Âm nhạc và sức mạnh của Ngôn từ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Khi bạn hỏi một người về lý do vì sao họ lại hâm mộ nhiệt thành một ca sĩ, nhạc sĩ, thần tượng, sẽ có vô vàn những câu trả lời khác nhau. Và câu trả lời phổ biến trong số đó chính là: “Âm nhạc của họ đã cứu rỗi tôi.” 
Một người hâm mộ giơ cao tấm biển ghi “Âm nhạc của bạn đã cứu lấy tôi” trong một buổi hòa nhạc.
Một người hâm mộ giơ cao tấm biển ghi “Âm nhạc của bạn đã cứu lấy tôi” trong một buổi hòa nhạc.

Có bao nhiêu người trong chúng ta thật sự coi trọng sự kỳ diệu của âm nhạc, của lyrics (lời ca), và sức ảnh hưởng của chúng? Và bao nhiêu người thì sẽ bật cười vì câu trả lời có phần “tiểu thuyết hóa” những thần tượng, ca sĩ mang vẻ ngoài hào nhoáng kia?

Xem nhẹ một sở thích, hay thần tượng của bất cứ ai, thực ra cũng không khác gì xem nhẹ sức khỏe tâm thần (hay mental health, sức khỏe tinh thần) của người đó. Nếu bạn tin rằng việc nghe những điều tiêu cực, mắng nhiếc, bạo lực tinh thần trong thời gian dài sẽ khiến một người có thể tự ti và gục ngã, tại sao bạn lại không tin việc lắng nghe những lời hát “chữa lành” có thể khiến người đó trở nên tốt đẹp, sống yêu đời và sôi nổi? Về cơ bản, chúng hoạt động trên cùng một nguyên lý: tận dụng Sức mạnh của Ngôn từ.

Ánh sáng có thể xóa đi hàng ngàn năm bóng tối (“Nhất đăng năng trừ thiên niên ám”, trích Pháp Bảo Đàn). Chỉ một ngọn đèn bé nhỏ cũng đủ sức cắt vào bóng tối của những hang động xa xôi không ánh mặt trời. Sức mạnh của Ngôn từ cũng vậy, một lời nói có thể chữa lành vết thương của người khác, theo một cách chân thành và kỳ diệu nhất.

Những lời khích lệ

Khi nói đến “Trí tuệ của Phật gia”, người ta thường nhắc đến “mũi tên thứ hai” ám chỉ những giày vò tâm lý trước những bất hạnh xảy ra trong đời. Hãy coi biến cố đến với chúng ta là mũi tên đầu tiên, khi bị trúng phải mũi tên đó, chúng ta quả là không may mắn và chỉ có thể “đau đớn đón nhận”. Nhưng mũi tên thứ hai mang tên sợ hãi, lo lắng, hối hận hay tuyệt vọng thì khác, đó là mũi tên do chúng ta tự bắn vào chính mình.

Cố giáo sư Lim Sewon, bác sĩ tâm thần tại bệnh viện Kang Buk Samsung, Tổng Biên tập của Tạp chí Anxiety and Mood – Tạp chí của Hiệp hội Y học Hàn Quốc về chứng lo âu cho biết: “Một cách để có thể tránh được ‘mũi tên thứ hai’, đó chính là tử tế với bản thân mình.”

Khi BTS, nhóm nhạc nam đến từ Hàn Quốc chọn lựa thông điệp “Love Yourself” (Yêu thương bản thân) làm chủ đề xuyên suốt cho chuỗi ba album “Love Yourself: Her”, “Love Yourself: Tear” và “Love Yourself: Answer”, đã có nhiều ý kiến cho rằng liệu đây có phải một lựa chọn có phần hơi “sách vở”. Thế nhưng, nội việc nghe đi nghe lại những lời hát hàng ngày đã biến những ca từ trở thành “thần chú” đầy sức mạnh đối với người lắng nghe, và cụ thể ở đây là những người hâm mộ của nhóm nhạc.

“Có lẽ so với việc yêu ai khác, yêu bản thân còn khó khăn hơn. Hãy thành thật, phải chăng những tiêu chuẩn cậu đưa ra cho chính mình quá khắt khe? […] Hãy bao dung hơn nhé. Cuộc sống còn rất dài, tin tưởng bản thân hơn một chút. Khi mùa đông qua đi, xuân sẽ lại về.

[…] Tôi của ngày hôm qua, tôi của hôm nay và tôi của mai sau, không loại trừ, không bỏ sót, tất cả đều là ‘tôi’. Tôi đang học cách yêu lấy chính mình.”

Trích ca khúc “Answer: Love Myself” – BTS (tạm dịch: “Đáp án: Yêu lấy chính mình”)

Âm nhạc và sức mạnh của Ngôn từ ảnh 1
Âm nhạc và sức mạnh của Ngôn từ ảnh 2

Ngày 01/11/2017, BTS đã trở thành nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên khởi xướng chiến dịch “Love Myself” (Yêu lấy chính mình). 3% doanh thu từ việc bán album của series “Love Yourself” cùng với 100% thu nhập từ tất cả các sản phẩm chính thức của chiến dịch “Love Myself” đều được quyên tặng cho chiến dịch toàn cầu #ENDviolence của UNICEF nhằm mục đích bảo vệ những thanh niên và trẻ em khỏi bạo lực.

Những cơn đau dạ dày, những đêm thao thức hay những ý nghĩ tự trách, tiêu cực luôn quay lại mỗi khi ta nhớ lại những khoảnh khắc đen tối trong đời, khiến cho việc yêu thương bản thân trở nên khó khăn. Yêu chính mình thật sự là một hành trình cần sự can đảm và vị tha. Có lẽ mỗi người đang gặp khó khăn đều cần một ai đó động viên, để bản thân can đảm đối mặt với khiếm khuyết, và đủ bao dung để tha thứ cho chính mình. Và trong nhiều trường hợp, họ đã tìm thấy nguồn động viên cần có thông qua âm nhạc.

Năm 2018, Nezariel Scott đã đăng tải một bài viết trên trang Flare với tiêu đề: “BTS không chữa căn bệnh trầm cảm của tôi, nhưng yêu thương họ giúp tôi đối mặt với nó.” Một người hâm mộ khác thì để lại những dòng bình luận trên mạng: “Tôi cảm thấy họ hiểu được cảm giác bị quật ngã. 7 chàng trai xa lạ hát về những điều mà tôi đang vật lộn, và dù chúng tôi đều đang cảm thấy thật tệ, nhưng tôi được an ủi rằng mình không phải là người duy nhất chịu cảm giác này.”

Đó chẳng phải là sức mạnh đồng cảm kỳ diệu của ca từ hay sao? Và chúng ta có vô vàn những ca khúc mang tính khích lệ, động viên bằng đủ thứ ngôn ngữ trên đời.

Soi rõ chính mình

Có người lựa chọn nghe một ca khúc chứa đựng một câu chuyện hoàn toàn trái ngược với cuộc sống bản thân, như thể tìm cách mở ra một không gian khác (tương tự như việc bạn đọc một cuốn sách), hoặc để tạm quên đi hiện tại. Và có những người lại tìm thấy chính suy nghĩ của mình trong những lời ca.

Bạn đã bao giờ nghe được một bài hát mà ca từ như xuyên thấu tâm can? Thậm chí chúng dường như soi tỏ những dằn vặt rối tung trong tâm trí còn hơn rất nhiều những cuộc nói chuyện với người thân có thể đem lại. Âm nhạc cũng có thể giúp người nghe nhận ra được cảm xúc của mình, giúp ta nói về những điều đang khiến bản thân phiền muộn. Nếu cảm thấy không thể diễn tả nỗi lòng của mình thành lời nói, thì việc lựa chọn chia sẻ một bài hát cũng chính là một cách giải tỏa.

Về việc trị liệu thông qua âm nhạc, nhà tâm lý Bethany Cook nhấn mạnh, lời bài hát cho phép bạn hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của chính mình thông qua quan điểm của người khác, qua đó người nghe còn có thể xác định bản thân là ai, muốn trở thành người như thế nào, sống ra sao.

“Con không biết tóc mẹ bạc thêm mấy sợi, và con cũng chưa một lần nắm tay ba./ Người thương con, con vẫn để cô ấy đợi, vài anh em thân thiết lâu không gặp vì quá xa./ Có những lỗi lầm mà con chưa kịp sửa sai, những lời nhạc mà con mới chỉ viết được nửa bài./ Dù biết là cuộc đời này chẳng có gì là mãi mãi. Nhưng trời ơi, con chưa muốn chết ngày mai.”

Trích bài hát “Trời ơi con chưa muốn chết” / Đen Vâu

Lời rap đầy tự sự cùng chất giọng trầm thấp dìu dặt của nam rapper Đen Vâu trong “Trời ơi con chưa muốn chết” đã đánh thức nhiều người. Trên video chính thức của ca khúc đăng tải trên Youtube, bình luận của tài khoản Probaco189 đã gây chú ý với 7,8 ngàn lượt thích và 121 lượt bình luận:

Âm nhạc và sức mạnh của Ngôn từ ảnh 3

Đen Vâu biểu diễn ca khúc “Trời ơi con chưa muốn chết” tại Show của Đen 2019.

“Đôi khi Đen cũng không biết rằng âm nhạc của mình đã ảnh hưởng tới người nghe như thế nào. Mình có một đứa em trai, 2-3 năm trước nó đập đá, lêu lổng cả ngày. Mình cũng khuyên nhủ rất nhiều, rồi giai đoạn cố gắng bỏ đá, nó bị trầm cảm nặng do không còn hưng phấn khi thiếu chất kích thích.

Rồi mình thấy nó liên tục nghe bài này. Có lẽ ca từ ngay đầu bài đã làm nó thay đổi. Nó yêu gia đình hơn, sống có mục tiêu và hoài bão hơn. Nó bắt đầu lại cuộc sống từ một đứa rửa chén, lương tháng ba triệu […] Từ rửa chén lên phụ bếp, rồi lên bếp chính ở một nhà hàng tỉnh lẻ, rồi bếp chính một nhà hàng Nhật nổi tiếng Sài Gòn. Nó tâm sự với mình, chính nhờ bài nhạc này của Đen mà nó có thêm động lực để thay đổi. Nó không muốn chết khi còn quá nhiều điều chưa thực hiện được, không muốn sẽ chết trong u mê. Cảm ơn Đen vì bài nhạc.”

Có những lúc, lời ca mô tả những gì chúng ta cảm thấy tốt hơn những gì chúng ta có thể. Rất nhiều lần bạn thậm chí có thể không nhận ra mình đang cảm thấy gì cho đến khi ai đó hát lên. Sau đó, đột nhiên, tất cả đều có ý nghĩa.

Cánh cửa đến với thế giới nội tâm

Thể hiện sự quan tâm đến sở thích âm nhạc chính là một cách để thể hiện sự quan tâm đến sự phát triển tâm lý bên trong mỗi người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.

Những năm thiếu thời từ lâu đã được biết đến là giai đoạn quan trọng nhất trong việc phát triển sở thích cá nhân về âm nhạc, đối với nhiều người, đó là thời điểm mà âm nhạc đóng vai trò quan trọng nhất. Âm nhạc có thể là một cách tuyệt vời để chăm sóc sức khỏe tâm thần. Các nhà tâm lý đã khuyến khích mạnh mẽ các bậc cha mẹ, giáo viên tiếp cận âm nhạc của thanh thiếu niên với sự tò mò và không phán xét.

Ngay cả khi bạn cảm thấy những lời nhạc có vẻ kỳ lạ hay thậm chí vô nghĩa, ngô nghê, thì đây cũng là một “cơ hội” tốt để có được một cuộc đối thoại cởi mở. Một cách chân thành nhất, hãy hỏi xem họ nghĩ gì về bài hát, họ cảm thấy ca từ muốn diễn đạt điều gì. Hai bên hoàn toàn có thể mở ra một cánh cửa cho những chủ đề quan trọng khó nói từ trước đến nay.

Âm nhạc và sức mạnh của Ngôn từ ảnh 4

Âm nhạc có thể là một cách tuyệt vời để chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Lời bài hát cũng có thể tác động đến hành động, vì vậy hãy chọn âm nhạc của bạn một cách khôn ngoan. Nghe những bài hát có thông điệp tích cực có thể truyền cảm hứng cho bạn hành động tích cực. Nghĩ về những bài hát mà bạn thường nghe và tự hỏi bản thân điều này: Chúng có thúc đẩy các hành vi và tư duy lành mạnh không? Hay chúng đang góp phần tạo nên những suy nghĩ tiêu cực, chán ghét xã hội và làm suy giảm sức khỏe tinh thần?

Đừng xem âm nhạc như một thú giải trí đơn thuần. Hãy nghĩ về những lời hát, bạn luôn có thể tận dụng sức mạnh của ngôn ngữ âm nhạc để làm mạnh mẽ thêm thế giới bên trong chính mình./.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).