Các nhà khoa học đã theo dõi tình trạng băng tan trong năm 2018 và kết quả cho thấy có gần 10 triệu km băng trên biển biến mất chỉ trong một mùa hè.
Đỉnh điểm băng tan ở Bắc Cực xảy ra vào tháng 7/2018. Khi đó, tốc độ băng tan ở đây được xác định vào khoảng 105.500 km2/ ngày. Diện tích này nhỉnh hơn một chút so với diện tích cả nước Iceland.
Đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Avinash Kumar, nói rằng “trên đất liền thì có vẻ như đây là tháng mùa hè tuyệt vời ở Bắc Cực, nhưng trong vòng 40 năm qua thì lượng băng trên biển mất đi trong tháng 9 đã tăng nhanh đến mức 12,8% mỗi thập kỷ và 82.300 km2 mỗi năm”.
Nghiên cứu này mô tả băng trên biển đã mất đi như thế nào trong vòng 40 năm qua và liên đới ra sao đến các quá trình diễn ra trong khí quyển toàn cầu.
Mỗi năm, chúng ta lại ghi nhận một kỷ lục về nhiệt độ tăng hoặc về tốc độ băng tan nhanh ở Bắc Cực, nhưng xét cả hệ thống toàn cầu, mỗi vùng trên hành tinh này chịu tác động của biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những biến đổi ở cả những vùng khác. Nếu băng trên biển vẫn tiếp tục mất đi ở mức độ này thì tác động của nó sẽ là thảm họa khi nhiệt độ tăng lên và vòng tuần hoàn đại dương toàn cầu chậm lại.
Các nhà nghiên cứu nhận định sự suy giảm băng ở đây chủ yếu do áp lực con người gây ra đối với môi trường.
Tác động của sự suy giảm này sẽ vô cùng khủng khiếp và dẫn đến tình trạng mực nước biển dâng lên kéo theo các hình thái khí hậu mới lạ. Những biến đổi xảy ra ở Bắc Cực có thể dẫn đến những biến đổi khác ở các vĩ độ thấp hơn, ví dụ như các điều kiện thời tiết cực đoan khó lường.
Tiến sĩ Kumar kết luận rằng nếu băng trên biển tiếp tục giảm đến mức 13% mỗi thập kỷ thì chỉ 3 thập kỷ nữa Bắc Cực sẽ không còn chút băng nào.