Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải 'giá điện chỉ tăng, không giảm'

(Ngày Nay) - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích, hiện nay, Luật Giá quy định cơ chế giá của các khu vực chênh lệch, có biểu giá bán lẻ điện trong khung 5 năm ổn định, trong đó có cả điện sinh hoạt, điện sản xuất và điện kinh doanh. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, mặc dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật Giá thì vai trò của Nhà nước phải điều tiết giá, có cả những vấn đề hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo. 

Sáng 7/9/2020, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đại diện Bộ Công Thương báo cáo và trả lời tại Phiên chất vấn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải 'giá điện chỉ tăng, không giảm' ảnh 1

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc đồng hội chủ trì phiên giải trình.

Chủ trì và chỉ đạo Phiên giải trình là ông Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Đồng chủ trì có ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm chất vấn: "Từ năm 2011 đến nay đã 9 lần điều chỉnh giá điện bán lẻ, trong đó cả 9 lần đều điều chỉnh tăng chứ không điều chỉnh giảm... Xin hỏi đến bao giờ chúng ta có thể bàn chuyện giảm giá điện?".

Ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hiện giá điện (đầu vào, giá bán lẻ đầu ra) chưa theo kinh tế thị trường. "Điều này có làm giảm động lực phát triển của điện năng", ông Hiển hỏi.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Trước những băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).

Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTG phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải 'giá điện chỉ tăng, không giảm' ảnh 2

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, sau gần 10 năm thực hiện 2 quy hoạch trên, ngành Điện đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra.

"Đến năm 2024, thực tế mới là thị trường hoàn chỉnh và giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Còn hiện nay chưa làm điều đó", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Cụ thể, giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình là 10,5%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành điện vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỉ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010.

Những năm qua, ngành Điện đã tập trung đầu tư và hoàn thành đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện. Về nguồn điện, tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 54.880 MW.

Về lưới điện đến cuối năm 2019, tổng chiều dài đường dây 500 kV là 8.496 km, tăng 2,2 lần so với năm 2010; chiều dài đường dây 220-110 KV tăng từ 23.156 km lên 43.174 km (tăng 1,9 lần); dung lượng các trạm biến truyền tải cũng tăng khoảng 2,8 lần so với năm 2010…

Bên cạnh đó, ngành Điện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng điện và dịch vụ khách hàng…

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, ngành Điện nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%.

Mất cân đối nguồn điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra trình trạng thừ cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.

Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát triển điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khẩu khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lực.

Huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỷ USD. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các cho các dự án của họ cũng gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu từ nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ…).

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng đủ điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, trong báo cáo, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành Điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Trong đó, bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư. Kiến nghị thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án này thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã nằm trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.

Cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện…

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Công Thương về giá điện.

Đến năm 2024, giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường

Là người đầu tiên đặt câu hỏi, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề: “Chủ trương của Đảng là vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường nhưng qua xem xét thấy rằng, cả giá điện đầu vào, giá điện bán ra đều chưa bám sát cơ chế thị trường nên giảm động lực sự phát triển, có phải như vậy không?”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải 'giá điện chỉ tăng, không giảm' ảnh 3

Phiên giải trình về Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng quan tâm đến giá điện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm chất vấn: "Từ năm 2011 đến nay đã 9 lần điều chỉnh giá điện bán lẻ, trong đó cả 9 lần đều điều chỉnh tăng chứ không điều chỉnh giảm... Xin hỏi đến bao giờ chúng ta có thể bàn chuyện giảm giá điện?".

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Theo đề án được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 có 3 cấp độ: đầu tiên là thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu thực hiện từ năm 2011 - 2012 và đến nay đã hoàn chỉnh; đã có hơn 94 nhà máy điện tham gia vào thị trường điện cạnh tranh.

Cấp độ hai là thị trường bán buôn điện cạnh tranh, được triển khai từ 2018 và đến năm 2019 đã có thị trường này; tiến hành bán điện cạnh tranh với các tổng công ty lớn ngoài EVN tham gia trực tiếp.

Cấp độ ba là bán lẻ giá điện cạnh tranh dự kiến sẽ triển khai thực hiện năm 2024, sau khi có tổng kết thí điểm từ 2021 - 2024 để đảm bảo ổn định và tính khả thi, hiệu quả của mô hình này. "Điều đó có nghĩa là người sử dụng điện cho dù là sản xuất hay sinh hoạt đều trực tiếp ký hợp đồng với phân phối bán điện giá lẻ. Cơ chế này có tăng, có giảm theo đúng kinh tế thị trường, cơ cấu giá đầu vào của giá thành sản xuất điện", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích.

Theo Bộ trưởng, đến khi đó, Nhà nước chỉ quản lý phí của hệ thống truyền tải và phân phối; còn lại cơ chế, cơ cấu giá thành sản xuất quyết định giá bán lẻ.

"Vì vậy, có thể khẳng định đến năm 2024, thực tế mới là thị trường hoàn chỉnh và giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Còn hiện nay chưa làm điều đó", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích thêm, hiện nay, Luật Giá quy định cơ chế giá của các khu vực chênh lệch, có biểu giá bán lẻ điện trong khung 5 năm ổn định, trong đó có cả điện sinh hoạt, điện sản xuất và điện kinh doanh. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, mặc dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật Giá thì vai trò của Nhà nước phải điều tiết giá, có cả những vấn đề hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo.

"Đúng như đại biểu nêu, thời gian qua, giá điện chỉ tăng chứ không có giảm vì trong thời gian từ 2011-2020, khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh, chúng ta chưa đảm bảo được cân đối giá thành sản xuất điện của EVN và các doanh nghiệp đầu tư. Trên thực tế, người tiêu dùng và người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế điện giảm giá”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành điện

Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành điện nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến các dự án nguồn điện chậm tiến độ, mất cân đối nguồn cung giữa các vùng miền hay giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo.

Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện cũng ngày càng phụ thuộc nhập khẩu, trong khi huy động vốn cho các dự án điện lại gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải 'giá điện chỉ tăng, không giảm' ảnh 4

Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng cơ chế chính sách tài chính để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành điện.

Bộ Công Thương dự báo, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí chiếm 19%, thủy điện chiếm 18%, điện gió và mặt trời chiếm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là các nguồn khác.

Để phát triển ngành điện trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương cho biết trước hết sẽ tập trung xây dựng Quy hoạch Điện VIII đáp ứng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Dự kiến Quy hoạch Điện VIII sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020 và phê duyệt trong năm nay.

Cùng với đó, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện, truyền tải điện và bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường, đặc biệt thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng cơ chế chính sách tài chính để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành điện.

Đồng thời, phát triển khoa học - công nghệ, thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, để góp phần giảm nhu cầu sử dụng điện, giảm áp lực đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng điện và nâng cao nhận thức sử dụng điện của khách hàng.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.