Vài tuần trước, khi xảy ra vụ việc cô giáo quỳ xuống xin lỗi phụ huynh, có người bạn hỏi tôi nghĩ gì? Trong đầu tôi lúc đấy bật ra hình ảnh của cậu thanh niên cách đây chừng 3 năm quỳ bên lề đường đông đúc ở Hà Nội, tay cầm tấm bảng nài nỉ xin việc. Một công việc bất kỳ, để mưu sinh.
Khi chúng ta nhìn thấy một người quỳ xuống van xin, bất kể đó là ai và vì lý do gì, thì chính mình phải thấy xấu hổ. Một xã hội còn có người phải quỳ, thì những người còn được đứng nên thấy xấu hổ, chỉ vậy thôi.
Người phải quỳ là một giáo viên, tất nhiên về mặt hình ảnh có chua xót hơn, nhưng suy cho cùng thì đó cũng là một người cần giữ “bát cơm” của mình. “Bát cơm”, “cần câu cơm”, “kiếm gạo”… hay những cách gọi tương tự của người Việt, dùng miếng ăn để ám chỉ sự quan trọng của công việc, chính là khi người ta đã không còn yêu thích, coi trọng công việc đó nữa. Thế nhưng vẫn phải làm, nhẫn nhục mà làm, vì mưu sinh. Đó là bi kịch thường xảy ra với trí thức, như anh giáo Thứ của làng Vũ Đại, đắn đo viết những bài báo ba xu để đổi lấy tiền mua thuốc cho con, hay là đấu tranh cho cần lao bằng cái bụng rỗng.
Nhưng có những nghề không thể làm với tâm thế kiếm cơm, ở một chất lượng miễn cưỡng tối thiểu được. Ví dụ như nghề y. Bác sĩ trước khi mổ mà nói "Tôi mổ cho anh cũng chỉ để nhận đồng lương", thì bệnh nhân sợ toát mồ hôi mà xin về nhà còn hơn. Ví dụ như nghề giáo. Người thầy mà lên lớp dạy cho xong việc, đủ buổi đủ tiết, thì trách sao học trò không trở thành những cái máy đọc-chép, hờ hững với trường lớp.
Một cách tình cờ, tôi lại có nhiều bạn bè làm nghề giáo. Dù đứng lớp một vài tháng hay cả chục năm trời, thì hầu hết họ đã bỏ dạy, chuyển nghề. Không ai trong số họ nói xấu bản đen phấn trắng hay than phiền gì về học trò, mà hầu hết, họ nói rằng nghề giáo cực quá, căng thẳng và thu nhập không tương xứng.
Có bạn, sau cả chục năm làm cô giáo ở một trường trung tâm Thủ đô, đã nghỉ việc về giúp chồng quản lý chuỗi siêu thị rất phát đạt. Có bạn, sau nhiều ngày tháng rời bục giảng phóng ngay đến làm lễ tân ở phòng khám nha khoa, để rồi bây giờ quay sang làm chủ phòng nha khoa riêng. Có bạn còn trụ với nghề giáo, thì để có thu nhập nuôi sống được gia đình, phải "chạy sô" không kém gì ca sĩ (làm giáo viên dạy theo môn phụ ở nhiều trường dân lập khác nhau). Những câu chuyện họ kể cho tôi, chỉ thấy nỗ lực, phấn đấu, mòn mỏi, nhưng vẫn tiếp tục bảo nhau phấn đấu.
Mà phấn đấu với nghề giáo nghĩa là gì? Rất cơ bản là lên lớp. Nhiều hơn nữa, dày đặc hơn nữa, ôm đồm hơn nữa. Một học kỳ tăng tải có thể mang lại danh hiệu thi đua cả năm, và năm nối năm, có thể ảnh hưởng tới tiến trình xét vào biên chế hay tăng lương. Các anh chị có con còn đi học, thử đến gặp và hỏi các giáo viên xem 1 tuần họ dạy bao nhiêu buổi, ở lại trường bao nhiêu giờ, quy ra giờ lao động công chức, sẽ rất ngạc nhiên. Đó là còn chưa nói đến những việc ngoài giờ nhưng lại liên quan trực tiếp, như chấm bài vở, soạn giáo trình, thiết kế học cụ...
Những giáo viên, như những cái máy, chạy hết công suất, lại không ngừng tăng tải, nhưng không có quyền sai sót. Họ là những công chức đặc biệt, khi mà sản phẩm là những con người. Ai cho phép giáo viên đập bàn bỏ ra ngoài như 1 anh công chức nóng tính? Ai cho phép giáo viên đầu giờ sáng cuối giờ chiều la cà tách cà phê cốc bia hơi? Ai cho phép giáo viên mất kiên nhẫn với học sinh, với phụ huynh, với đồng nghiệp?Họ luôn phải giữ mình trong cái gọi là sự mô phạm.
Một giáo viên từng nói với tôi rằng, Anh tin không, nhiều khi tôi cảm thấy cô đơn ngay khi đang giảng bài. Bởi vì thậm chí tôi không có quyền ngắt giờ giảng ấy để chia sẻ một tâm tư với học sinh, hoặc đơn giản là khóc chẳng hạn.- Những lúc ấy chị thường làm gì? - tôi hỏi - Những lúc cảm thấy mình quá căng thẳng ngay trên lớp ấy?- Tôi thường bảo học sinh lấy giấy làm bài kiểm tra đột xuất.
Tôi cười, câu chuyện có thể đã luôn là như thế. Đó là lý do vì sao thời đi học ai cũng sợ những bài kiểm tra đột xuất bất thình lình. Trong khi, đó rất có thể là một ám hiệu cầu cứu của chính người thầy, cho một khoảng yên tĩnh, vì chính họ đang không đứng vững nữa rồi, ngay trên bục giảng. Cô giáo ở Tp. Hồ Chí Minh, 3 tháng liền lên lớp không nói gì, chỉ ghi câu hỏi lên bảng. Việc cuối cùng cũng bị phát hiện, cô giáo bị kỷ luật, nhưng nhất quyết không chịu nói lý do cô làm như thế. Nhưng dù lý do là gì, tôi thấy ở đấy một người thầy quá cô đơn, khi không thể chia sẻ cùng ai.
Có 1 câu thơ la-tinh rằng "Quis custodiet ipsos custodes?" đại ý rằng "Ai sẽ gác những người canh gác?". Ai nhỉ? Thế nếu câu hỏi đơn giản hơn là: Nếu công việc căng thẳng đến mức người thầy phát điên thì sao? Chúng ta có tự hỏi câu ấy không, mỗi sáng khi gửi con tới trường với tất cả sự an tâm mặc định?
Và ừ, một cái bảng đen lại vừa mới im lặng chứng kiến một cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau. Hãy tin điều này: Sau những câu chuyện như thế, người thấy đau nhất lại vẫn chính là những người thầy.
Theo Khám phá