Chiều nay 16/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là thành viên Chính phủ thứ 4 đăng đàn trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội khóa XIV. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Thanh tra Chính phủ.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân được các đại biểu và cử tri cả nước kỳ vọng sẽ làm rõ các vấn đề như tinh giản biên chế, giải pháp cải cách tiền lương; tình trạng một số địa phương bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo hoặc bổ nhiệm công chức tràn lan.
Những nội dung ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Nội vụ làm rõ trước Quốc hội là vấn đề tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...
Vấn đề cụ thể, đại biểu và cử tri cả nước mong muốn ông Lê Vĩnh Tân làm rõ đó là quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương vừa bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016.
Sau khi ông Vũ Huy Hoàng bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với các đơn vị liên quan để thống nhất quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Ngoài ra, cử tri cả nước cũng mong muốn Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ trong lần đăng đàn trước Quốc hội đầu tiên của mình là tình trạng một số địa phương bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo hoặc bổ nhiệm công chức tràn lan.
Trước đó, Bộ Nội vụ cũng đã cử thanh tra xuống làm việc với một số tỉnh thành như Hải Dương, Cần Thơ… để làm rõ thông tin một sở có 46 biên chế nhưng có tới 44 người là lãnh đạo và thông tin bổ nhiệm người nhà của lãnh đạo. Cùng với việc làm rõ những thông tin ở các tỉnh thành trên, Bộ Nội vụ còn vào cuộc ở các Bộ ngành và địa phương khác.
Để khắc phục những vấn đề liên quan đến công tác quản lý cán bộ công chức, Bộ Nội vụ cũng đang rà soát lại các chính sách liên quan đến cán bộ công chức, viên chức. Trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng bổ nhiệm, tránh được các vấn đề dư luận phản ánh.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu tập trung làm rõ các vấn đề tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nhắc lại, ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương - vừa bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016. Sau đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với các đơn vị liên quan để thống nhất quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng.
“Với tư cách là người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ về công tác quản lý, xử lý cán bộ công chức có vi phạm, đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về hình thức xử lý về mặt nhà nước đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, bảo đảm kịp thời nghiêm minh đúng quy định của pháp luật”, đại biểu Hoàng Thanh Tùng nói.
Đại biểu cũng lưu ý Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý đây là trường hợp đặc biệt vì ông Vũ Huy Hoàng đã được Quốc hội khóa 13 miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng từ thừng 4/2016. Do đó, hiện nay ông Hoàng không còn là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định có liên quan.
Trả lời ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, về mặt Nhà nước, Ban Bí thư giao Ban cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan phối hợp xử lý. Đây là vấn đề khó chưa từng có trong tiền lệ nên Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan để nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.
“Điều này chứng tỏ quyết tâm chính trị đối với những người đang công tác hoặc nghỉ hưu nếu có sai phạm chúng ta vẫn phải có hình thức xử lý, chứ không phải sai phạm rồi nghỉ hưu là hạ cánh an toàn”, ông Tân nói.
Theo Bộ trưởng, nguyên tắc đó cũng là để cánh báo những người đang đương chức khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình phải nghiêm chỉnh thực hiện cho đúng chứ không phải nghĩ về hưu là hết trách nhiệm đối với Đảng và Nhà nước.
“Đây là vấn đề khó, vấn đề mới nhưng chúng ta cũng phải tạo cơ sở hành lang pháp lý để xử lý những trường hợp sai phạm sau này”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhắc lại.
Có hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) cho rằng, số tiền ngân sách chi thường xuyên cho bộ máy hành chính của nước ta đang quá lớn, điều này phản ánh bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ có giải pháp để nâng cao chất lượng công chức, viên chức.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nêu câu hỏi, việc bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình là rất đúng, tuy nhiên thời gian qua vấn đề này đã bị lợi dụng, là “bà đỡ” cho việc chọn người nhà chứ không chọn người tài. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp nào để giải quyết vấn đề trên?
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) chất vấn tình trạng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt ở một số bộ ngành, địa phương. Bà Nga "truy" có hay không tình trạng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ?
“Có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, trong đó có người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện? Trách nhiệm của Bộ và cách khắc phục? Vì sao sau 4 tháng chưa có kết quả thanh tra kiểm tra theo yêu cầu của Thủ tướng?”, đại biểu Lê Thị Nga nêu hàng loạt câu hỏi.
Làm rõ vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 15/9 và 31/10, Bộ Nội vụ đã có hai báo cáo về tình hình bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ. Thời gian tổng hợp báo cáo từ giữa năm 2015 đến nay. Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản yêu cầu địa phương báo cáo nên giờ này Bộ đang tổng hợp ý kiến bộ ngành, địa phương và sẽ báo cáo Quốc hội.
Ông Lê Vĩnh Tân cho biết, theo báo cáo sơ bộ thì có hiện tượng bổ nhiệm nhiều ở cuối nhiệm kỳ, nhưng cần phân tích việc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm đúng quy hoạch... “Điều này cần thanh tra một số nơi, cần thiết phải thanh tra công vụ. Chúng tôi sẽ có thanh tra công vụ cụ thể và có thông tin báo cáo đại biểu thời gian tới”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải thích.
Theo Dân Trí