Giáo sư Nishiura Hiroshi từ Đại học Kyoto, người chuyên nghiên cứu mô hình toán học về các bệnh truyền nhiễm, đã phân tích dữ liệu bộ gen của biến thể có nguồn gốc từ Nam Phi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn đầu của sự bùng phát biến thể Omicron ở Nam Phi, hệ số lây nhiễm của biến thể này, tức số người trung bình nhiễm phải từ một người mắc, cao gấp 4,2 lần so với hệ số lây nhiễm của biến thể Delta.
Con số này được tính toán dựa trên quá trình phân tích thông tin gene của khoảng 200 ca mắc COVID-19 ở Nam Phi trong giai đoạn từ tháng 9 đến cuối tháng 11.
Giáo sư Nishiura cảnh báo biến thể Omicron có thể gây ra các rủi ro cao ngay cả ở những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao.
“Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn và né tránh được hệ miễn dịch tự nhiên hoặc thông qua vaccine nhiều hơn", theo báo cáo của ông Nishiura gửi cho Bộ Y tế Nhật Bản.
Các nhà khoa học lo sợ biến thể Omicron có thể giáng một đòn vào đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng biến thể mới có thể gây ra “hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, giới chức y tế Nam Phi cho biết dù số ca mắc mới tăng mạnh tại nước này, nhưng hầu hết là các trường hợp nhẹ. Liên doanh Pfizer và BioNTech cũng cho biết tiêm đủ 3 mũi vaccine có thể giúp tăng khả năng bảo vệ cơ thể trước biến thể mới này.
Hàng trăm nhà nghiên cứu trên toàn cầu đang chạy đua với thời gian để giải mã biến thể mới, đây là chủng khác biệt nhất trong số 5 biến thể mà WHO quan tâm kể từ khi đại dịch bắt đầu.