Nhưng kinh nhất là ông đòi mua di động đời cao, màn hình rộng. Ổng bảo để chơi game.
Ảnh minh họa
Chiều ông Kễnh, tôi mua cho con smartphone Tầu, nạp đủ game tải đủ nhạc. Ông chơi say sưa, say sưa nhưng ăn vẫn đều bữa và ngủ những giấc thiên thần, khác hẳn với những thể loại ông Kễnh khác. Tôi luôn mồm động viên, chơi giỏi, sau làm game thủ nuôi cha. Thành ra ông chuyên tâm lắm.
Lên 5, tôi tống đi mẫu giáo. Bữa đầu ông đánh bạn, bữa sau ông ị đùn, bữa sau thì đòi ti khi cô giáo đang dỗ sự dỗi hờn. Cô gọi tôi lên, tuyên bố trả về nơi “sản xuất” hoặc chuyển trường khác. Tôi tá hỏa tam tinh, nịnh cô hơn cả thủ trưởng. Thôi thì trăm sự nhờ cậy, bởi tấm bé tôi còn kinh hãi hơn nhiều, ấy thế mà lớn lên ngoan hiền như chó cảnh. Cô giáo cười duyên khen tôi đã khôi ngô lại còn khôi hài. Tiếc là đẻ thằng con lại… hơi dại.
Sắp tốt nghiệp hệ “cơm nát”, ông Kễnh ngoan hẳn ra. Cô giáo khen thông minh và bớt dại. Tôi phấn khởi, hồ hởi mà bi bô, rằng con nhà tông chẳng giống lông thời giống cánh. Cô lại cười duyên, chêm pha cái sự ông vắng học vì sự sụt sùi hay đi tướt. Những khi ấy là cô buồn. Tôi xúc động lắm, hỏi sao sao. Cô không nói, liếc tôi, mắt sắc như dao bổ cau được anh thợ thổi bễ chuyên tâm mài giũa.
Năm nay, ông Kễnh lên 6, ít ngày nữa đi lớp 1. Ngày chia tay mẫu giáo, ông lăng xăng làm phó nháy bằng cái smartphone Tầu vẫn thường chơi game. Ông bắt tôi đứng cạnh cô giáo để chụp hình rồi nói những lời yêu thương. Tất nhiên là với cô giáo. Chứ với tôi, ông coi như hơi thở dài mỗi khi buồn và như hạt rượu say mỗi khi quá chén.
Tôi làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ phụ huynh là tặng cho cô giáo bó hoa to to và cái phong bì nho nhỏ. Tôi nương theo ông Kễnh mà bảo rằng, cháu nó nhớ cô lắm đấy. Cô buồn buồn, rằng em cũng nhớ cháu, rảnh anh cứ cho cháu lại chơi. Tôi gật gù, sợ cô bận, còn bao nhiêu đàn cháu khác. Cô xua tay, không đâu, không đâu.
Hôm nọ buồn tình, tôi đưa ông Kễnh đi chơi. Đây là nói thế, chứ ông ấy hay nói với mọi người là được bố rủ đi chơi. Lang thang chán, rủ ông đi uống bia nhưng ông chỉ nốc coke. Ngồi mãi cũng nhạt, ông bảo để gọi cô giáo. Ừ, thì gọi đi. Ông nhoay nhoáy điện thoại, rằng bố con mời cô đến uống bia, ăn xúc xích. Tôi xấu hổ quá, chộp lấy máy rằng cháu nó nhỡ mồm nhưng nếu cô không ngại. Gớm nữa tôi là bố nó nên đừng hỏi tại sao trứng khôn hơn vịt.
Cô đến nhanh như một cơn gió, váy mỏng ơ hờ khỏa lấp cặp giò ỡm ờ và đôi khi ất ơ hãy chờ một chút. Cô thật khác với ngày thường ở trường. Nghĩa là điệu đà mà không diêm dúa kiểu cách mà không phô trương, nhưng dịu dàng pha lả lướt. Cô với ông Kễnh quấn quýt quấn quýt. Nếu như ai không tỏ thì đều nghĩ đây là một gia đình hạnh phúc vô biên. Tường tận như tôi đôi khi còn suýt nhầm nữa là.
Tôi với cô giáo nhẩn nha ăn. Ông Kễnh chả hiểu do ý tứ hay chán sự quấn quýt mà té ra một góc ngồi xì xụp chơi game trên điện thoại. Tôi với cô chuyện bâng quơ, bâng quơ. Cô bảo sau này lấy chồng, đẻ đứa y con anh. Tôi tâm tẩm, pha chút cợt nhả, rằng cần gì đợi chồng rồi mới có con. Cô cười thẹn thùng bảo tôi khéo đùa. Ừ thì tôi hay đùa nhưng làm thời… lại thật.
Dạo gần đây tôi hay nhớ đến cô. Mỗi lúc nhớ nhung là tôi lại xui ông Kễnh gọi điện thoại. Một vài lần đầu vui vẻ lắm, nhưng dăm ba lần sau là ông cứ bần thần, bần thần.
Tôi phải gạ gẫm đổi chác dăm thứ con con mới chịu, tốn kém ra phết chứ chả đùa. Cô giáo hình như cũng có cũng có tình cảm với tôi nên líu lo như học trò ôn bài ban sớm.
Rồi tôi không gọi điện cho cô giáo thông qua ông Kễnh nữa. Nó là con tôi chứ có phải bố tôi đâu. Máy cô vẫn mở nhưng không thấy lời thưa, chỉ có tiếng nhạc chờ bản “Bức thư tình đầu tiên” lặp đi lặp lại. Nó bắt đầu bằng điệp khúc “Em đã mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Vì yêu anh, ngày mai em thêm vững bước trên con đường dài. Anh có nghe, mùa đông những ngọn đèn vàng. Em nhớ anh, em nhớ anh…”.
Đêm qua nằm mơ thấy mình đi học lại mẫu giáo. Sáng thức giấc, điện thoại bíp bíp báo hiệu có tin nhắn, nguyên văn “con yêu cô nhưng nhưng không muốn… mất mẹ”. Tin nhắn từ số của vợ tôi được cô giáo chuyển lại cho tôi. Nhìn sang bên, ông Kễnh vẫn khe khe ngon giấc. Còn mẹ nó, cựa quậy rồi xoay lưng úp mặt vào tường, chả biết thức hay ngủ.
Còn tôi thời tỉnh hẳn!
P.P