Theo Bộ Công an, quy định tại Khoản 1 Điều 15 Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân thì khi công dân làm thủ tục chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số sang thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thu CMND 9 số, CMND 12 số do công dân nộp.
Đối với trường hợp CMND 9 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì cán bộ tiếp nhận sẽ cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục. Ngay sau khi nhận CMND đã cắt góc hoặc sau đó, nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan tiến hành cắt góc CMND 9 số có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân.
Mẫu giấy xác nhận số CMND (Ảnh minh hoạ).
Mẫu giấy xác nhận số CMND (Ảnh minh hoạ).
Trường hợp CMND 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân.
Tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 66/2015 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân, tàng thư Căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định: Thủ trưởng đơn vị tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân ký giấy xác nhận số CMND cho công dân.
Như vậy, trường hợp người dân có nhu cầu cấp Giấy xác nhận số CMND thì Thủ trưởng cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân trước đây có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND.
Bộ Công an cũng đã trả lời thắc mắc về việc giải quyết các trường hợp trùng số CMND. Theo đó, đối với trường hợp công dân phát hiện bị trùng số đề nghị cấp đổi thì Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an cấp tỉnh hoặc Công an cấp huyện phải tiếp nhận, tra cứu tàng thư để xác định CMND đó trùng số với CMND của công dân nào để lập danh sách theo dõi và cấp đổi ngay CMND với số CMND mới cho công dân đó.
Tất cả các trường hợp cấp đổi CMND nêu trên không yêu cầu công dân phải làm đơn đề nghị và không được thu lệ phí (lệ phí cấp đổi CMND do cá nhân, đơn vị làm sai phải chịu trách nhiệm nộp theo quy định). Sau khi đã cấp số CMND mới cho công dân thì tiến hành xác nhận số CMND cũ cho công dân khi có yêu cầu để phục vụ giao dịch.
Như vậy, đối với trường hợp công dân bị trùng số CMND thì cần làm thủ tục đổi CMND gồm: Sổ hộ khẩu, CMND cũ và trực tiếp đến Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an cấp huyện) hoặc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) nơi cư trú để được giải quyết.
Đối với thắc mắc về thủ tục thay đổi ngày, tháng, năm sinh trên CMND, Bộ Công an dẫn ra quy định tại Điểm a Mục 2 Phần II Thông tư số 04/1999/TT-BCA(C13) ngày 29/4/1999 của Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/2/1999 của Chính phủ về CMND khi thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh. Những thay đổi này phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Việc ghi thông tin trên CMND phải phù hợp với thông tin ghi trên Sổ hộ khẩu và Giấy khai sinh.
“Khi công dân có yêu cầu thay đổi ngày, tháng, năm sinh trên CMND thì trước hết công dân phải liên hệ với cơ quan tư pháp để điều chỉnh lại thông tin về ngày, tháng, năm sinh trên Giấy khai sinh, sau đó điều chỉnh thông tin về ngày, tháng, năm sinh trên Sổ hộ khẩu.
Sau khi công dân đã thực hiện việc điều chỉnh thông tin về ngày, tháng, năm sinh trên Sổ hộ khẩu theo thông tin về ngày, tháng, năm sinh trên Giấy khai sinh thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành làm thủ tục đổi CMND theo thông tin về ngày, tháng, năm sinh mới cho công dân”- Bộ Công an trả lời.
Theo Dân trí