Làm chiếu lệ
Năm 2007, bà Trương Nhật Lệ mua thửa đất nông nghiệp có tổng diện tích hơn 12.000m2 tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM và một năm sau được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà.
Trong lúc bà Lệ đang cải tạo, chuẩn bị trồng trọt thì bất ngờ bị ông Trần Văn Ân không biết từ đâu “nhảy dù” vào “chiếm” 30m2 đất, dựng nhà ở. Nhiều lần, bà nói chuyện với ông Ân yêu cầu ông ra khỏi đất nhà mình nhưng đều bị vợ chồng ông Ân vác dao dọa lại. Không còn cách nào khác, bà gửi đơn khiếu nại, tố cáo về việc bị chiếm đất một cách vô lý này đến UBND phường Bình Hưng Hòa và UBND quận Bình Tân. Vậy nhưng, đơn từ cứ được đùn qua, đẩy về cho đến nay đã 9 năm trời mà chưa được chính quyền địa phương giải quyết.
“Cứ mỗi lần tôi gửi đơn, chính quyền địa phương lại mời tôi lên họp, ghi nhận; cũng có lần UBND phường tiến hành lập biên bản, cưỡng chế. Tuy nhiên, họ làm chiếu lệ, đội cưỡng chế của phường cứ đến rồi đi”, bà kể lại. Vì vậy, khi chính quyền rút đi, ông Ân không chỉ dựng lại công trình mà còn chiếm thêm đất. Bà Lệ lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại. Sự việc cứ quay vòng như thế cả 9 năm nay nhưng ngôi nhà trái phép của ông Ân không hề lay chuyển.
Ngày 10/8 có mặt tại nơi ông Ân “nhảy dù” vào đất của bà Lệ, chúng tôi ghi nhận, mảnh đất mà ông Ân chiếm dụng giờ đã phình to, rộng gần nghìn mét vuông. “Ông Ân còn ngang nhiên cho người khác thuê đất của tôi làm khu vui chơi và bán hàng. Mọi việc cứ diễn ra một cách “hồn nhiên” như xung quanh không tồn tại các cấp chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nào vậy”, bà Lệ nói như khóc.
Phải quyết liệt cưỡng chế
Trong nhiều lần làm việc với bà Lệ và văn bản ban hành, chính quyền phường Bình Hưng Hoà và quận Bình Tân xác định ông Ân “nhảy dù” vào đất của bà Lệ là sai. Thế nhưng, dù biết để một người khác chiếm đất trái phép là vi phạm pháp luật, những người có trách nhiệm ở phường và quận vẫn không giải quyết.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về những tắc trách khó hiểu này, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân nói việc này địa phương đang trong quá trình giải quyết, phường cũng đã mời bà Lệ lên để trao đổi rồi. Tuy nhiên, việc “đang trong quá trình giải quyết” của UBND phường Bình Hưng Hoà đã kéo dài từ 9 năm nay, bởi theo bà Lệ, cứ mỗi lần bà liên hệ kêu cứu, lãnh đạo phường đều trả lời như vậy.
Trước đó, UBND quận Bình Tân cũng có văn bản số 1013 báo cáo UBND TPHCM sau khi cơ quan này yêu cầu UBND quận Bình Tân giải quyết dứt điểm vụ việc trên. Tại văn bản này, UBND quận Bình Tân xác nhận bà Trương Nhật Lệ bắt đầu gửi đơn khiếu nại từ tháng 6/2008, đồng thời nêu rõ: đối với trường hợp này, UBND phường Bình Hưng Hoà chưa thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn và chức trách được giao.
Tiếp theo đó, UBND quận đã giao trực tiếp việc này cho Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hoà phải chủ trì và phối hợp với đội trật tự đô thị quận tiến hành xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất của ông Trần Văn Ân đồng thời cưỡng chế, phá dỡ dứt điểm công trình vi phạm. Nhưng từ đó đến nay, công trình vi phạm của ông Ân không hề được phá dỡ, thậm chí còn “phình” rộng ra.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 10/8, ông Lê Văn Thinh - Chủ tịch UBND quận Bình Tân xác nhận có nắm sự việc và cho rằng đã họp và chỉ đạo phường kiểm tra, nhanh chóng xử lý vụ việc. “Chúng tôi cũng đã giao cho một phó chủ tịch quận phụ trách vụ việc của bà Lệ”- ông Thinh nói.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng việc chiếm hữu sử dụng một phần khu đất của bà Lệ mà không có sự đồng ý, không có căn cứ pháp luật, là hành vi vi phạm pháp luật và xâm phạm quyền tài sản của bà Lệ. Còn việc xây dựng nhà trên đất bà Lệ của ông Ân là xây dựng trái phép. Vì vậy, chính quyền địa phương phải quyết liệt cưỡng chế tháo dỡ ngay khi phát hiện.
“Tôi không có anh em, họ hàng gì với ông Trần Văn Ân, cũng không phải là người chịu trách nhiệm với cuộc sống không có nhà ở của ông ấy, vậy mà lãnh đạo phường hỏi tôi “cưỡng chế ông ấy rồi ông ấy ở đâu?” Tại sao chính quyền địa phương có thể làm điều phi lý đến như thế với tôi?”.
Bà Trương Nhật Lệ
Theo Tiền Phong