cùng nhau hàng ngàn buổi diễn lớn, nhỏ.
Để có những show diễn xuất thần, gây được ấn tượng sâu sắc với những vị khách nước ngoài trong sự kiện kể trên, nhóm Hy vọng đã phải tập đi tập lại hàng tháng trời. Nhờ khả năng lao động quên mình và cả khả năng tập trung cao độ mà người thường không có được.
Nhạc sĩ Tôn Thất Triêm cho tôi xem từng bức ảnh ghi lại những buổi biểu diễn đáng nhớ nhất, ông liên tục thuyết minh, đây là hôm biểu diễn nhân dịp quốc khánh Srilanka, bức này chụp hôm diễn nhân dịp quốc khánh Mỹ, tiếp theo là Đức, Pháp, đây là show diễn nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đây là thư của đại sứ quán các nước gửi tới cảm ơn sau khi nhóm diễn xong…
Nhạc sĩ Triêm trích đọc thư của ông Michael W.Marine, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Bức thư này được gửi tới nhạc sĩ Triêm năm 2006, nhưng đến giờ nhạc sĩ vẫn giữ gìn cẩn thận để thi thoảng giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp của mình, bởi theo ông, lá thư rất tình cảm, chân thành:
Ông Michael W.Marine, viết: “Nhờ sự bền bỉ, kiên trì và quá trình lao động nghệ thuật mệt nhọc, các chàng trai, cô gái bị khuyết tật đã vượt qua được những rào cản lớn để khẳng định một cách thuyết phục rằng, tiềm năng của con người là vô tận. Tôi có một thông điệp đặc biệt dành cho những nhạc công, ca sĩ tối nay: Các bạn là những sứ giả văn hóa. Ban nhạc của các bạn đã được ghi nhận rộng rãi vì đã tạo ra nhịp đập chung với nhiều khan giả cuồng nhiệt. Thưa Giáo sư Tôn Thất Triêm, ông đang làm những điều kỳ diệu bằng cách tăng cường hiểu biết lẫn nhau ở mọi cấp độ thông qua văn hóa và nghệ thuật biểu diễn. Tôi nghiêng mình trước những nỗ lực của ông. Xin ông hãy tiếp tục công việc tốt đẹp này”.
Nhạc sĩ Triêm hồi tưởng, để Hy vọng biểu diễn được chuyên nghiệp như hôm nay, là một hành trình rất vất vả. Đám trẻ đến từ khắp nơi, có đứa nhà ở Bắc Ninh, có đứa từ mãi Phú Xuyên (Hà Nội), đứa lại Vĩnh Phúc... nhưng chỉ cần nhận được lịch tập, kịch biểu diễn thì tất cả đều có mặt đúng giờ, bất kể đó là ngày đông giá buốt hay mùa hè nắng cháy da.
Thời gian đầu, khi tổ chức những buổi tập luyện, do kinh phí thiếu thốn, cả thày và trò đều phải húp vội những ăn mì tôm không người lái, nhìn học trò hồn nhiên san sẻ sự khó khăn, nhạc sĩ Triêm đã không ít lần rơi nước mắt.
Ông thường động viên học trò của mình, âm nhạc, nghệ thuật giờ đây là con đường lớn để các con bước ra ánh sáng, khẳng định giá trị của mình với cuộc đời. Nên dù có khó đến mấy thì cũng phải gắng mà học. Đừng nghĩ rằng âm nhạc là cuộc dạo chơi. Không, để thành công với âm nhạc, với nghệ thuật thì bất kỳ ai cũng phải vắt sức ra lao động. Mỗi buổi biểu diễn các con luôn phải coi đó như buổi biểu diễn cuối cùng của cuộc đời mình. Chỉ có dành toàn tâm toàn ý cho âm nhạc, các con mới thành công, được người đời ghi nhận, không phải chịu những ánh mắt thương hại hoặc khinh thường của nhiều người.
Tôi hỏi nhạc sĩ Triêm, trong giới nghệ sĩ hàn lâm của Việt Nam, ông rất nổi tiếng. Tôn Thất Triêm là một trong những nghệ sĩ piano hiếm hoi trong nước sở hữu nhiều giải thưởng danh giá của quốc tế, nếu ông chọn con đường khác, không đồng hành cùng Hy vọng - nhóm nhạc của những người khuyết tật, có lẽ hành trình sẽ đỡ vất vả, sẽ hanh thông hơn rất nhiều. Và chắc chắn cũng không ai trách nhạc sĩ khi ông chỉ chuyên tâm vào âm nhạc hàn lâm của mình.
Nhạc sĩ Triêm lặng đi đôi chút, ông trả lời, tôi là nhạc sĩ lớn lên và trưởng thành trong thời chiến. Những năm lăn lộn trong chiến trường để hát cho bộ đội, cho người dân, tôi hiểu, âm nhạc luôn là món quà vô giá mà thượng đế đã dành tặng cho con người. Có âm nhạc, những người dân vùng chiến sự tạm quên đi được những điều thống khổ, những mất mát, hy sinh mà họ phải gánh chịu trong đằng đẵng nhiều năm trời. Âm nhạc cũng có thể xoa dịu, vỗ về tâm hồn cho những người lính chiến, đặc biệt là những thương binh.
Tôi đã từng đánh đàn, bản Hát ru của Tchaikovski trong một trại điều dưỡng thương binh nặng. Khi chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trong đôi mắt của những chiến sĩ mù lòa, lòng tôi thực sự như quặn thắt. Tôi hiểu, âm nhạc, tiếng đàn của tôi đã chạm tới trái tim của họ, đã đánh thức những ước mơ rất đỗi bình thường của những người lính chiến đó, họ mơ về một mái nhà, về người vợ, về những đứa trẻ…
Vậy đó, tôi chọn cho mình hành trình cùng những người khiếm thị là như vậy. Với họ, âm nhạc là ánh sáng, là ước mơ và hy vọng. Được đồng hành cùng Hy vọng, đó cũng là niềm vui, là sự hãnh diện mà không phải bất kỳ nhạc sĩ nào cũng có cơ duyên gặp được.
Bài: Việt Hoàng
Thiết kế: Mẫn San