Bên lề phiên họp quốc hội chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có cuộc tiếp xúc cởi mở với báo chí. Theo đó, một vấn đề được nhiều phóng viên đặt ra với Bộ trưởng Thăng có liên quan đến nguồn tin Trung Quốc cấm các doanh nghiệp quốc doanh đấu thầu mới tại Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Là Thăng: "Chúng tôi sẽ đưa các nhà thầu khác vào làm và thậm chí họ còn làm nhanh hơn Trung Quốc" |
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Thăng nói: Thông tin này tôi mới đọc được trên báo chí, chưa có nguồn thông tin chính thức nào nhưng nói một cách tổng thể, Việt Nam hiện đã hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới. DN của ta, nhà đầu tư của ta có thể hoạt động ở bất cứ đâu trong nước và cả nước ngoài. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được quyền vào làm ăn, kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam có rất nhiều nhà đầu tư của các nước khác nhau chứ không chỉ có Trung Quốc vì Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng, an ninh chính trị tốt, ổn định, thu hút được các nhà đầu tư, trong đó các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc.
Còn với Việt Nam, việc này không ảnh hưởng gì tới các dự án vì Trung Quốc không tham gia thì đã có các nhà thầu nước ngoài khác tham gia. Nhà thầu Việt Nam cũng đủ mạnh, đủ lớn để thực hiện các dự án giao thông hiện nay. Còn bây giờ như tôi đã nói, người ta rút không cho vay nữa mình cũng sẵn sàng. Chúng ta không ngại gì cả, không chỉ với nhà đầu tư Trung Quốc mà với tất cả các nhà đầu tư khác cũng vậy, mình phải chủ động. Thực ra, chính các nhà thầu, doanh nghiệp Trung Quốc đều không muốn về mà muốn tiếp tục ở lại làm ăn vì môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam rất thuận lợi. Chính họ cũng nói với tôi mong muốn như vậy nhưng do vấn đề sức ép mà họ phải về nước.
Liên qian đến việc nhiều dự án trọng điểm tại Việt Nam do các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, thực hiện do lợi thế của các nhà thầu nước này là luôn bỏ thầu với giá thấp nhất nên thắng thầu trong hầu hết các dự án, bộ trưởng Thăng cho hay, hiện chỉ có 9 nhà thầu Trung Quốc với 17 gói thầu, tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng tiền vốn đang thực hiện ở Việt Nam (hầu hết đã thực hiện được một nửa). Trong đó, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho vay nên tất nhiên là các nhà thầu của họ được tham gia.
“Còn việc nhà thầu họ rút hay không thì Việt Nam hoàn toàn không phụ thuộc gì, không ảnh hưởng gì vì trước hết, nếu nhà thầu rút ra thì phần đang làm dở không thanh toán được. Chúng tôi sẽ đưa các nhà thầu khác vào làm và thậm chí họ còn làm nhanh hơn Trung Quốc. Phương án của chúng tôi về việc anh này rút, anh kia ngừng tham gia thì đều đã có phương án cả, thậm chí là làm không tốt còn bị đuổi, chấm dứt hợp đồng luôn, nên không phải lo lắng, băn khoăn gì cả”, bộ trưởng nói.