Tháng 9/2021, Nhà Trắng đăng tải thông cáo chung thành lập liên minh 3 bên “AUKUS” gồm Australia, Anh và Mỹ. Dự án đầu tiên của AUKUS là Mỹ, Anh sẽ chia sẻ công nghệ và chuyên môn để hỗ trợ Australia chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân đầu tiên của nước này. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm. Trước đó, Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ với Anh.
Đến tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và những người đồng cấp Anh, Australia đã tuyên bố lộ trình để Canberra sở hữu tàu ngầm mới chạy bằng năng lượng hạt nhân. Giai đoạn đầu là vào đầu những năm 2030 Australia mua tàu do Mỹ đóng và sau đó đến đầu những năm 2040 nhận tàu ngầm do chính nước này sản xuất.
Tờ Business Insider đánh giá trong những năm tới, tàu ngầm của Mỹ và Anh sẽ đến Australia thường xuyên hơn. Đến năm 2027, hải quân hai quốc gia này sẽ bắt đầu đặt căn cứ cho các tàu ngầm tấn công - một của Anh và tối đa là 4 chiếc của Mỹ - tại HMAS Stirling, một căn cứ hải quân của Australia gần thành phố Perth trên bờ biển Ấn Độ Dương.
Các tàu ngầm này sẽ luân chuyển qua HMAS Stirling thay vì được phân công vĩnh viễn. Các quan chức đánh giá sự hiện diện của các tàu ngầm này sẽ giúp phát triển năng lực và khả năng Australia vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trước thông báo ngày 13/3, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden cho biết: “Lực lượng luân phiên này sẽ giúp xây dựng vai trò quản lý của Australia. Nó cũng sẽ tăng cường khả năng răn đe với nhiều tàu ngầm của Mỹ và Anh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Chuẩn Đô đốc Jeffrey Jablon, chỉ huy lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, cho biết 25 trong số 49 tàu ngầm tấn công của Hải quân nước này đang đóng ở Thái Bình Dương. Theo ông Jablon, lực lượng Hải quân đã di chuyển một số tàu ngầm này ra xa hơn về phía Tây. Vào tháng 11/2021, Chuẩn Đô đốc Jablon thông báo rằng số lượng tàu ngầm tại Guam sẽ tăng từ hai lên năm chiếc và chiếc thứ năm đã đến vào tháng 3/2022. Tháng 11/2021, ông cũng đề cập rằng Hải quân Mỹ sẽ tăng cường đầu tư vào các cơ sở hỗ trợ tàu ngầm ở đảo Guam nhằm mở rộng khả năng hoạt động.
Giống như Guam, hoạt động từ Australia sẽ đưa các tàu ngầm đến gần Tây Thái Bình Dương hơn và tạo điều kiện để những phương tiện này có thêm thời gian trên biển. Ông Bryan Clark tại Trung tâm Công nghệ và Khái niệm Phòng thủ thuộc Viện Hudson (Mỹ) nhận định tàu ngầm hiện diện tại Perth có thể tham gia các đợt triển khai dài hạn hơn, hoạt động trong khu vực lên đến một năm thay vì triển khai thông thường với 6 tháng trong đó mất 1 tháng di chuyển từ Bờ Tây Mỹ.
Ông Harry Harris Jr. -cựu lãnh đạo của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cho biết có thể tránh được thời gian di chuyển từ Bờ Tây hoặc Bờ Đông nếu xuất phát từ Perth.
Nhưng tham vọng của AUKUS về tăng số lượng tàu ngầm ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương vẫn vấp phải trở ngại. Australia sẽ phải phát triển kiến thức thể chế và cơ sở vật chất để duy trì các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, điều mà nước này chưa từng làm trước đây.