Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Tiếp cận khác biệt, Việt Nam sẽ đi đầu về IoT'

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, IoT là cơ hội lớn cho những ai dám chấp nhận một thế giới khác biệt, dám làm chủ và đi đầu.

Ông chia sẻ tầm nhìn của mình về IoT - Kết nối vạn vật.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Tiếp cận khác biệt, Việt Nam sẽ đi đầu về IoT' ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định Việt Nam có cơ hội đi đầu về IoT nếu đột phá về tư duy, chính sách và cách tiếp cận. Ảnh: Bộ TT&TT

- IoT là từ khóa được nhắc tới nhiều trong cuộc CMCN 4.0, theo Bộ trưởng, xu hướng kết nối vạn vật mang lại những lợi ích gì?

Trước tiên cần thấy rõ, IoT sẽ tạo ra nhiều dữ liệu nhất. Nếu chúng ta coi dữ liệu là dầu thì IoT chính là các mỏ dầu với trữ lượng vô cùng lớn. Khai thác dữ liệu này sẽ tạo ra các giá trị mới. IoT càng nhanh bao nhiêu thì càng nhiều mỏ dầu bấy nhiêu. Nếu coi mỗi sensor (cảm biến) là một mỏ dầu thì giá của một sensor là quá nhỏ so với giá trị mà nó mang lại. Càng khai thác dữ liệu hiệu quả bao nhiêu thì đầu tư cho IoT càng rẻ bấy nhiêu. Bởi vậy, AI và Big Data là các công nghệ đi kèm với IoT như cặp bài sinh đôi.

Tôi cho rằng, IoT là cách để chuyển thế giới vật lý thành thế giới ảo và làm cho xã hội của chúng ta sáng tạo hơn. Toàn bộ thế giới được ảo hoá. Toàn bộ quá trình sáng tạo, bao gồm thiết kế, tạo sản phẩm mẫu, thử nghiệm sẽ được thực hiện trong thế giới ảo - nhanh và đỡ tốn kém hơn nhiều so với thực hiện điều đó trong thế giới thực.

Chi phí sáng tạo nhỏ đến mức từng cá nhân có thể sáng tạo bằng chi phí của mình. Đây thực sự là một cuộc cách mạng. IoT chính là cách để giúp từng người Việt Nam có thể sáng tạo, mà điều này rất phù hợp với tính cách đa dạng, linh hoạt của người Việt Nam.

Kết nối vạn vật làm cho thế giới thông minh hơn. Các con đường trong nội đô sẽ lên tiếng nói rằng tôi còn chỗ trống và bạn có thể đỗ xe ở đây. IoT hoá thế giới vật lý là quá trình thông minh hoá thế giới và cuộc sống. Xã hội IoT là xã hội thông minh, hay như người Nhật nói là xã hội 5.0. Xã hội 1.0 là xã hội săn bắn. Xã hội 2.0 là xã hội trồng trọt, chăn nuôi, nông nghiệp. Xã hội 3.0 là xã hội công nghiệp. Xã hội 4.0 là xã hội thông tin. Còn xã hội 5.0 là xã hội thông minh. Một xã hội thông minh là một xã hội hiệu quả hơn, Việt Nam chúng ta khan hiếm rất nhiều tài nguyên thì IoT là cứu cánh để sử dụng mọi thứ hiệu quả hơn.

- Việt Nam đã chậm chân với nhiều xu hướng công nghệ của thế giới, cơ hội nào cho chúng ta trong xu hướng mới này?

IoT là một công nghệ nền tảng của cuộc CMCN 4.0. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những vật vô tri vô giác cất tiếng nói và giao tiếp với nhau và với con người. Chúng ta đã quen với thế giới 7 tỷ người, nhưng thế giới với hàng nghìn tỷ sự vật tham gia thì quả là chưa thể tưởng tượng được. Tôi tin đây chính là cơ hội to lớn cho những ai dám chấp nhận một thế giới mới khác biệt, dám làm chủ và đi đầu. Một cách tiếp cận khác biệt, một cách nhìn khác biệt, rất Việt Nam, sẽ giúp chúng ta dẫn đầu về IoT.

Đi sau thì vẫn có thể đi trước và phải đi trước. Xã hội chúng ta chưa được tự động hoá, chưa ảo hoá nhiều. Ở các nước phát triển, mức độ ảo hoá cao hơn, nhưng lại sử dụng công nghệ cũ, chưa phải IoT. IoT rẻ hơn, dễ triển khai hơn, vì thế ta có thể và nên đi thẳng vào IoT để ảo hoá thể giới vật lý. Bằng cách đó, ta có cơ hội đi trước, cũng giống như các nước châu Á vì đi sau về ngân hàng theo cách truyền thống nên lại thành công nhất về sử dụng Mobile Banking. Nên coi IoT là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng ICT trên thế giới.

- IoT đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, theo Bộ trưởng, chúng ta cần làm gì để bắt kịp xu hướng và thay đổi thứ hạng ICT?

Về nền tảng kết nối IoT, với chiến lược đến 2020, về cơ bản mỗi hộ gia đình Việt Nam có một đường truyền cáp quang, mỗi người dân sở hữu một điện thoại thông minh và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên IoT trước, thì Việt Nam sẽ là một trong số ít những nước đảm bảo tốt cho hạ tầng kết nối IoT. Thuận lợi lớn nhất của Việt Nam là hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quy hoạch đủ số điện thoại, địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT.

IoT là một ngành công nghiệp. Mà đầu tiên là công nghiệp sản xuất sensor. Điện thoại di động đã là một ngành công nghiệp khổng lồ vì mỗi người dân sở hữu một điện thoại, tổng số lên đến 6-7 tỷ máy. Nhưng IoT lớn hơn rất nhiều. Nó sẽ là hàng trăm, hàng nghìn tỷ thiết bị. Việt Nam đã bỏ lỡ thời kỳ sản xuất thiết bị điện tử dân dụng, thiết bị đầu cuối như điện thoại di động thì phải nắm bắt cơ hội sản xuất IoT. Cần đi thẳng vào sản xuất thiết bị IoT. Phải bắt đầu từ làm chủ thiết kế, tích hợp thành sản phẩm thương mại hoàn chỉnh, làm chủ công nghệ cốt lõi. Đó là cơ hội cho ngành công nghiệp ICT Việt Nam.

IoT bao gồm công nghệ nền tảng, platform và ứng dụng. Công nghệ nền tảng thì cần khoảng 5% doanh nghiệp tham gia làm, không cần nhiều, và có thể là các công ty lớn, có tiềm năng công nghệ và tài chính, cần đầu tư nhiều, cần đầu tư trước, như Viettel, Vingroup, VNPT, FPT, CMC. Các doanh nghiệp tạo platform nhiều hơn, khoảng 15%, có thể là doanh nghiệp phần mềm, sẽ xây dựng platform và công cụ để viết ứng dụng. Còn lại là 80% là đa số các công ty phát triển ứng dụng, có thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là bất cứ ai.

Như vậy, để phát triển IoT, các doanh nghiệp lớn, dù là tư nhân hay nhà nước, với trách nhiệm với đất nước, với tương lai của đất nước, phải đầu tư trước, phải tạo ra công việc, điều kiện làm việc, để những người giỏi về IoT trên thế giới về đây làm việc, trở thành hạt nhân để tạo ra nhân lực IoT Vietnam. Cách tạo nguồn nhân lực tốt nhất là tạo ra công việc thách thức. Việc sẽ tạo ra người. Việc vĩ đại sẽ tạo ra người vĩ đại.

- Vậy còn vấn đề an toàn, an ninh mạng, thưa ông?

Chúng ta sống trong thế giới ảo càng nhiều bao nhiêu thì tầm quan trọng của an toàn, an ninh thông tin càng lớn bấy nhiêu. Việt Nam phải phát triển một nền công nghiệp về an ninh mạng. Tôi tin có rất nhiều người Việt Nam giỏi về an ninh mạng. Đây cũng là cơ hội của chúng ta để đảm bảo an ninh mạng cho các thiết bị IoT. Việc sớm ứng dụng và ứng dụng rộng rãi IoT sẽ góp phần giúp Việt Nam thành cường quốc về an ninh mạng.

- Ông đánh giá thế nào về quan điểm: ở Việt Nam, CMCN 4.0 là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cách mạng về công nghệ?

Đúng vậy, đây là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cách mạng về công nghệ. Đầu tiên phải chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới thay đổi ngành, gọi là X-Tech, như Fintech, EduTech, thường là sự sáng tạo mang tính phá huỷ cái cũ. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ sẽ về, người sẽ về, và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm xuất khẩu. Nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác. Đi sau người khác, đi cùng người khác sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, đó là cơ hội của chúng ta.

- Khi điều hành tập đoàn Viettel, ông được coi là người rất sát thực tiễn. Giờ trên cương vị Bộ trưởng, ông chọn cách tiếp cận nào để xây dựng chính sách?

Cách tiếp cận chính sách theo cách truyền thống thì thường là: Quản được thì mở, quản đến đâu mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới mà nhiều nước áp dụng, gọi là cách tiếp cận Sandbox: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường là không nhiều như lúc đầu các nhà quản lý dự đoán. Sau đó mới hình thành chính sách, quy định quản lý. Tôi cho rằng, đây là một trong những cách tiếp cận chính sách phù hợp với cuộc CMCN 4.0, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới, các sáng tạo mang tính phá huỷ cái cũ.

Khi một cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra, tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.

Theo Vnexpress
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.