Liên quan đến vụ bêu danh người mua bán dâm ở thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (Kiên Giang), chiều 31-1, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng đồng thời là người phát ngôn Bộ Công an, cho hay: Bộ đã yêu cầu Công an tỉnh Kiên Giang báo cáo sự việc. “Hiện Bộ chưa nhận được báo cáo từ đơn vị này. Khi có thông tin cụ thể, Bộ sẽ chỉ đạo Công an tỉnh Kiên Giang thông tin theo quy định” - ông nói. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho hay bà cũng đã nắm được thông tin về sự việc. “Chậm nhất là ngày mai (1-2) Hội LHPN Việt Nam sẽ có văn bản chính thức lên tiếng về vụ việc này” - bà nói.
Hôm nay sẽ chính thức thông tin cho báo chí
Tại Kiên Giang, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Phạm Trung Thành, Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết sẽ thông tin sự việc tại buổi họp báo sáng nay (1-2). Đây là buổi họp báo định kỳ do Sở TT&TT tỉnh Kiên Giang tổ chức.
Sáng 31-1, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết đã nắm sự việc. “Tỉnh đã chỉ đạo công an tỉnh thẩm tra, xác minh vụ việc, sau đó sẽ công khai với báo chí” - ông nói. Công an huyện Phú Quốc cũng thành lập tổ thanh tra, kiểm tra vụ việc, sẽ xử lý theo quy định những người sai phạm (nếu có).
Bước đầu Công an tỉnh Kiên Giang xác định: Rạng sáng 29-1, Công an thị trấn Dương Đông kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang một đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm tại một quán cà phê thuộc khu phố 10, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc do bà Phạm Thị Bé Ch. (quê Đồng Tháp) làm chủ.
Theo kết quả điều tra, bà Ch. thu tiền của người bán dâm là 110.000 đồng/lượt. Công an thị trấn Dương Đông đã lập biên bản vi phạm hành chính. Đầu giờ chiều 29-1, công an tổ chức họp dân tại tổ dân phố để công khai hành vi của những người vi phạm ở vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 10, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc.
Buổi bêu danh hành vi mua bán dâm có cả trẻ em tham dự. |
Luật không quy định
Việc công an bêu danh bốn người giữa phố cho người đi đường nhìn mặt kèm tên tuổi, nghề nghiệp, quê quán của người mua dâm, bán dâm… được người dân quay clip, tung lên mạng gây làn sóng phản ứng dữ dội của dư luận. Các luật sư, chuyên gia đều cho rằng hành vi của công an là xúc phạm danh dự, nhân phẩm những người bị bêu tên, đề nghị công an phải xin lỗi người trong cuộc, xử lý các công an sai phạm…
Nghiêm cấm việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
(Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính)
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay ông cũng đã đọc thông tin về vụ việc qua báo chí.
Ông nêu quan điểm: Phải xem pháp luật có quy định nào cho phép chính quyền, cơ quan chức năng hành xử với những người mua bán dâm như vậy hay không. Nếu không có quy định, không được phép làm như thế thì cũng phải làm rõ tại sao lại có hành xử như vậy. Sai ở bước nào, quy định nào phải làm rõ. Và nếu ai ra chủ trương thì phải chịu trách nhiệm, ai thực hiện cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm xấu với gia đình và chính những người bị bêu danh đó.
Một cựu lãnh đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM khẳng định việc làm của Công an thị trấn Dương Châu là sai luật.
Ông phân tích: Theo Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, người mua dâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt được quy định tại Nghị định 167/2013 của Chính phủ từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi mua dâm. Phạt tiền 2-5 triệu đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc. Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm.
Đối với người bán dâm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính và nơi xử phạt có thể làm công văn thông báo về địa phương cư trú hành vi của người bán dâm để có biện pháp theo dõi, quản lý. Theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ, hành vi bán dâm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Phạt tiền 300.000-500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.
Pháp lệnh này cũng nêu cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định thì còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền.
Luật nghiêm cấm việc bêu riếu, làm nhục
Theo thông tin trên báo chí, Công an thị trấn Dương Đông bắt quả tang tiếp viên có hành vi kích dục cho khách và công an xử lý họ về hành vi mua bán dâm. Việc kích dục có phải là mua dâm, bán dâm hay không vẫn chưa có cách nhìn thống nhất, chưa có khung pháp lý chung về pháp luật. Ở đây, chúng ta không bàn về hành vi kích dục có là hoạt động mại dâm mà chúng ta chỉ bàn về việc công an bêu tên tuổi, quê quán, hành vi của họ trước bàn dân thiên hạ.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi mua bán dâm (cho dù có) thì cũng không thể áp dụng biện pháp bêu tên của họ. Bởi kể từ thời điểm Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực pháp luật thì người mua dâm, bán dâm không bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hành vi mua dâm, bán dâm chỉ bị xử phạt theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ.
Theo nghị định trên, hành vi mua dâm, bán dâm chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra, người vi phạm không bị áp dụng bất kỳ một biện pháp cưỡng chế hay biện pháp khắc phục hậu quả nào khác. Với quy định này thì lực lượng công an hoàn toàn không thể áp dụng biện pháp bêu tên của họ với tư cách là một chế tài pháp lý.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chỉ những hành vi vi phạm sau mới bị công bố công khai: Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.
Rõ ràng hành vi mua dâm, bán dâm không thuộc trường hợp bị công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nên lực lượng công an không được áp dụng biện pháp này với họ.
Điều 27 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định: “Người có hành vi vi phạm quy định về mại dâm là cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật”. Trong vụ việc trên, người mua dâm và bán dâm đều không phải là cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân nên không thể áp dụng việc “thông báo” công khai người vi phạm giữa phố xá đông người.
Như vậy, về mặt pháp lý, việc bêu tên người mua bán dâm giữa đường là hoàn toàn không có cơ sở.
Với thẩm quyền của mình, cơ quan Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) không thể “tự nghĩ” ra một biện pháp cưỡng chế mới áp dụng đối với người vi phạm. Dưới góc độ của người bị bêu tên, họ có quyền khiếu nại hay khởi kiện về hành vi hành chính này. Nếu biện pháp này được quy định cụ thể trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì họ có quyền khiếu nại hay khởi kiện về quyết định hành chính này.
Dưới góc độ đạo lý, hành vi mua bán dâm là trái thuần phong mỹ tục và đáng lên án. Tuy nhiên, việc lên án không thể thực hiện bằng cách bêu riếu, làm nhục họ như vậy.
TS CAO VŨ MINH, ĐH Luật TP.HCM