Vào ngày lễ tình nhân, một luật sư 36 tuổi ở miền đông Trung Quốc phát hiện ra anh đã được mã hóa màu đỏ.
Matt Ma bất ngờ khi nhìn thấy màu đỏ được hiển thị trong một ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh của mình, cho biết anh cần được cách ly tại nhà mặc dù không hề bị bệnh.
Nếu không được hệ thống “gắn thẻ” màu xanh lá, Ma sẽ không quay trở lại Hàng Châu để làm việc, hoặc vượt qua các trạm kiểm soát mọc lên khắp thành phố như một biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh.
Ma là một trong hàng triệu người hiện đang nằm trong diện theo dõi của chính phủ thông qua một phần mềm cung cấp thông tin cho các kho dữ liệu và đưa ra các mệnh lệnh mang tính quyết định về việc một người sẽ được đi hay ở lại.
Hệ thống Mã Y tế chia ra 3 màu đỏ, vàng và xanh lá, cho thấy mức độ rủi ro khác nhau mà một người gây ra cho sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Weibo |
Dù mục đích ban đầu là tốt, nhưng một phần không nhỏ người dân Trung Quốc cảm thấy việc này chỉ là hỗn hợp của các công nghệ tiên tiến và giám sát lỗi thời. Đây cũng là một thử nghiệm thực tế hiếm hoi về việc sử dụng công nghệ ở quy mô lớn để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.
Christos Lynteris, một nhà nhân chủng học y tế tại Đại học St Andrew (Scotland), người đã nghiên cứu về dịch bệnh ở Trung Quốc, cho biết việc sử dụng công nghệ khổng lồ này là chưa từng có trong tiền lệ.
Nhưng việc sử dụng thí điểm tại một số thành phố cũng đã tiết lộ những hạn chế của việc áp dụng tràn lan công nghệ trên một dân số lớn.
Trong trường hợp tại Hàng Châu, có không ít người bỗng nhiên trở thành “nạn nhân” của các thuật toán, mà các nhà chức trách Trung Quốc phải thừa nhận rằng chúng chưa hề hoàn hảo.
Báo động đỏ
Hệ thống xếp hạng trong điện thoại của Ma được gọi là Mã Y tế và có thể được truy cập thông qua ứng dụng thanh toán Alipay. Nó được phát triển bởi Ant Financial, một chi nhánh của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và chính quyền thành phố Hàng Châu.
Công nghệ này đã được phát hành vào tuần trước khi hàng triệu người Trung Quốc bắt đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Mã màu là kết quả của hệ thống phân tích tự động sử dụng dữ liệu lớn của Google để xác định người mang mầm bệnh Covid-19.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng hệ thống này sẽ được áp dụng thí điểm tại 3 tỉnh, bao gồm Chiết Giang, Tứ Xuyên và Hải Nam cùng với thành phố Trùng Khánh với tổng dân số gần 180 triệu người, trước khi được áp dụng trên toàn quốc.
Một gia đình mặc đồ bảo hộ kín mít tại một ga tàu ở Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg |
Tại Hàng Châu, nơi hệ thống được ra mắt lần đầu tiên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Zhang Zhongcan cho biết phần mềm này sẽ tự động xem xét tình trạng sức khỏe, lịch sử di chuyển và lịch sử gặp gỡ của từng cá nhân.
Thành phố đã chỉ định cho mỗi cư dân mang trên mình 3 màu - xanh lá cây, vàng và đỏ, cho thấy mức độ rủi ro khác nhau mà người đó gây ra cho sức khỏe cộng đồng.
Những người có mã QR màu đỏ không được phép tới các địa điểm công cộng như ga tàu điện ngầm, nhà hàng và trung tâm mua sắm trong ít nhất 14 ngày. Nhân viên kiểm dịch tại những nơi đó có thể quét mã QR để xác minh màu của mọi người. Những người có mã vàng phải đối mặt với những hạn chế tương tự, nhưng trong 7 ngày.
Trong số 7.6 triệu cư dân Hàng Châu đã đạt được chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số vào ngày 17/2, có 93% được đánh dấu màu xanh lá cây, trong khi 4% (khoảng 335.000 người) được dánh dấu màu đỏ.
Không phải ai cũng hài lòng với thứ hạng họ nhận được. Trên mạng xã hội Weibo, nhiều người có màu đỏ đã phàn nàn rằng họ không biết tại sao họ bị coi là có nguy cơ cao và không được ra ngoài.
Một số người nói rằng mã của họ chuyển sang màu đỏ sau khi họ đánh dấu có triệu chứng nghẹt mũi hay mệt mỏi trên hệ thống biểu mẫu khai báo sức khỏe, mặc dù các triệu chứng này hết sức phổ biến và không liên quan gì đến Covid-19.
Nhiều người còn so sánh các mã màu này với các “chứng chỉ về đạo đức” hoặc “hệ thống đẳng cấp”.
Các nhà chức trách đã thừa nhận rằng một số đánh giá là không chính xác. Vào ngày 12/2, một người đàn ông đã bị trục xuất khỏi một chiếc máy bay ở thành phố Cáp Nhĩ Tân do có màu đỏ, người này cho biết từng ở trên máy bay với một bệnh nhân Covid-19 từ ngày 15/1 nhưng không hề có biểu hiện lâm sàng nào.
Hai ngày sau, cảnh sát đã thay đổi mã của người này từ màu đỏ thành màu xanh lá cây. Chính quyền và công ty Ant Financial chưa nêu chi tiết cách thu thập và tính toán dữ liệu trong hệ thống Mã Y tế.
Trở lại công việc
Các quan chức cần phải đưa mọi người trở lại công việc của họ để khởi động lại một nền kinh tế vốn đang bị đe dọa bởi dịch bệnh, đó là nhiệm vụ hàng đầu do lãnh đạo Trung Quốc đặt ra. Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 29 năm và tình hình ngày càng rối hơn với sự bùng phát của virus corona.
Nhưng các nhà chức trách Trung Quốc cũng lo ngại việc công nhân trở về nơi làm việc có thể gây ra một làn sóng lây truyền dịch bệnh khác ở các thành phố đông đúc.
Ma, người đã trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở quê nhà ở Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang, được yêu cầu xác định Mã Y tế trước khi quay trở lại Hàng Châu. Anh đã điền vào một biểu mẫu về tình trạng sức khỏe và lịch sử di chuyển của mình, trước khi hệ thống gắn anh mã đỏ.
Một tình nguyện viên làm công việc giám sát người dân bị cách ly tại Vũ Hán. Ảnh: AP |
Dù rất bức xúc do cách xa tâm dịch Hồ Bắc trong suốt dịp Tết nhưng vẫn bị hệ thống xếp hạng màu đỏ, Ma đã gọi điện lên tổng đài để báo cáo nhưng chỉ nhận được câu trả lời tự động.
“Tôi cảm thấy mình bị tổn thương bởi công nghệ”, Ma nói. “Tôi không thể đi đâu được. Không ai cho tôi một câu trả lời thỏa đáng ngoài máy trả lời tự động”.
Thế nhưng chỉ hai ngày sau, Ma nhận được mã xanh lá mà không có thêm một lời phản hồi từ phía hệ thống, anh cho biết.
Là một luật sư, Ma cho biết hệ thống này có thể vi phạm luật pháp Trung Quốc nếu công dân bị cấm di chuyển một cách máy móc mà không có cơ hội kháng cáo.
Một niềm tin huyền diệu
Tại Trung Quốc, các nhà chức trách có thể thu thập dữ liệu khổng lồ thông qua mạng lưới giám sát khổng lồ bao gồm camera an ninh, danh sách người dùng Internet, thẻ đi tàu và hay hệ thống quét mặt tại các khách sạn.
Chính phủ Trung Quốc trước đây đã ca ngợi việc sử dụng dữ liệu lớn, bao gồm cả các ứng dụng y tế, như một công cụ quan trọng để giúp quản lý tốt hơn.
Trong suốt cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, các nhà chức trách đã sử dụng dữ liệu để theo dõi các bệnh nhân bị nhiễm bệnh, xác định những người mà họ từng tiếp xúc và tìm kiếm những người đã đi ra khỏi tâm dịch.
Những người được chọn bởi phần mềm sau đó được chuyển đến một mạng lưới giám sát và thực thi - hàng triệu nhân viên cộng đồng sẽ đưa họ vào tình trạng kiểm dịch, kiểm tra nhiệt độ cơ thể của họ mỗi ngày và trong trường hợp cực đoan, đó là khóa trái cửa nhà riêng.
Vào ngày 16/2, một quan chức Hàng Châu đã thừa nhận tại một cuộc họp báo rằng ông đã nhận được những lời chỉ trích và phàn nàn về hệ thống Mã Y tế. Ông nói rằng chính phủ đã cử lực lượng xác minh dữ liệu, cho biết thêm rằng thuật toán sẽ được sửa đổi để nâng cao độ chính xác.
Bất chấp những trục trặc, các quan chức Trung Quốc vẫn tự hào về sự đóng góp của nguồn tài nguyên dữ liệu dồi dào của mình trong việc ngăn chặn dịch bệnh, vốn đã lây nhiễm hơn 76.200 người và giết chết ít nhất 2.239 người ở Trung Quốc.
Bên cạnh Mã Y tế, một loạt các công cụ kỹ thuật số khác, được cung cấp bởi dữ liệu lớn, cũng đã được triển khai để sàng lọc những người được coi là có nguy cơ cao và hạn chế hoạt động di chuyển của họ.
Một nền tảng được các nhà chức trách Trung Quốc gọi là “máy dò tiếp xúc gần gũi”, giờ đây cho phép chủ lao động kiểm tra xem công nhân của họ có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân mắc Covid-19 đã được xác nhận hoặc nghi ngờ trong 14 ngày qua hay không bằng cách nhập mã số trên căn cước công dân.
Các nhà mạng Trung Quốc cũng đã cung cấp dữ liệu về hoạt động di chuyển của người dùng cho các chính quyền phương. Chẳng hạn, tại thành phố Ôn Châu, các quan chức hồi đầu tháng này đã xác định được 3.615 người đã tới một cửa hàng mỳ sau khi chủ cửa hàng bị ốm.
Các viên chức cộng đồng sau đó đã gọi cho tất cả các khách hàng và đưa 40 người được cho là từng vào cửa hàng trên đi cách ly.
Mạng xã hội Trung Quốc những ngày này bị chia làm hai phe: ủng hộ và phản đối dữ liệu lớn. Một số người nói rằng các công nghệ thế hệ mới đang khiến họ cảm thấy an toàn hơn, nhưng những người khác cho rằng công nghệ này tồn tại nhiều thiếu sót và đời tư của họ đang bị xâm phạm.
Một số nỗ lực trước đây của các công ty công nghệ để theo dõi virus với dữ liệu lớn đã thất bại. Google Flu Trend, hứa hẹn sẽ theo dõi các trường hợp mắc cúm dựa trên các tìm kiếm của Google, đã ngừng hoạt động vào năm 2015 sau thử nghiệm thất bại tại Mỹ.
Nhà nhân chủng học Christos Lynteris cho biết rất khó để biết liệu các nỗ lực giám sát của Trung Quốc có giúp kiểm soát dịch bệnh hay không nếu chính phủ không cho phép các nghiên cứu khoa học minh bạch.
“Áp dụng các công nghệ thiếu sót có nguy cơ khiến những người khỏe bị cách ly, làm gia tăng làn sóng kỳ thị người bệnh cũng như lãng phí các nguồn lực quốc gia”, ông Lynteris nhận định.
Nhưng bất kể ảnh hưởng của việc áp dụng dữ liệu lớn để kiểm soát dịch bệnh, Lynteris nói rằng công nghệ mang lại cho những người sống trong cuộc khủng hoảng một cảm giác hy vọng.
“Người dân có một niềm tin huyền diệu vào công nghệ. Công nghệ đang trấn an cho công chúng rằng dịch bệnh sẽ được giải quyết”, ông Lynteris cho biết.