BS Nguyễn Thị Hương Giang, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, BV Việt Đức cho biết, bệnh nhi 6 tuổi từ Nam Định chuyển lên do chó nhà cắn.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, đa vết thương hàm mặt phức tạp, với vết thương dài và sâu ở cung mày trán phải với kích thước 2x5 cm, vết thương góc trong mắt diện tích 10cm2, 1 vết thương trán thái dương rộng 3 cm và một vết thương gò má trái bị lóc da rộng khoảng 6 cm, sát với đường đi thần kinh và ống tuyến nước bọt. Các bác sĩ cho biết nếu đứt dây thần kinh có nguy cơ liệt mặt.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu, thăm dò vết thương, trong đó phát hiện vết thương má lộ dây thần kinh VII, kiểm tra không thấy đứt, tuy nhiên bị đứt dây chằng góc mắt trong. Bệnh nhi sau đó đã được khâu phục hồi, xử trí đa vết thương.
Bệnh nhi đã tỉnh táo sau 2 ngày phẫu thuật |
Sau 2 ngày phẫu thuật, hiện bệnh nhi đã tỉnh táo, được tư vấn tiêm phòng dại. Dự kiến cuối tuần này, bệnh nhi sẽ được xuất viện.
Gia đình cho biết, cháu bé bị chó nhà nặng 30kg xông vào cắn khi đang nô đùa ngoài sân. Nghe thấy tiếng hét, người lớn chạy ra can ngăn nhưng không kịp. Con chó chưa được tiêm phòng dại.
Như vậy, trong vài tháng qua, BV Việt Đức liên tục tiếp nhận các trường hợp bị chó nhà cắn, trong đó hầu hết là trẻ em. Nghiêm trọng nhất là trường hợp bé gái 8 tháng tuổi (Hà Nội) bị chó Ngao của nhà cắn dẫn đến sốc mất máu rồi tử vong. Khi bà mẹ nhìn thấy con bị chó cắn, chị chạy vào giằng con cũng bị chó cắn nhiều nhát vào tay.
Do đó bác sĩ khuyến cáo cần hạn chế nuôi những con vật có nguy cơ bị dại. Khi nuôi chó, mèo… cần tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi và đeo rọ mõm. Khi không may bị súc vật cắn, dù là vết thương nhỏ cũng cần phải theo dõi con vật, 1 số trường hợp người nhà giết chết con vật ngay sau khi bị con vật cắn nên khó theo dõi bệnh dại của người bị súc vật cắn.