Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào'

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào'

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo hẹn tôi vào một ngày Chủ nhật ở Thái Bình. Lịch làm việc của ông luôn kín mít và sôi động, rất khác nhiều người ở cái tuổi thất thập cổ lai hy tại Việt Nam.

_______________

Trong suốt buổi trò chuyện khoảng 2 tiếng đồng hồ, ông Báo say sưa kể về hành trình phá rào, vượt qua vô số những trở ngại rồi trở thành Anh hùng Lao động. Mỗi câu chuyện đều hừng hực khát vọng nâng tầm cây lúa, khát vọng nâng tầm nền nông nghiệp Việt Nam.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào' ảnh 1

“Tôi là con cả trong một gia đình có tới 10 anh em. Vì là anh cả của 9 đứa em nên ngay từ bé tôi đã rất thạo việc đồng áng, xay lúa, giã gạo, ẵm em. Tôi còn nhớ cái cối xay lúa của gia đình, vì nó được làm cho người lớn nên rất nặng, trẻ con gần như không thể xay được.

Nhưng tôi là con cả, tôi phải “kiêm nhiệm” rất nhiều việc, mỗi khi bố mẹ đi vắng, tôi lại thường tự mình đổ thóc vào xay. Nhưng thời đó đói ăn, ăn chẳng đủ nên tôi bé con con, dù có cố cũng không kéo được cái càng cối xay cho nó chuyển động. Cái khó ló cái khôn, tôi nghĩ ra cách, địu thêm đứa em lên lưng để có thêm trọng lượng đặng kéo cối, xay lúa cho dễ dàng hơn.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào' ảnh 2

Lớn lên, như rất nhiều thanh niên thủa đất nước có chiến tranh, tôi xung phong đi bộ đội và lăn lộn ở nhiều chiến trường. Cũng có những trận đánh khốc liệt nhưng may mắn hơn rất nhiều đồng đội là chỉ bị thương.

Chiến tranh kết thúc, tôi xin về Ty Nông nghiệp Thái Bình và được biên chế vào Công ty Giống lợn Thái Bình. Tại đây, công việc của tôi là quản lý bếp ăn cho cả đơn vị và thường xuyên đi giao tinh lợn cho các xã trong huyện. Cứ mỗi chuyến đi như vậy, tôi giao được khoảng 10 liều tinh lợn.

Vì đang học dở cấp 3 trước khi đi lính nên sau khi về đây công tác, tôi đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo để xin đi học tiếp, nhưng không ai chấp nhận. Bị từ chối khiến tôi buồn vô hạn. Chẳng lẽ tôi cứ an phận ở đây, sáng sáng gò lưng đạp xe đi giao mấy liều tinh lợn, chiều về tính toán con cá, mớ rau.

Sau cùng, nhờ được một người quen giúp đỡ, tôi xin được về Công ty Giống cây trồng Thái Bình.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào' ảnh 3

Trại giống khi đó có tới 56 hecta đất dành cho sản xuất giống nhưng mỗi năm chỉ được giao kế hoạch sản xuất 60 tấn giống. Nghĩa là một năm, mỗi hecta chỉ làm ra được chưa đầy 1,1 tấn trong khi 20 năm trước, Thái Bình đã là quê hương 5 tấn (vì đạt 5 tấn/ha trên toàn tỉnh).

Khi đó tôi luôn tự hỏi, vì sao một đất nước nông nghiệp mà người dân không đủ gạo ăn? Vì sao người nông dân Việt Nam nổi tiếng cần cù, vẫn coi tấc đất tấc vàng mà bây giờ đến nỗi ruộng đồng xơ xác, hoang hóa. Cả cái trại giống mà tôi sắp nhận nó cũng quá tệ như thế này. Lúa má chả ra lúa má, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu không có, nó “phọt phà phọt phẹt”. Và ruộng thì lầy, thụt, máy làm đất phải thuê của trạm cơ khí. Nhưng thuê máy thì phải kèm theo một công nhân lái máy. Để “ông công nhân” này làm được việc phải có hai nữ nhân viên đi phục vụ, một cô thì nấu cơm, cô thì lo xăng dầu.

Vì làm theo công điểm, nên có anh công nhân đẩy hai xe phân đạm ra đồng, lừa lúc không có ai, anh ấy ủn tất xuống trạm bơm, thế là xong, đem bao về, hợp tác xã tính cho hai công. Và cái kiểu làm việc gian dối, thiếu trung thực đó nó xảy ra rất nhiều, ở khắp nơi.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào' ảnh 4

Sau những ngày trăn trở, suy tính, tôi ngộ một điều, giống lúa và quyền tự chủ trên mảnh ruộng mới là hai khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Thời điểm đó, giống lúa ở Thái Bình cũng như nhiều tỉnh, thành khác chưa đạt chuẩn nên cho sản lượng, chất lượng rất kém. Và cơ chế quản lý kiểu “làm chủ tập thể” mà thực chất là “cha chung không ai khóc” chính là hai cái xiềng đang xích chặt nền nông nghiệp của chúng ta trong vòng tăm tối, lạc hậu, đẩy người nông dân đến tận cùng đói nghèo.

Đã đến lúc, phải để cho nông dân tự chủ. Họ phải được hưởng thành quả xứng đáng sau sau khi đã trừ đi phần nghĩa vụ với Nhà nước. Với cơ chế khoán như vậy, người chăm chỉ, có kỹ thuật thâm canh giỏi sẽ nhận được nhiều và ngược lại. Và để năng suất lúa cao hơn, thì nông dân cầng được cung cấp giống lúa tốt. tự chủ trên đồng ruộng và có giống lúa tốt, chắc chắn người dân sẽ có đủ gạo ăn, thậm chí xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào' ảnh 5

Tôi bắt tay vào viết đề án: “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh”. Nhưng ngay từ khi bắt tay vào viết những dòng đầu tiên, tôi rất lo bởi khi đó mình mới là anh kỹ sư vừa “bóc tem” chưa có nhiều thời gian kinh qua công tác thực tiễn, xung quanh tôi lúc đó có rất nhiều cây đa, cây đề nếu không cẩn thận rất dễ bị coi là chơi trội, ngựa non háu đá.

Đề án của tôi, nói chính xác đã vẽ ra một lộ trình, một cách làm ngược hẳn với cơ chế đang được vận hành trong quản lý nông nghiệp thời đó. Không cẩn thận, cái mũ đi “ngược đường lối chính sách về nông nghiệp của Đảng, Nhà nước” rất dễ chụp lên đầu.

Sau khi rà soát mọi thứ, rất kỹ, thấy đề án ổn, không còn gì lấn cấn tôi xin gặp Bí thư tỉnh ủy Thái Bình, ông Chu Rị để báo cáo. Sau khi nghe tôi trình bày, ông Chu Rị chỉ nói ngắn gọn: Chú cứ làm đi. Anh cũng đang bí đây. Nếu có khó khăn gì thì báo cáo cho anh biết.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào' ảnh 6

Câu nói của ông Chu Rị khiến tôi như chết đuối vớ được cọc. Tôi có thêm cơ sở để tin rằng, hướng đi của mình là đúng. Sau đó ít ngày, một hội nghị Hội nghị cán bộ chủ chốt của Công ty Giống Thái Bình được tổ chức. Các đại biểu sau khi nghe trình bày đề án với cách làm “rất tày đình” của tôi đã lặng đi, họ không dám tin một người trẻ tuổi dám mạo hiểm như vậy.

Đúng như dự đoán có những người phản đối gay gắt vì cho rằng đề án này là đi ngược đường lối, phá kinh tế Nhà nước. Vị chủ tịch công đoàn lúc đó còn nói thẳng vào mặt tôi: “Thằng này phá kinh tế nhà nước rồi” còn trưởng phòng ngân sách của Sở Tài chính bảo: “Mày không cẩn thận vào tù, chưa nóng nước đã đỏ gọng, vừa mới xuống cơ sở được mấy tháng đã muốn làm cái việc tày đình thế này, định đánh đổ cả cơ chế kinh tế của nhà nước à”.

Mặc dù cũng rất lo sau khi nghe phản biện của nhiều người, nhất là những ý kiến kiểu dọa dẫm, bàn lùi nhưng khi được phát biểu cuối cùng trước khi hội nghị ra kết luận, tôi đã trình bày những lời gan ruột, đại ý ông đã cho khoán thử, kết quả rất tốt, nông dân, công nhân rất mong được khoán. Và điều quan trọng nhất tôi đã nói với tổ chức một cách quyết liệt: “Không khoán sản phẩm thì không còn con đường nào khác, chúng ta không làm, sẽ có người khác làm. Nếu không làm, sẽ có tội với lịch sử, với người lao động”.

Và đúng như tính toán của tôi, sau một năm thực hiện, kết quả không ngoài dự đoán, thậm chí trên cả mong đợi. Nếu trước đây chưa khoán, nhân viên trại giống đông cơ chỉ được 13kg gạo mỗi tháng, thợ cày của trại được 16kg. Nhưng sau khoán, người lao động được 40kg/tháng. Sau khoán, cũng trên 56ha đất canh tác, Trạm giống Đông Cơ đã sản xuất trên 600 tấn thóc hàng năm, nghĩa là tăng gấp 10 lần trước.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào' ảnh 7

Năm 1988, để chuẩn bị ra nghị quyết số 10, về khoán sản phẩm trong nông nghiệp (nay vẫn quen gọi là Khoán 10). Bộ Chính trị đã cử một đoàn cán bộ do đồng chí Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc học viên Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn, về Thái Bình nghiên cứu. Tỉnh ủy Thái Bình đã đưa đoàn xuống trại giống Đông Cơ. Sau khi nghe ông tôi trình bày cáo đề án và xem xét thực tế, đồng chí Nguyễn Đức Bình có nhận xét: “Việc khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động ở Đông Cơ, lý luận hoàn toàn phù hợp với thực tiễn”.

Kể từ sau chuyến thăm đáng nhớ đó của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Công ty Giống Thái Bình đã có những bước chuyển biến rất mạnh mẽ, Trại giống Đông Cơ trở thành đơn vị dẫn đầu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Mô hình khoán sản phẩm ở Công ty Giống cây trồng Thái Bình trở thành mô hình để nhiều công ty, nông trường quốc doanh trong nước nghiên cứu học tập.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào' ảnh 8

Có được thành công bước đầu từ đề án Khoán nhưng tôi không “ngủ quên” trong hào quang đó. Hơn ai hết tôi hiểu được, việc khoán mới chỉ là yếu tố cần chứ chưa phải đủ để nông nghiệp thực sự cất cánh.

Sau Khoán 10, rất tiếc vì doanh nghiệp chưa có lực lượng vật chất đủ mạnh để bung ra. Khi đó, công ty chưa nhà máy sấy, xưởng chế biến cũng không, cơ chế quản lý vẫn là xin cho…

Nhận thấy những bất cập rất lớn vẫn còn tồn tại, nếu không kịp thay đổi thì có thể rất nhiều cơ hội sẽ bị bỏ lỡ. Từ khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Công ty Giống Thái Bình, tôi đã ba lần tới gặp lãnh đạo tỉnh để xin được cổ phần hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên hai lần đầu đều bị từ chối bởi lý do, Công ty Giống Thái Bình là mô hình doanh nghiệp công ích, phải để nhà nước quản vì còn lo giống cho nông dân.

Lần thứ ba, tôi cam kết với lãnh đạo tỉnh, các anh cứ cho tôi cổ phần, cây giống cho nông dân trong tỉnh tôi vẫn sẽ lo. Đó là lời hứa của một người lính, và nguyện vọng của tôi đã được chấp thuận.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào' ảnh 9

Khi được “cởi trói” - cổ phần hóa, Công ty Giống Thái Bình - ThaiBinh Seed dưới sự hợp lực chèo lái của mọi người và tôi, công ty chuyển mình và từng bước trở thành một trong những doanh nghiệp giống lúa, cây trồng hàng đầu VN như hiện nay.

Khi được bổ nhiệm làm giám đốc năm 2000, tôi đã dành tới 3 năm chỉ để viết bản Chiến lược mới với 3 trụ cột, 8 nhóm giải pháp và quyết thực hiện bằng được. Trụ cột quan trọng nhất tôi muốn xây dựng lại, đó chính là con người. Phải đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì con người chính là trung tâm để doanh nghiệp bứt tốc, theo kịp với yêu cầu của thời cuộc.

Khi tôi nhận chức giám đốc, công ty có 418 người, tất cả nhân sự như vậy chỉ hoạt động trong tỉnh Thái Bình. Sau cổ phần, hiện nay, Thái Bình Seed có 7 chi nhánh, một viện nghiên cứu, một nhà máy, một công ty kinh doanh lương thực, tức là công việc gấp nhiều lần và nhân sự chỉ khoảng 300 người. Tinh gọn được nhân sự nhưng số nhân sự còn lại vẫn đảm nhiệm tốt những phần việc, thậm chí việc còn nhiều hơn trước, đó cũng là một bước tiến rất đáng để ăn mừng.

Với rất nhiều thành tích trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là việc nghiên cứu, phát triển thành công nhiều giống lúa mới, cho năng suất cao, năm 2020, tôi được trao danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội Thi đua yêu nước lần X.

Hai năm qua, mặc dù COVID-19 hoành hành dữ dội nhưng với những chiến lược đã đề ra, Công ty tôi vẫn đứng vững, vẫn cung cấp những giống lúa chất lượng với giá thành ổn định.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào' ảnh 10

Mặc dù cả đời dành hết tâm huyết cho nông nghiệp, cho các giống lúa mới nhưng tôi cũng đã trải qua một phen “suýt chết”. Đó là năm 2013, giống lúa mà công ty cung cấp cho nông dân bỗng nhiên đồng loạt không cho thu hoạch. Theo thống kê, diện tích lúa lép lên tới hơn 6000 hecta.

Năm đó có đợt rét rất kinh khủng, 38 năm mới xảy ra một lần như vậy, vào đúng giai đoạn lúa đang phân hóa đòng. Việc nông dân gieo cấy sớm hơn thời điểm chỉ dẫn trên bao bì cộng với đợt rét đậm kéo dài đã gây ra hậu quả rất lớn.

Lúc đó, hàng loạt kênh truyền hình, báo chí về quay tôi như chong chóng. Cao điểm nhất, sự vụ còn được đưa ra Quốc hội. Do biết rõ giống lúa của ThaiBinh Seed cũng cấp là giống tốt, đã được kiểm nghiệm đầy đủ trước khi giao tới tay nông dân nên khi đó có rất nhiều chuyên gia, cán bộ lãnh đạo đã lên tiếng giúp. Tôi nhớ Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát đứng ra khẳng định trước Quốc hội, đây là doanh nghiệp uy tín, giống lúa đã được giải thưởng quốc gia, nhưng do biến đổi khí hậu nên mới xảy ra như vậy.

Sau sự cố lớn kể trên, tôi đã bàn bạc với lãnh đạo Công ty bỏ ra 33 tỷ để hỗ trợ nông dân. Năm đó ThaiBinh seed cũng chưa có thực lực mạnh như hiện nay nên 33 tỷ là số tiền rất lớn. Nhưng với quyết tâm, dù bằng giá nào, thậm chí có thể phá sản cũng phải hỗ trợ nông dân nên chúng tôi đã quyết tâm thực hiện.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo: Tôi là người mạo hiểm 'phá rào' ảnh 11

Bài: Việt Hoàng

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.