Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp này trên cơ sở đánh giá, rà soát lại toàn bộ những nhiệm vụ đã triển khai thời gian vừa qua và những nhiệm vụ triển khai thời gian tới, trong bối cảnh mới, đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế xã hội cũng như tạo điều kiện đảm bảo đời sống về kinh tế xã hội của nhân dân.
Lãnh đạo Bộ hy vọng các đơn vị thuộc Bộ sẽ có những đánh giá tình hình cụ thể và quán triệt đầy đủ hơn nữa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong việc thực hiện nhiệm vụ kép: vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế. Theo Bộ trưởng, việc chuyển sang một trạng thái mới (khi dịch bệnh tại Việt Nam tạm thời được kiểm soát nhưng trên thế giới còn diễn biến phức tạp) không phải đơn thuần là chúng ta chuyển đổi tình trạng của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội mà quan trọng hơn là chúng ta phải có các giải pháp căn cơ, thấu đáo hơn, gắn với tình hình thực tế.
Theo đó, phòng chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát thực tiễn, đánh giá toàn diện và đi vào cụ thể tác động của dịch bệnh khi chuyển sang trạng thái mới, từ đó xây dựng, ban hành kế hoạch hành động của Bộ Công Thương trên những phương diện sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa,… Từ đó, khơi gợi nguồn lực và đề xuất nhiều hơn chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau giai đoạn đóng băng.
Bộ trưởng nêu lên 6 mảng công tác lớn của Bộ Công Thương cần được tập trung thực hiện trong Kế hoạch hành động sắp được ban hành.
Nhóm công tác thứ nhất là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt. Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương xây dựng các tiêu chí an toàn để vừa đáp ứng yêu cầu phòng dịch vừa bảo đảm sản xuất để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện. Cùng đó, nghiên cứu xây dựng các cơ chế đặc thù để tăng trưởng và phát triển kinh tế cũng như có các quy định về hướng dẫn xây dựng Chính phủ điện tử.
Nhóm công tác thứ hai là, hướng đến việc đưa nền kinh tế trở lại bình thường với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tổ chức. Có các đánh giá năng lực cộng đồng doanh nghiệp, đánh giá tác động giải pháp hỗ trợ vừa qua đến doanh nghiệp để trong trường hợp cần thiết có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ để có cơ chế chính sách phù hợp hơn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Bộ Công Thương sẽ sớm tổ chức hội nghị làm việc với doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng (dự kiến trong tháng 5) để giúp khôi phục sản xuất, nhất là các ngành dệt may, gỗ, da giày, điện tử...
“Tiếp tục có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Nhóm công tác thứ ba liên quan đến vấn đề thị trường, trong đó ưu tiên triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thông thị trường trong và ngoài nước.
Về thị trường ngoài nước, cần tập trung nghiên cứu năng lực cạnh tranh để có điều kiện tiếp cận thị trường với nhóm sản phẩm ưu tiên, nhóm sản phẩm có khả năng đáp ứng tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Chú ý dư địa và cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm này cũng như có giải pháp để hỗ trợ tiết giảm chi phí logistics.
Về thị trường trong nước, chú ý phát triển thị trường ở mức độ cao hơn, cụ thể hóa việc phối hợp cùng các chính quyền địa phương. Bổ sung các chương trình xúc tiến thương mại tại các đô thị lớn và vùng sâu, vùng xa. Có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Có các chương trình kích cầu tiêu dùng, nhằm tạo dựng niềm tin thị trường. Xây dựng các hệ thống phân phối hiện đại và bảo đảm cung ứng nhu cầu thị trường, nhất là các nhu yếu phẩm.
Nhóm công tác thứ tư là đẩy nhanh việc tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, trong đó chú ý việc xây dựng kế hoạch hướng tới việc phù hợp với đòi hỏi, yêu cầu mới của tình hình.
Nhóm công tác thứ năm là thúc đẩy các chương trình hành động cải cách hành chính, ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến cấp 3, 4 vào cổng dịch vụ công của Bộ cũng như của quốc gia. Rà soát để tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Có cơ chế giám sát việc thực hiện cải cách hành chính.
Nhóm công tác thứ sáu là an sinh xã hội. Liên quan đến việc cắt giảm giá điện cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tổ chức thực hiện kịp thời hiệu quả. Có các giải pháp tạo điều kiện người dân tham gia vào các nội dung của hội nhập.
Bộ trưởng nhấn mạnh, các đơn vị trong Bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch công việc cụ thể để thực hiện cho giai đoạn tới đây, đặc biệt là sau khi dịch bệnh kết thúc, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, bảo đảm yêu cầu về tăng trưởng cho năm 2020 và những năm tiếp theo; tiếp tục tăng cường theo dõi sát tình hình, duy trì quan hệ làm việc chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng để cập nhật kịp thời những diễn biến mới tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội, từ đó có biện pháp đề xuất, hoàn thiện và đảm bảo hiệu quả chung trong chính sách điều hành của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương.