Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, các biện pháp hạn chế bao gồm lệnh cấm nhập cảnh vào Anh và đóng băng tài khoản tại ngân hàng Anh. Đối tượng áp dụng là các nhà báo và các phóng viên chiến trường, người dẫn chương trình, Trợ lý của Tổng thống Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kênh 1… Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt mới cũng cấm các công ty Nga sử dụng dịch vụ do các công ty Anh trong lĩnh vực truyền thông, kế toán và tư vấn quản lý cung cấp.
Bộ Ngoại giao Anh cũng thông báo việc đưa vào danh sách trừng phạt Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov, cùng nhiều cá nhân và tổ chức khác của Nga.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với trên 1.600 chính trị gia, doanh nhân, quan chức, nhà báo và doanh nghiệp Nga. Theo Bộ ngoại giao Anh, trong danh sách trừng phạt hiện có khoảng 20 ngân hàng Nga với tổng tài sản 940 tỷ bảng Anh (tương đương hơn 1.200 tỷ USD), hơn 100 doanh nhân lớn và người thân của họ với tổng tài sản theo ước tính của London là hơn 170 tỷ bảng Anh (tương đương khoảng 220 tỷ USD).
* Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị nhóm họp về đề xuất cấm nhập khẩu dầu từ Nga, ngày 4/5 Hungary đã bày tỏ không thể ủng hộ đề xuất này. Theo Ngoại trưởng Peter Szijjarto, quyết định này sẽ hủy hoại an ninh năng lượng của Hungary và nước này chỉ có thể nhất trí với các biện pháp cấm vận trên nếu hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Nga qua đường ống được miễn trừ trừng phạt.
Cùng ngày, Thủ tướng CH Séc Petr Fiala cho biết nước này sẽ tìm kiếm thời gian hoãn thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ mà EU áp đặt đối với Nga, từ đó có đủ thời gian tăng công suất các đường ống dẫn dầu của quốc gia Trung Âu này. Theo ông Fiala, khoảng thời gian này ít nhất là 2-3 năm.
Theo kế hoạch, các đại sứ của 27 nước thành viên EU gặp nhau trong ngày 4/5 để xem xét gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga. Trong gói trừng phạt này, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các nước EU chấm dứt nhập khẩu dầu thô từ Nga sau 6 tháng và dầu tinh luyện vào năm 2023. Ngoài ra, EC cũng đồng ý về trường hợp ngoại lệ của Hungary và Slovakia, theo đó cho phép các nước này mua dầu của Nga theo các hợp đồng hiện có cho đến cuối năm 2023. Động thái này nhằm tránh để Hungary và Slovakia phủ quyết toàn bộ gói trừng phạt.
Một nhà ngoại giao châu Âu cảnh báo việc cấp quy chế miễn trừ cho 1 hoặc 2 nước phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt của Nga có thể gây ra hiệu ứng domino yêu cầu việc miễn trừ, gây ảnh hưởng tới lệnh cấm vận.