Đột quỵ gia tăng ở người trẻ tuổi
Vào mùa lạnh, nguy cơ tai biến (hay còn gọi là đột quỵ) gia tăng-nhất là những người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol, người bị xơ vữa động mạch… Đối với người cao tuổi, khả năng miễn dịch và tính chịu đựng cơ thể kém, mạch máu giảm tính đàn hồi, trở nên cứng hơn, máu tăng độ quánh do tăng mỡ máu, thành mạch xơ vữa, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị kết vón, lưu lượng máu qua não giảm… nên nguy cơ xảy ra đột quỵ não cao hơn. Đặc biệt vào mùa lạnh, thời điểm giao mùa cơ thể khó thích nghi với những thay đổi bất thường của thời tiết.
Theo số liệu tại khoa Tâm thần kinh, BV Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, số bệnh nhân đột quỵ não điều trị tại khoa vào mùa lạnh tăng 40% so với các mùa còn lại.
Các chuyên gia tim mạch cho biết, tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim là hai căn bệnh có nguy cơ tử vong rất cao, bệnh liên quan đến sự hình thành các cục máu đông gây nên tắc nghẽn động mạch.
Tai biến mạch máu não là bệnh lí cấp tính, xảy ra đột ngột do mạch máu não bị vỡ hoặc tắc mà không do chấn thương sọ não khiến cho các tế bào thần kinh bị tổn thương và rối loạn hoạt động chức năng. Biểu hiện là triệu chứng: đau đầu đột ngột, liệt nửa người, méo miệng, nói khó… thậm chí hôn mê, tử vong.
Điểm đáng chú ý là hiện nay, bệnh đột quỵ đã có dấu hiệu gia tăng ở người trẻ tuổi. PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai cho biết, trong vòng 20 ngày gần đây Trung tâm đã tiếp nhận 750 ca bệnh nhân đột quỵ. Đáng báo động trong số đó có 60 người có độ tuổi từ 18-44 (chiếm tỷ lệ gần 10%). Điều đáng tiếc là họ đến bệnh viện nên mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại những hệ lụy đáng tiếc.
Bệnh nguy hiểm trong mùa lạnh là đột quỵ. |
Các bác sĩ nêu thực trạng hiện nay, bên cạnh việc những người trẻ tuổi chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi thì đã có một số người trẻ có lựa chọn không đúng để ứng phó với thời tiết lạnh giá: Đó là uống rượu để “ấm bụng”.
Theo PGS.TS bác sĩ cao cấp Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, BV Bạch Mai, quan niệm uống rượu giúp làm nóng cơ thể là hoàn toàn sai lầm và phản khoa học. Khi uống rượu trong thời tiết giá lạnh mà còn mặc quần áo không đủ thì rất nguy hiểm bởi khi uống rượu, các mạch máu giãn ra, gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến, đột quỵ và nguy cơ tử vong rất cao.
Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người không nên uống rượu, nhất là trong thời tiết giá lạnh. Khi trời lạnh đột ngột, tốt nhất những người bệnh, người có sức khỏe yếu hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải ra ngoài đường, tiếp xúc với trời lạnh, tốt nhất nên mặc đủ ấm.
Với người cao tuổi, để phòng đột quỵ, người cao tuổi cần thường xuyên vận động cơ thể và rèn luyện thể thao bằng những môn nhẹ nhàng như đi bộ, dưỡng sinh…; cung cấp đủ nước hằng ngày cho cơ thể chứ không chờ lúc khát rồi mới uống; từ bỏ rượu bia nhất là đối với những người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường; tích cực ăn nhiều rau xanh, trái cây hạn chế chất béo, thức ăn chứa nhiều muối và dầu mỡ; kiểm tra sức khỏe định kỳ…
Ở người trẻ tuổi, cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phí… Nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ, PGS.TS Mai Duy Tôn đưa ra lời khuyên.
Hàng loạt bệnh về da “gõ cửa”
Trời rét thường kèm theo độ ẩm không khí giảm, khô hanh. Mùa này cũng trở thành nỗi ám ảnh với những người mắc chứng bệnh viêm da cơ địa. Bé N.T.H., 6 tháng tuổi ở Hà Nội khi mới sinh da dẻ nhẵn nhụi, hồng hào nhưng bỗng nhiên đến mùa Đông da mặt chợt nổi các mẩn đỏ, ban đầu là các nốt li ti, sau đó các nốt cứ dày thành từng đám khiến cả 2 bên má luôn đỏ lựng khiến bé ngứa ngáy, quấy khóc. Gia đình bôi kem dưỡng ẩm thì triệu chứng suy giảm. Tuy nhiên, cứ đến thời điểm thời tiết hanh khô tình trạng lại nặng thêm khiến mẹ cháu trở nên ám ảnh bởi con sẽ ngứa ngáy gãi liên tục, khó chịu trong người nên quấy khóc, bỏ ăn… Đó là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ.
ThS.BS Hoàng Văn Tâm, BV Da liễu Trung ương cho biết, viêm da cơ địa là bệnh viêm da mãn tính ở các vị trí đặc biệt, có tính chất tái phát và có yếu tố gia đình. Đây là một bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ em.
Cho đến nay, các nghiên cứu chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh này nhưng qua nghiên cứu cho thấy bệnh có liên quan đến 4 yếu tố: Gia đình-người thân trong gia đình có bệnh lý về cơ địa (viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen phế quản, viêm kết mạc mùa Xuân) hoặc bản thân trẻ có những bệnh lý về cơ địa; Có thể liên quan đến môi trường, xuất hiện nhiều hơn về mùa Đông khi thời tiết hanh khô hoặc nặng hơn về mùa Hè khi chúng ta ra quá nhiều mồ hôi hay ô nhiễm môi trường có chất thải có nguồn gốc từ dầu mỏ, bệnh lý về vi khuẩn đặc biệt tụ cầu vàng;
Do hàng rào bảo vệ da bị suy giảm, ví dụ nền nhà có những viên gạch được ghép bởi xi măng, có thể lớp xi măng gắn kết giữa các tế bào bị phá hủy; Do quá trình viêm ở da quá mức, bình thường các tế bào viêm có tác dụng chống yếu tố ngoại lai nhưng phản ứng miễn dịch quá mức gây ra phản ứng viêm tại chỗ gây ra bệnh.
Biểu hiện điển hình ở trẻ viêm da cơ địa là xuất hiện các mụn đỏ li ti thành từng đám ở má, cằm. Ở trẻ lớn hơn thì xuất hiện ở vùng nếp gấp khuỷu, khoeo, cổ, cổ tay, biểu hiện không phải mụn nước từng đám mà rác đỏ, dày sừng, bệnh nhân ngứa nhiều khiến trẻ thường xuyên cào gãi hoặc chà xát, làm hàng rào da thêm tổn thương, nhiễm trùng. Vì vậy, trẻ có thể ăn kém, khó ngủ. Nếu tình trạng này kéo dài, vùng da có thể trở nên lichen hóa, có nghĩa dày và cứng và sẫm màu hơn.
Có rất nhiều yếu tố có thể khởi phát đợt bệnh và làm trầm trọng bệnh. Khí hậu hanh khô làm cho da khô hơn nên các trẻ viêm da cơ địa thường nặng hơn về mùa Đông và đỡ hơn về mùa Hè. Sử dụng xà phòng, tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa cũng làm bệnh nặng lên. Điều kiện vệ sinh kém, nhiễm khuẩn, thức ăn cũng là những yếu tố hay gặp khởi phát đợt cấp của viêm da cơ địa.
Để hạn chế những triệu chứng của bệnh, bác sĩ Tâm đưa ra lời khuyên, mọi người cần chăm sóc viêm da đều đặn, thường xuyên bằng kem dưỡng ẩm, trẻ em dùng 100-200gr/tuần; người lớn 3-500gr/tuần. Việc dùng phải đủ, đúng, ít nhất 2 lần/ngày và dùng theo nhu cầu của bệnh nhân, da khô có thể dùng 3-5 lần/ngày. Đặc biệt, tốt nhất là dùng khi da còn ướt, sau tắm 5-10 phút sẽ đạt hiệu quả tối đa.
Đồng thời, hạn chế tối đa yếu tố môi trường vào cơ thể. Lựa chọn quần áo cho đúng vì trẻ dễ bị dị ứng với các sản phẩm tiếp xúc như len lông cừu gây dị ứng, quần áo có nguồn gốc ni-lông khi mặc bí, khó thoát mồ hôi khiến tóat ra nhiều hơn, gây ngứa khiến trẻ gãi nhiều hơn.
Bên cạnh đó, trong chăm sóc tắm rửa cũng không nên sử dụng các loại lá vì có thể chứa thành phần làm da khô ráp gây gứa, bệnh nhân cào gãi nhiều làm bệnh nặng hơn. Hạn chế sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa làm cho da bị kích thích, bệnh nặng hơn. Ngoài ra chú ý chế độ ăn, 2 loại thức ăn có bằng chứng rõ ràng nhất làm bệnh nặng hơn hoặc xuất hiện triệu chứng là trứng gà, sữa bò, 1 số trẻ dị ứng tôm, cua, hải sản…
Nguyên tắc điều trị chính là phục hồi hàng rào da, kiểm soát nhanh đợt cấp bằng thuốc chống viêm, duy trì tình trạng ổn định của bệnh bằng dưỡng ẩm. Trong các đợt cấp, phụ huynh nên đưa con đến khám tại chuyên khoa da liễu, nhận định, chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh và có được phương án điều trị phù hợp.
Cảnh giác với các bệnh đường hô hấp
Bệnh hô hấp là căn bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa, nhất là đối với trẻ nhỏ. |
Bệnh hô hấp là căn bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa, khi nhiệt độ giảm sâu. Thời tiết hiện nay là môi trường, điều kiện lý tưởng để các loại virus gây bệnh hô hấp phát triển, trong đó có một số bệnh như cúm mùa. Đặc biệt mùa Đông năm nay cộng đồng trên toàn cầu còn bị đe dọa bởi virus SARS-CoV-2, gây bệnh COVID-19.
Theo Cục Y tế Dự phòng, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C). Riêng cúm A có thể gây biến chứng ở những nhóm đặc biệt như trẻ dưới hai tuổi, người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản mạn, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, bệnh về gan, thận... Người suy giảm miễn dịch như HIV, ghép tạng phải uống thuốc chống thải ghép, bệnh khớp uống thuốc chống viêm... cũng trong nhóm nguy cơ.
Đối với bệnh COVID-19, đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tại Việt Nam vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm ở giai đoạn 1. Trên thế giới cũng chưa đưa vào sử dụng rộng rãi. Bệnh sẽ diễn biến nặng, có thể gây tử vong với những người cao tuổi, mắc bệnh mãn tính (tim mạch, béo phì, tiểu đường…), người có sẵn bệnh lý nền nặng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuân thủ thực hiện 5K: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” để giữ an toàn. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Để chủ động phòng chống các bệnh về đường hô hấp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuân thủ thực hiện 5K: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” để giữ an toàn. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.