Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với nhà biên kịch Nguyễn Mỹ Linh, tác giả của cuốn phim tài liệu dài 50' này. Bà hiện đang là phóng viên thường trú Đài truyền hình Việt Nam tại Pháp. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
"Cây Linden mùa xanh lá" vừa được ra mắt cộng đồng người Việt Nam tại Pháp sau khi đã phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV. Xin chị chia sẻ cơ duyên khiến chị lựa chọn chủ đề lịch sử này ?
Tôi có cơ hội được tiếp xúc với các bác Việt kiều tại Pháp từ chục năm nay, mở đầu là làm những phóng sự cho các chương trình truyền hình liên quan đến chủ đề về tình yêu nước, rồi đến chương trình “Mùa Xuân đầu tiên” kỷ niệm 40 năm giải phóng Sài Gòn, rồi 70 năm Toàn quốc kháng chiến... Chứng kiến tình cảm của họ với Tổ quốc, dù xa ngàn dặm, tôi đã luôn tự bảo rằng mình phải làm một phim tài liệu về đề tài này. Thế rồi năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm ra đời của toà nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng ngỏ ý muốn tôi làm một phóng sự về ngôi nhà và tôi đã nhận lời.
Tôi nghĩ, toà nhà này là nhân chứng không chỉ của tình yêu nước, nó cũng là một minh chứng cho sự trưởng thành của nền ngoại giao Việt Nam tại Pháp, cho mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Pháp - Việt, và sẽ rất có ý nghĩa khi đưa những điều này vào một cuốn phim tài liệu. Có lẽ đây là cái duyên của tôi. Yêu quí một cộng đồng, hứng thú với một đề tài, rồi lại được làm phim về những gì liên quan đến nó, phải chăng đây là một mối lương duyên ?
Nhà biên kịch Nguyễn Mỹ Linh trong một buổi quay phim các nhân chứng trong phim. Ảnh : TTXVN phát |
Phim không chỉ đề cập đến lịch sử ngôi nhà của Đại sứ quán mà cả câu chuyện 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp. Sự kết hợp này phải chăng là một sự trùng hợp, hay là chủ ý của đạo diễn ?
Thiết nghĩ đây là hai vế không thể tách rời. Cột mốc 50 của mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp cũng là cột mốc 50 năm hành trình của ngôi nhà, từ khi bắt đầu trên giấy cho đến ngày hôm nay. Tôi cho rằng nếu nói về nền ngoại giao Việt Nam ở Pháp thì không thể không nói đến ngôi nhà, hoặc ngược lại, nói đến ngôi nhà thì phải nói đến nền ngoại giao của Việt Nam tại Pháp. Nó là hai vế của một vấn đề, là sự hoàn chỉnh cho một câu chuyện.
Phải nói rằng nền ngoại giao Việt Nam tại Pháp ngày hôm nay có được nhiều thành tựu cũng bởi có một cộng đồng người Việt yêu nước, luôn hướng về đất nước, suốt từ đầu thế kỷ XX, trải qua những năm tháng chiến tranh, rồi hoà bình và cho đến ngày nay. Họ là đội quân hùng hậu, luôn đứng cạnh các nhà ngoại giao Việt Nam trong suốt chiều dài của lịch sử. Ngược lại, sự đoàn kết của cộng đồng người Việt lại cũng cho thấy công tác ngoại giao nhân dân của chúng ta rất tốt. Việc tập hợp được công nhân, lính thợ, thương gia, trí thức thành một cộng đồng thống nhất, đứng cạnh Tổ quốc, rồi tạo dựng được mối liên kết tốt đẹp với các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, các trí thức yêu quí Việt Nam trong các cơ quan chính phủ Pháp - đây chắc chắn là kết quả của ngoại giao nhân dân đúng hướng, đúng cách thức.
Ngôi nhà được xây dựng nhờ cộng đồng người Việt tại Pháp, và nó cũng là nhân chứng cho tất cả những sự trưởng thành, mối quan hệ được vun đắp giữa Việt kiều với Tổ quốc, giữa Việt Nam và Pháp, vì thế với tôi nếu đã làm phim về ngôi nhà thì chắc chắn phải nói đến sự trưởng thành của nền ngoại giao Việt Nam tại Pháp. Nó gần như là không thể nói khác. Đó là góc nhìn của tôi khi làm cuốn phim này.
Trong phim có sử dụng nhiều tư liệu lịch sử quý giá, nhiều nhân chứng lịch sử hiếm hoi. Làm thể nào để chị có thể tìm kiếm và tập hợp khối lượng tư liệu và nhân chứng nhiều như vậy, trong thời gian ngắn như thế?
Buổi quay phim tại nhà bà Helène Luc, Thượng nghĩ sĩ danh dự Pháp, một người bạn luôn gắn bó với Việt Nam từ hơn 70 năm nay. Ảnh : TTXVN phát |
Có lẽ nghề phóng viên giúp tôi có một trí nhớ tốt, rồi thói quen lưu trữ tư liệu cũng giúp tôi nhiều. Ghi hình cái gì quý tôi đều muốn giữ lại. Chi tiết nào hay tôi lại găm vào đầu, rồi trời thương nữa, chắc thế. Ngày xưa, khi ghi hình bác Phúc Kỳ - là kỹ sư giúp xây dựng toà Đại sứ số 62 phố Boileau, tôi đã tự nhủ sẽ có lúc quay lại để làm về bác. Thế rồi bác mất! Thật may là cùng với các đồng nghiệp của tôi, tư liệu về bác vẫn nằm trong ổ cứng, dù đã gần chục năm rồi. Tôi cũng học cách của Bác Hồ, là làm công tác ngoại giao nhân dân tốt! Nói vui vậy thôi, các nhân chứng có lẽ cũng thương quý, nên khi tôi đề đạt nguyện vọng thì luôn được ủng hộ, từ người dân cho đến Phó chủ tịch Thượng viện, họ đều rất tốt với tôi. Hoặc cũng có thể là do họ yêu Việt Nam, và tôi là một phần của Việt Nam nên được thương mến?!
Trong quá trình làm phim, từ lúc ra ý tưởng đến khi phát sóng, những câu chuyện hay nhân vật nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất với chị?
Tôi nghĩ cuốn phim này để cho tôi xúc cảm sâu sắc thì đúng hơn là ấn tượng. Cái xúc cảm mà tôi dành cho phim luôn trọn vẹn từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc.
Nhóm làm phim "Cây Linden mùa xanh lá" trong một buổi ghi hình tại Thụy Sĩ. Ảnh: TTXVN phát |
Tôi yêu mến các nhân vật của mình. Tôi thấy thân thương từ khi ngồi viết kịch bản, rồi đi quay, rồi ngồi dựng. Lúc nào lòng tôi cùng trào lên một tình cảm thương mến, thấy mình may mắn được biết họ, được chứng kiến sự tốt đẹp của họ. Tôi nhớ lúc đi phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, bà yếu rồi, thế mà vẫn rất cố để chúng tôi quay phim, khi nói chưa được tốt thì áy náy lắm, cứ an ủi tôi là "bác hơi mệt nên nói chỉ được thế thôi". Rồi cả bà Helène Luc, Thượng nghĩ sĩ danh dự Pháp, một bà cụ 91 tuổi mà không buổi gặp mặt quan trọng nào của Việt Nam mà không thấy bà. Khi chúng tôi đến nhà bà để ghi hình thì được bà chăm sóc, từ chén trà đến cái bánh, vì sợ chúng tôi mải làm mà đói... Chính những tình cảm rất xúc động ấy khiến tôi quyết định làm một sản phẩm mà cảm xúc lớn nhất đọng lại ở người ta xem là sự xúc động, thấy yêu mến nhau, thấy tha thiết với cuộc đời. Không cần sự lý tính, bỏ qua cách làm kinh điển có thể phù hợp với đề tài. Dù nói về đất nước, ngoại giao hay quan hệ với thế giới, với tôi, người ta vẫn cần phải thấy yêu con người và cuộc đời xung quanh.
Kế hoạch sắp tới của chị để cuốn phim tư liệu "Cây Linden mùa xanh lá" được lan tỏa mạnh mẽ hơn ?
Tôi nhớ có một lần nói chuyện với con em một bác Việt kiều, chị ấy bảo hồi bé bố mẹ vắng nhà suốt ngày, đi làm rồi lại đi sinh hoạt hội đoàn yêu nước, chả hiểu bố mẹ làm gì mà bận thế. Vì vậy, cùng với nhóm làm phim của mình ở VTV, chúng tôi sẽ làm một bản bằng tiếng Pháp để chiếu cho thế hệ Việt kiều thứ 2 xem. Đây sẽ là một phần của câu trả lời cho những thắc mắc của họ về cha mẹ. Để họ thấy những hy sinh mà họ đã chịu khi bé, khi cha mẹ không dành đủ thời gian cho họ, là có thể thông cảm được, hoặc có thể họ sẽ thấy đó cũng là sự đóng góp của chính họ cho Việt Nam. Hơn nữa, tôi cũng rất mong chia sẻ lại câu chuyện của những người Việt sinh sống tại Pháp, cho các thế hệ người Việt ngày hôm nay ở Pháp được biết. Hy vọng sự chia sẻ này sẽ góp phần giữ lại truyền thống tốt đẹp của thế hệ các cô bác đi trước, những người rất tha thiết với Tổ quốc.