Nhà báo Sông Hương, tên thật là Nguyễn Văn Thân, sinh năm 1980. Anh đã có hơn 15 năm làm báo chuyên nghiệp tại nhiều cơ quan từ trung ương tới địa phương. Trong các lĩnh vực mà Sông Hương phụ trách, sắc sảo nhất phải kể đến là các bài viết phân tích chuyên sâu về kinh tế. Sau khi trải qua chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, anh đã tham gia tư vấn chiến lược, đào tạo truyền thông cho doanh nghiệp và thỉnh giảng tại một số trường đại học, cao đẳng,…
Báo chí truyền thông 4.0 - Sự tương tác đa chiều, chứa nhiều tư liệu quý, khái quát lại những sự kiện khủng hoảng truyền thông đáng chú ý trong những năm gần đây, cùng với bối cảnh báo chí hiện đại,… Từ đó, đưa ra những giải pháp, nhận định sâu sắc về sự tương tác đa chiều của báo chí và truyền thông, của báo chí truyền thông với độc giả. Không chỉ hướng dẫn cặn kẽ về cách làm, cách tiếp cận với báo chí thời đại “digital”, tác giả còn dùng kinh nghiệm, kiến thức của mình để khái quát lại những phương pháp tối ưu nhất, mà một người làm báo, làm truyền thông cần phải biết để phòng tránh và giải quyết các cơn khủng hoảng truyền thông.
Song song với kiến thức, cuốn sách còn là những suy tư của nhà báo Sông Hương với nghề nghiệp mà anh theo đuổi suốt 15 năm qua. Anh bộc bạch trong quyển sách: “Thời còn đi học, tôi tự tạo cho mình nhiều áp lực, với mong muốn sau này sẽ tìm được công việc ở một tòa soạn nào đó, bất kể lớn hay nhỏ. Thú thật, với tôi đó là một mơ ước mang tính bước ngoặt cuộc đời. Vì kết quả học tập trên giấy tờ của tôi chỉ ở mức trung bình, tôi lại xuất thân nghèo khó, nên điều kiện hỗ trợ học tập không nhiều. Nhưng điều đó lại mang đến cho tôi một con người độc lập, từ suy nghĩ cho đến hành động”.
Cuốn sách chứa nhiều tư liệu quý, cùng góc nhìn thú vị, đa chiều về báo chí truyền thông. Ảnh: Ngọc Giàu |
Lượng thông tin đồ sộ, cùng góc nhìn thú vị của nhà báo Sông Hương trong Báo chí truyền thông 4.0 - Sự tương tác đa chiều, sẽ giúp những phóng viên, chuyên viên mới vào nghề PR, và cả sinh viên, có thể định vị lại tư duy về báo chí và truyền thông. Nhằm có thêm nguồn cảm hứng, và đam mê để theo đuổi nghề báo, nghề truyền thông - vốn được xem là vất vả, nguy hiểm, nhưng đã dấn thân thì khó lòng dứt ra được.
Nói về cuốn sách, nhà báo Sông Hương trăn trở: “Trong suốt những năm rong ruổi với nghề, tôi nhận ra rằng, dù công nghệ có phát triển đến đâu, thì cái gốc của báo chí truyền thông vẫn không hề thay đổi. Cái gốc đó chính là “sự thật”. Sự thật trong báo chí truyền thông luôn chứa đựng vẻ đẹp hoàn mỹ, hấp dẫn độc giả bằng sự tinh tế, có giá trị định hướng cuộc sống. Tôi không có tham vọng quyển sách này sẽ trở thành khuôn mẫu giảng dạy báo chí và truyền thông, mà chỉ mong muốn gợi mở một cách tiếp cận mới: Chuyên nghiệp hơn, giá trị hơn và bền vững hơn”.
Lượng thông tin đồ sộ, cũng như tâm tư về nghề nghiệp trong cuốn sách sẽ giúp rất nhiều sinh viên báo chí, truyền thông định hướng lại đường đi của mình. Ảnh: Ngọc Giàu |