Theo bà Trần Thị Nhị Hà, thành phố Hà Nội đã quyết định trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp hiện nay tổ chức điều trị cho các trường hợp F0 thể nhẹ và cách ly F1 tại nhà, giao cho y tế cơ sở tiếp cận từng hộ gia đình...
Điều này phù hợp với nguyện vọng người dân, đồng thời giúp y tế cơ sở cùng các lực lượng gồm: Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, các tổ chức đoàn thể cơ sở… chủ động trong việc tiếp cận, hỗ trợ ngành y tế trong lúc ngành đã bị quá tải. Tuy nhiên cũng cần sự giám sát chặt chẽ để quản lý F1 hay điều trị F0 tại nhà, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Đối với vấn đề đi học trở lại của học sinh , Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, qua thời gian thí điểm đi học trực tiếp ở khối 9 và khối 12, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 64.000 học sinh khối lớp 9 và 12 đi học an toàn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, trước tình hình dịch bệnh, vấn đề y tế học đường rất quan trọng, tuy nhiên, toàn thành phố còn thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối Trung học cơ sở thiếu 88 người.
Đồng thời đề xuất cho phép ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học, nếu không thì được ký hợp đồng với các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn; tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.
Báo cáo về công tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), thành phố ghi nhận 14.925 ca mắc COVID-19, trong đó 5.443 ca ngoài cộng đồng.
Với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, thành phố đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ; kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.